Mùa xuân đến muộn
Các em viết - Ngày đăng : 14:09, 27/02/2021
Đúng hôm trường tôi diễn ra “Lễ hội gói bánh chưng” để chào đón Tết cổ truyền thì “làn sóng Covid-19” trở lại trên quê hương khiến hoạt động ngoại khóa mà tôi và các bạn háo hức mong chờ đã bị hủy. Tôi còn buồn hơn nữa khi biết gia đình chú tôi không thể về quê ăn Tết với ông bà như mọi năm. Tôi vừa xúc động vừa hãnh diện khi biết rằng chú tôi có mặt trong đoàn y, bác sĩ giỏi nhất đã lên đường chi viện cho “điểm nóng” Chí Linh, cho chính quê hương của mình.
Từ những ngày áp Tết đến nay, ông bà và bố mẹ tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn của bạn bè, người thân ở khắp nơi hỏi thăm về tình hình dịch bệnh. Mỗi cuộc điện thoại đều kèm theo những lời động viên, lời chúc Hải Dương kiên cường và vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách. Khi chú tôi gọi FaceTime, động viên và trấn an tinh thần ông bà, bà đã ghìm lòng để khỏi trào nước mắt. Nhìn chú kín mít trong bộ đồ bảo hộ, gương mặt bịt khẩu trang y tế, chỉ hở hai con mắt qua màn hình điện thoại, lặng nghe tiếng chú ở tâm dịch cách xa nhà gần hai chục cây số, bà cứ rơm rớm nước mắt. Có lần bà phải bỏ dở cuộc điện thoại vì nghẹn ngào. Ông bà tôi mong chú lắm vì chú là bác sĩ ở một bệnh viện lớn trên thủ đô, bận rộn quanh năm, hiếm khi chú được nghỉ dài ngày để đưa vợ con về thăm ông bà. Nhiều lần bà bảo chỉ cần có chú ở nhà thì ông bà sẽ yên tâm nhưng bây giờ chú đang vì trách nhiệm với cộng đồng mà tạm gác lại niềm vui sum họp gia đình.
Tôi nhớ từ dịp lễ Noel đến giờ, chú thím và các em chưa được về với ông bà. Tất cả đều dành cho ngày nghỉ Tết. Bà tôi thường đếm ngược lịch, rồi nhẩm tính: còn 18 ngày nữa, còn 11ngày nữa… Bao nhiêu món ngon bà ấp ủ để dành các con, các cháu ở xa về. Bà bảo bà nhớ các cháu nên toàn nằm mơ chúng nó về đến sân nhà, đứa nào cũng cao lớn, đứa nào cũng nói cười râm ran. Vậy mà niềm mong ngóng của cả nhà bị ngắt quãng bởi dịch Covid-19. Ngôi trường thân yêu của tôi bỗng trở thành nơi cách ly tập trung của những người bị nghi nhiễm Covid-19. Các thầy, cô giáo tất bật dọn dẹp, vệ sinh từng phòng học. Tôi cũng đã góp một phần sức lực nhỏ bé của mình trong cuộc chiến này. Tôi ở yên trong nhà, thực hiện nghiêm lệnh cách ly xã hội toàn tỉnh. Tôi thưởng thức bánh chưng ông gói, ngắm cây đào bố mua, để cảm nhận Tết đã về trong căn nhà ấm cúng của mình.
Năm ngoái, tôi đã từng trải qua một kỳ nghỉ Tết dài chưa từng có và một năm học kéo dài gần hết mùa hè nóng nực chỉ vì dịch Covid-19. Cuộc sống bất thường đã khiến tôi thêm quý trọng những giây phút bình thường. Chính những ngày tháng phải nghỉ đến trường để phòng dịch bệnh đã giúp tôi hiểu lời dặn của chú với cả đại gia đình, rằng “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Tôi còn rèn thói quen tự giác và ngày càng tự tin hơn với khả năng sử dụng công nghệ thông tin để học online, tự nghiên cứu kho tri thức mênh mông.
Dù có phần lo lắng, phấp phỏng vì mỗi ngày lại có thêm người nhiễm bệnh nhưng tôi tin rằng Hải Dương của chúng ta sẽ bình an trở lại khi mọi người cùng đoàn kết, đồng lòng; khi có đội ngũ y, bác sĩ dũng cảm và tài năng, tình nguyện ngày đêm “chiến đấu” với dịch bệnh như chú của tôi. Ông bà tôi tự hào về chú lắm. Sau này nhất định tôi sẽ phấn đấu trở thành một “chiến binh áo trắng” như chú để mang lại sức khỏe và bình yên cho mọi người.
Chú tôi lại gọi FaceTime cho ông bà và hứa hẹn: “Khi con hoàn thành nhiệm vụ, đại gia đình nhà mình sẽ ăn Tết bù”. Tôi biết ngoài kia, mùa xuân đã về trên nhành non, lộc biếc. Dù có đến muộn thì mùa xuân vẫn gieo mầm hy vọng.
VƯƠNG TUẤN KHANH
(Lớp 9A, Trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách)