CPI tháng hai tăng 1,52%, mức cao nhất trong 8 năm qua
Kinh tế - Ngày đăng : 11:49, 28/02/2021
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Có nhiều nguyên nhân khiến CPI tăng, trong đó có việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã kết thúc chương trình hỗ trợ giá điện, tiền điện cho khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông công cộng tăng trong dịp Tết Nguyên đán.
Như vậy, CPI tháng này đã tăng 1,58% so với tháng 12.2020. Song so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng hai chỉ tăng 0,7% và là mức thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Trên thực thế, bình quân CPI 2 tháng đầu năm đã giảm 0,14% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản chỉ tăng 0,64%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Trong mức tăng chung của tháng hai, khu vực thành thị tăng 1,45% và khu vực nông thôn tăng 1,59%.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy khu vực nông thôn có tốc độ tăng CPI cao hơn khu vực thành thị chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm và nhóm điện sinh hoạt có mức tăng cao.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm tăng giá so với tháng trước và 1 nhóm giữ giá ổn định. Cụ thể, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng có mức tăng cao nhất, với 4% (làm CPI chung tăng 0,75 điểm phần trăm). Nguyên nhân là do trong tháng một, các địa phương thực hiện Công văn số 9764/BCT-ĐTĐL ngày 18.12.2020 của Bộ Công thương về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đợt 2, làm cho giá điện tính trong CPI giảm 16,88% so với tháng 12.2020. Nhưng sang tháng hai, do không nhận được hỗ trợ cộng thêm nhu cầu sử dụng tăng nên chỉ số giá điện sinh hoạt tăng cao so với tháng trước đó.
Về tỷ giá, đồng USD trên thị trường thế giới giảm trong bối cảnh các đồng tiền ảo tăng mạnh, thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm đáp ứng nhu cầu về ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.145 VND/USD. Như vậy, chỉ số giá đô la Mỹ tháng hai giảm 0,17% so với tháng trước và giảm 0,76% so với cùng kỳ năm 2020.
Về giá vàng, bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24.2 giảm 2,7% so với tháng một do giới đầu tư lạc quan về sự phục hồi kinh tế sẽ thúc đẩy lợi suất trái phiếu khiến vàng trở nên kém hấp dẫn. Nhưng trong nước, các doanh nghiệp kinh doanh vàng tiếp tục giữ mức giá cao trước Tết Nguyên đán cộng thêm trong tháng có ngày “Thần tài” nên nhu cầu mua vàng gia tăng, khiến chỉ số giá vàng trong tháng tăng 0,25% so với tháng trước và tăng 25,08% so với cùng kỳ năm 2020.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Theo Vietnam+