Nhìn lại 1 tháng chống dịch: Càng khó khăn càng phải bình tĩnh, tỉnh táo
Chính trị - Ngày đăng : 15:21, 28/02/2021
Ngay lập tức, các biện pháp phòng chống dịch mạnh mẽ nhất đã được triển khai. Chiều và đêm 27.1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 (Ban Chỉ đạo) có hai cuộc họp liên tiếp với Hải Dương, Quảng Ninh, nhấn mạnh do thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, nên việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch phải cao hơn một cấp.
Hải Dương phải tự đặt trong tình trạng như Đà Nẵng trước đây, Bộ Y tế sẽ chi viện tối đa, tuy nhiên Hải Dương phải tập trung cao độ, để trong 10 ngày phải khoanh vùng triệt để, có phương án chống dịch cao hơn một mức, coi Hải Dương như trường hợp của Đà Nẵng, phấn đấu trong vòng 10 ngày phải kiểm soát được các ổ dịch này.
1 ngày sau khi có thông tin về các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, tại Hải Dương, Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp khẩn của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo, dù đang tham dự Đại hội Đảng lần thứ XIII. Ảnh: VGP |
Cương quyết, kịp thời nhưng phải hết sức bình tĩnh
Dù đang tham dự Đại hội Đảng lần thứ XIII, nhưng chiều 28.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp khẩn của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo. Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đã phản ứng cương quyết, kịp thời, thái độ dứt khoát, mạnh mẽ hơn; cần khoanh vùng, cách ly truy vết thần tốc trên diện rộng nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh; tiếp tục thực hiện biện pháp hành chính mạnh mẽ... “không để lãng phí một giờ, một phút nào”.
Ngay sau đó, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg để Hải Dương, Quảng Ninh, nhất là các tỉnh, địa phương khác thực hiện phòng chống dịch trong điều kiện mới, trên tinh thần kiên quyết giữ vững thành quả chống dịch, khoanh vùng, dập dịch nhanh nhất để giữ cho cuộc sống của nhân dân trong trạng thái bình thường mới một cách bình thường nhất có thể.
Hải Dương, Quảng Ninh đã triển khai những biện pháp chống dịch quyết liệt nhất với cách làm sáng tạo như thực hiện "phong tỏa trong phong tỏa", hình thành nhiều lớp. Còn thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đã triển khai khoanh nhỏ những điểm có nghi ngờ và nhiều điểm nhỏ khoanh thành điểm lớn hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nghe báo cáo tại chốt kiểm soát, phòng chống dịch trên quốc lộ 37 đi qua TP Chí Linh (Hải Dương) tối 31.1 |
Trong cuộc họp ngay sau khi kết thúc ngày làm việc thứ 5 của Đại hội Đảng lần thứ XIII tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình về công tác phòng chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nhanh chóng dập dịch trước Tết, khoanh gọn các ổ dịch là nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay của cả hệ thống chính trị. Chúng ta đạt được một số kết quả bước đầu nhưng các cấp, các ngành không được chủ quan và cả hệ thống phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, trong đó có việc tiếp tục cụ thể hóa Chỉ thị 05; đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng, truy vết và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Thủ tướng đồng ý kích hoạt hệ thống bệnh viện dã chiến, đào tạo tập huấn lại cho các nhân viên y tế; bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế để điều trị cả bệnh nhân COVID-19 và những bệnh nhân khác.
Những địa phương có ca nhiễm mới trong cộng đồng cần thực hiện giãn cách xã hội đối với những khu vực có nguy cơ cao, cần khoanh vùng hợp lý, chặt chẽ nhưng cũng không nên làm quá rộng vì có thể sẽ khiến các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn đình trệ nhưng cũng không làm quá hẹp để lây nhiễm có thể lan ra. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép nhưng phải ưu tiên bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Chúng ta phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết để an lòng dân cả vùng dịch và vùng không có dịch; phòng dịch quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nhưng vẫn phải bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là lo Tết cho người dân, cho nên vấn đề cung ứng hàng hóa cho vùng dịch cũng như bảo đảm cho nhân dân đón Tết an toàn, tươi vui là yêu cầu đặt ra đối với các cấp, địa phương.
Tỉnh Hải Dương đã phong tỏa TP Chí Linh, thiết lập Bệnh viện dã chiến số 1 |
THẦN TỐC: Sau 3 ngày đã đuổi kịp dịch
Với sự chi viện thần tốc ngay từ trưa 27.1 của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, sau đêm 27 đến sáng 28.1, các lực lượng chức năng đã khoang vùng, xác định các đối tượng lấy mẫu. Xác định đây là biến chủng virus, với tốc độ lây lan nhanh nên mức độ khoanh vùng, truy vết và lấy mẫu được tiến hành rộng hơn, mạnh hơn. Bên cạnh đó, năng lực lấy mẫu, xét nghiệm của Hải Dương đã tăng lên nhanh chóng, đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm, tầm soát diện rộng tại các khu vực cách ly, phong tỏa, đồng thời thực hiện được ngay các biện pháp khanh vùng, truy vết, cách ly khi xuất hiện những ổ dịch mới ở Cẩm Giàng, Kinh Môn, TP Hải Dương.
So sánh ổ dịch tại Hải Dương (1.2021) và Đà Nẵng (tháng 7.2020), Bộ Y tế cho biết ở Hải Dương, sau 3 ngày, chúng ta đã đuổi kịp dịch kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên (Đà Nẵng là 11 ngày), dịch bệnh cơ bản được khống chế, kiểm soát sau 8 ngày (Đà Nẵng là 23 ngày). Ổ dịch ở Hải Dương đã diễn ra trong 30 ngày với 645 ca mắc COVID-19, liên quan đến 13 tỉnh, thành phố liên quan; thực hiện xét nghiệm 340.217 mẫu; truy vết hơn 15.000 ca F1. Tại Đà Nẵng, sau 36 ngày, địa phương này không có thêm ca mắc mới trong cộng đồng, ghi nhận 389 ca mắc COVID-19, liên quan đến 15 tỉnh, thành phố; xét nghiệm 384.613 mẫu; truy vết hơn 11.000 ca F1.
Tuy nhiên, dịch bệnh ở Hải Dương xảy ra tại những cụm công nghiệp có số lượng công nhân rất lớn. Biến chủng virus SARS-CoV-2 tại Hải Dương (biến thể Anh B.1.1.7) có khả năng lây lan nhanh hơn virus gây dịch bệnh tại Đà Nẵng (biến thể châu Âu D614G).
Năng lực xét nghiệm, lấy mẫu của Hải Dương, Quảng Ninh và các địa phương phương khác liên tục được tăng lên để bắt kịp dịch trong thời gian ngắn nhất |
Trong khi đó, với các biện pháp hết sức quyết liệt, từ khoanh vùng, cách ly đến xét nghiệm tầm soát diện rộng tại những khu vực có nguy cơ cao, trong vòng 10 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên ở sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh cũng đã kiểm soát hoàn toàn tình hình, khoanh vùng, dập ngay những ca bệnh xuất hiện nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, trong khi tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát tại Quảng Ninh, Hải Dương thì những ca nhiễm ghi nhận tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên… tiếp tục đặt toàn hệ thống phòng chống dịch trong trạng thái vô cùng căng thẳng. Nhưng càng lúc khó khăn, chúng ta càng cần phải bình tĩnh.
Sự chi viện kịp thời của Trung ương cho những địa phương còn nhiều khó khăn như Gia Lai, hay những cuộc họp trực tuyến chỉ 30 phút đến 1 tiếng của Ban Chỉ đạo với riêng từng địa phương như Quảng Ninh, Hải Dương, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai để kịp thời xử lý ngay vướng mắc từ địa phương đã nhanh chóng dệt dày thêm những tấm lưới tầm soát diện rộng, truy vết sát sao, đuổi kịp tốc độ lây lan của virus. Vì vậy sau khi phát hiện một số ca nhiễm trong cộng đồng, hầu hết các ca nhiễm ghi nhận trong nửa cuối tháng 2.2021 đều đã được cách ly, hoặc ở trong khu phong tỏa.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2021, ngày 2.2, Thủ tướng yêu cầu sớm đưa vaccine đến người dân và tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, chuẩn bị cho người dân đón Tết an toàn |
Sớm đưa “vũ khí” vaccine vào chống dịch
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.2021, ngày 2.2, bên cạnh yêu cầu phải tiếp tục quyết liệt phòng chống, dập dịch COVID-19, không được chủ quan, có biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, đi trước thời gian nhưng không được để hoảng loạn, Thủ tướng đã yêu cầu xem xét sớm đưa vaccine tới người dân ngay trong quý I.2021 này một cách phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, không để vì chống dịch mà ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chiều 9.2 (chiều 28 Tết) Thủ tướng đã đến thăm hỏi, động viên ngành y tế, ngành đi đầu trên mặt trận chống COVID-19. Ngành y tế đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, không ngại gian khổ, sẵn sàng trụ vững tại nhiều điểm nóng, “vì thế, chúng ta đã khống chế các ổ dịch ở nhiều đợt khác nhau”. Biểu dương thành tích lớn lao, quyết tâm, ý chí quyết liệt của toàn bộ chiến sĩ áo trắng trên mặt trận bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thủ tướng đề nghị “toàn ngành phải cảnh giác cao hơn các ngành, lực lượng khác”, phải sẵn sàng cho mọi tình huống…
Trong những ngày nhân dân cả nước đón Tết Nguyên đán, các cuộc họp của Ban Chỉ đạo dành nhiều thời gian để thảo luận về giải tỏa khó khăn trong lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quay trở lại sản xuất cũng như đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mua vaccine từ nước ngoài, tiếp tục thử nghiệm vaccine trong nước.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vào chiều 15.2 (mùng 4 Tết), Thủ tướng đánh giá cao tinh thần quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, đặc biệt là ngành y tế, các địa phương, nhất là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai… Nhấn mạnh việc nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 là một nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ và trong tháng 2 phải có vaccine, Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các cách tiếp cận chống dịch mới trước tình hình mới, chuẩn bị sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra…
Ngày 26.2, những xã, phường cuối cùng của Đông Triều (Quảng Ninh), giáp TP Chí Linh, Hải Dương được gỡ bỏ phong tỏa |
Cuộc sống vẫn phát triển, người dân cần thu nhập
Trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, 17.2, Thủ tướng cũng nhấn mạnh cuộc sống vẫn phát triển, người dân cần thu nhập, do đó cần xử lý các vấn đề, vướng mắc trên tinh thần bảo vệ sức khỏe nhân dân nhưng cần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép.
Một tuần sau, ngày 24.2, khi chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh không ngăn sông cấm chợ. Chủ tịch UBND các tỉnh, nhất là các tỉnh đang có dịch có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể của địa phương, giao quyền cho địa phương ban hành các biện pháp cụ thể ở địa phương mình như phong tỏa, thực hiện các chỉ thị 15, 16… tùy tình hình địa phương và kịp thời giải tỏa khi tình hình đã ổn định.
Các bộ, ngành, địa phương tích cực tháo gỡ vướng mắc về lưu thông hàng hóa để thực hiện "mục tiêu kép" |
Thủ tướng nhất trí cho rằng các địa phương, nhất là khu vực có cảng như Hải Phòng phải bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường, biện pháp thông thoáng, chủ động phòng chống nhưng không ngăn sông cấm chợ và yêu cầu phải có ngay một quy chế giữa 3 bộ để có thể thực hiện chủ trương lưu thông hàng hóa bình thường, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Tinh thần, chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ đã được các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là các địa phương tích cực, khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện.
Ngày 27.2, Hải Dương đã giải thể Bệnh viện dã chiến số 1 (đặt tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh) đánh dấu bước chuyển quan trọng, đưa TP Chí Linh sẵn sàng trở lại trạng thái bình thường sau ngày 2.3 |
Tin vui liên tiếp
Trong những ngày cuối tháng 2.2021, đã xuất hiện liên tiếp tin vui khi nhiều địa phương đã dỡ bỏ hầu hết các khu phong tỏa, những ca nhiễm mới ghi nhận đều đã được cách ly từ trước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân dần dần trở lại bình thường trong điều kiện phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt.
Ngày 26.2, Học viện Quân y bắt đầu tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 đối với vaccine Nanocovax của Việt Nam |
Những liều vaccine ngừa COVID-19 nhập khẩu đầu tiên đã về đến Việt Nam, trong khi một vaccine của Việt Nam (vaccine Nanocovax) đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ hai, một vaccine khác (vaccine Covivac) chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1 vào đầu tháng 3… Một lần nữa, nhiều bạn bè, tổ chức quốc tế bày tỏ sự ngạc nhiên, đánh giá cao kết quả dập dịch của Việt Nam, một đất nước mà với dân số đông, đường biên giới dài, nền kinh tế mở và có thu nhập trung bình thấp.
Với những bài học quý báu rút ra từ đợt chống dịch 1 tháng qua, cho thấy chúng ta vẫn phải tiếp tục cảnh giác vì không ai có thể chắc chắn ở Việt Nam không có mầm bệnh, thậm chí ổ dịch tiềm tàng trong cộng đồng. Chúng ta cảnh giác nhưng không run sợ vì đã quen với “kẻ địch COVID-19”, dù có biến thể nào đi chăng nữa và sẽ chiến thắng nếu kiên trì chiến lược chống dịch từ đầu, trên hết là sự ủng hộ của toàn thể nhân dân.
Theo VGP