''Nữ hoàng chân đất'' Phạm Thị Bình bây giờ ra sao?
Trong nước - Ngày đăng : 14:39, 01/03/2021
Với tấm huy chương vàng đầu tiên và duy nhất ở cự ly này tại các kỳ SEA Games cho thể thao Việt Nam, cô được mệnh danh là "Nữ hoàng chân đất" khi chỉ chạy chân trần trên đường đua.
Sau bao cống hiến, cô gái vàng Phạm Thị Bình giờ đã rời sự nghiệp thi đấu đỉnh cao, trở về quê nhà Quảng Ngãi sống dưới gầm khán đài để tham gia công tác huấn luyện điền kinh.
"Nữ hoàng" dưới gầm khán đài
TP Quảng Ngãi vẫn còn không khí mùa xuân, chúng tôi đến sân vận động Quảng Ngãi hỏi nhà Phạm Thị Bình, một người phụ nữ chỉ tay về phía góc khán đài, nơi đầy cỏ dại mọc hoang, nói: "Nhà đâu mà nhà, bé Bình với chồng con ở trong cái phòng chút ét dưới gầm khán đài đó đó".
Tiếp khách, anh Nguyễn Ngô Đại - chồng Bình - vội vã mang mớ đồ chơi trẻ em bỏ lên bậc cầu thang dẫn từ gầm lên khán đài, kéo chiếc ghế đón khách. Anh Đại phân bua: "Chỗ này chật quá, phải dọn đồ mới có chỗ ngồi". Không chỉ chúng tôi mà bao năm qua mỗi lần khách ghé thăm "Nữ hoàng chân đất" đều ngồi đúng vị trí này, và dĩ nhiên phải chờ dọn dẹp.
Nơi vợ chồng và hai con "Nữ hoàng chân đất" sống rộng chưa đầy 20m2 là phòng thay đồ, họp hành của trọng tài mỗi khi có hoạt động thể thao của Quảng Ngãi. Căn phòng đã gắn với Bình 4 năm, chật hẹp chỉ vừa đủ kê một chiếc giường cho hai con ngủ, còn vợ chồng Bình phải nằm dưới sàn nhà.
Bình kể những năm tháng sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu đỉnh cao bằng nụ cười hiền lành. Năm 2015, sau khi giành huy chương vàng, phá kỷ lục Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc, Bình chính thức giã từ đường chạy vì lý do sức khỏe. Cô trở về Quảng Ngãi, "đầu quân" cho Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh, tham gia huấn luyện điền kinh trẻ.
Bình lập gia đình, vợ chồng ở trong dãy phòng bên cạnh khán đài. Năm 2017, con đầu lòng chào đời, căn phòng cũng rệu rã, sợ nguy hiểm cho con nên Bình xin được chuyển đến căn phòng dưới khán đài sống đến giờ.
Bình dị cống hiến
Cô gái mạnh mẽ, tranh đấu quyết liệt trên đường đua bao nhiêu thì trong cuộc sống lại hiền lành bấy nhiêu. Cô giản dị nói về cuộc sống hiện tại của mình mà phần lớn dành cho điền kinh, cho hi vọng đào tạo vận động viên giỏi hơn mình, mang lại vinh quang cho Tổ quốc.
Với "Nữ hoàng chân đất", điền kinh là cuộc sống, dù ở vị trí nào cô cũng muốn cống hiến trọn vẹn. Ngày nào Bình cũng thức dậy từ 3h30 sáng, mang theo xô nước ra sân vận động chờ trò, đến 6 giờ 30 thì nghỉ. Chiều, 17 giờ 30 cô lại ra sân.
"Đặc thù đào tạo trẻ là vậy, các em còn phải học văn hóa nữa. Mà tôi thì ngày nào cũng phải dặn các em cố gắng học văn hóa thật tốt. Bởi tôi từ vận động viên ra nên quá hiểu thời gian đỉnh cao rất ngắn, sau đó là cả cuộc đời, nếu không cố gắng học tập thì sau này khi kết thúc sự nghiệp thi đấu sẽ rất khó để tìm kiếm công việc" - Bình nói.
Làm công tác huấn luyện nhưng Bình chẳng khác nào cha mẹ các em, cô phải theo dõi quá trình học tập, đến trường gặp giáo viên hỏi thăm sức học của từng em.
Bình bảo rằng không muốn bất kỳ em nào bị bỏ lại phía sau ở trường. Buổi sáng hôm chúng tôi đến cũng là thời điểm các em "báo cáo" thành tích học kỳ 1. Toàn thành tích tốt khiến Bình rất vui. Và cô cũng không quên nói với các em: "Đứa nào không lo học thì đừng có nhìn mặt cô". Đáp lại là sự đồng thanh "Dạ tụi em nhớ rồi" và nụ cười vang của cô trò.
Nhiệt huyết, tận tâm là những điều chúng tôi thấy được từ "Nữ hoàng chân đất", cô gái vàng thể thao Việt Nam vẫn muốn cống hiến nhiều hơn dù cuộc sống cá nhân hiện đầy khó khăn.
"Bình có ước mơ gì vào lúc này?" - nghe chúng tôi hỏi, Bình trả lời với nụ cười: "Mong muốn lớn nhất là giới thiệu đến liên đoàn một vận động viên giỏi, đủ sức ra đấu trường quốc tế và mang vinh quang cho nước nhà".
“Nữ hoàng chân đất” và chồng con ở tạm trong căn phòng chưa đầy 20m2 cũ kỹ dưới gầm cầu thang
Sống cùng lời hứa
Ngồi cùng Bình trong căn phòng ẩm thấp dưới gầm khán đài mà chúng tôi nghĩ đến nhiệt huyết của cô. Hình ảnh Bình với lòng bàn chân chạy trần bị phồng, tay giơ cao ngọn quốc kỳ năm nào lại hiện về. Tổ quốc càng tự hào về Bình khi biết rằng cách đó một năm cô phải trải qua mổ tim.
Năm Bình đoạt huy chương vàng SEA Games trở về quê, lãnh đạo Quảng Ngãi đến tận nhà Bình ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn chia vui và hứa sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho Bình gắn bó lâu dài với thể thao.
Nhắc chuyện này, Bình nói: "Hồi đó lãnh đạo tỉnh có hứa sẽ cấp đất, tạo điều kiện cho tôi công tác. Cũng chính vì vậy mà nhiều đồng nghiệp, cô chú ở liên đoàn thấy tôi ở đây thì hỏi tỉnh cấp đất, xây nhà chưa. Nói thật, tôi cũng ngại khi nhắc chuyện này nên cũng trả lời qua loa là cống hiến chưa nhiều nên chưa được cấp".
Bình thú thật bản thân không muốn tạo gánh nặng cho tỉnh, nhưng niềm riêng cô vẫn mong có một căn nhà để hai con thơ sống tốt hơn. Vợ chồng Bình dù cố gắng nhưng với mức lương cộng lại khoảng 12 triệu đồng chỉ đủ lo cho hai con nhỏ, ước mơ mua đất xây nhà chỉ có trong lời động viên dành cho nhau. Dự tính tiếp theo của Bình là vợ chồng nín nhịn chi tiêu, tìm thuê căn nhà nhỏ gần nơi huấn luyện để tiện cho công việc và con có chỗ chơi rộng hơn.
Chúng tôi đem chuyện này trao đổi với ông Lê Quang Thích, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Ông Thích cho biết năm 2013 ông cùng lãnh đạo tỉnh đến thăm Bình sau SEA Games 27, lãnh đạo tỉnh khi đó có hứa tạo điều kiện như lời Bình kể. Năm 2015, tỉnh đã thực hiện một nửa lời hứa khi đưa Bình vào biên chế và làm công tác huấn luyện.
"Sau đó, tôi về hưu nên cũng không theo dõi việc cấp đất đã thực hiện chưa" - ông Thích nói. Lời hứa năm nào vẫn chưa thấy, nhưng nhiệt huyết cống hiến của "Nữ hoàng chân đất" thì vẫn vẹn nguyên...
Thành tích đáng nể Phạm Thị Bình tham gia tập luyện điền kinh từ năm 2004, năm 2005 lên tuyển trẻ quốc gia. Năm 2011 lên tuyển quốc gia, đến năm 2015 thì giã từ thi đấu. Trong sự nghiệp của mình, Bình giành được khoảng 80 huy chương các loại, trong đó có khoảng 30 huy chương vàng. Thành tích cao nhất là huy chương đồng giải marathon châu Á, huy chương vàng marathon SEA Games (là vận động viên đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đạt được hai thành tích này). Ngoài ra, cô còn nhận được hàng trăm bằng khen, giấy khen từ cấp bộ đến cấp tỉnh và các cấp khác. |
Quá khó để cấp đất? Ông Nguyễn Liên Phương, phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi, cho biết với hoàn cảnh khó khăn của Phạm Thị Bình, sở cũng nhiều lần làm công văn gửi cấp trên. UBND tỉnh Quảng Ngãi đang giao cho sở phối hợp các bên liên quan tổng hợp các ý kiến báo cáo lên tỉnh giải quyết. "Hiện không có bất kỳ văn bản nào để tiến hành cấp đất hay bán đất theo giá nhà nước cho trường hợp của Bình. Không phải tỉnh không quan tâm mà cái khó nằm ở quy định hiện hành" - ông Phương nói. Trong khi đó, một nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng cần phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích những vận động viên đạt thành tích cao trong các giải đấu thể thao mang tầm khu vực, quốc tế như các địa phương khác. "Tình cảnh hiện tại của Bình mà không có hướng giải quyết sẽ rất khó để lứa trẻ dồn tâm huyết cho thể thao" - vị này nói. |
Theo Tuổi trẻ