Công nhân phòng dịch chính là bảo vệ thu nhập của mình

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:07, 04/03/2021

Từ 0 giờ ngày 3.3, Hải Dương chuyển sang trạng thái mới, vừa phòng chống dịch vừa thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng được dỡ bỏ phong tỏa.

Đến ngày 4.3, khoảng 40 doanh nghiệp ở TP Chí Linh đã đi vào hoạt động sau một thời gian dài đình trệ sản xuất, kinh doanh do dịch bệnh. Hàng nghìn công nhân đã trở lại với nếp sống thường ngày. Những khó khăn về thu nhập sụt giảm do dừng việc sẽ từng bước được giải quyết. Ở Cẩm Giàng, trên 30 doanh nghiệp đủ điều kiện cũng đã trở lại sản xuất từ cuối tháng 2 và con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

TP Chí Linh, Cẩm Giàng - 2 nơi từng bùng phát dịch đều có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đây cũng chính là 2 địa phương dịch Covid-19 lây lan, liên quan đến công nhân. Từ Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam, Chí Linh trở thành ổ dịch lớn nhất cả nước. Cả thành phố phải cách ly phong tỏa, kéo theo đó, tất cả các doanh nghiệp khác trên địa bàn phải đóng cửa, hàng vạn công nhân tạm thời không có việc làm. Nhiều người trong số đó nhiễm bệnh và lây lan cho người khác. Tại Cẩm Giàng, dù dịch không khởi phát từ doanh nghiệp, nhưng sau đó, Công ty TNHH Kuroda Kagaku Việt Nam ở khu công nghiệp Phúc Điền (xã Cẩm Phúc) đã trở thành ổ dịch. Nhiều công nhân của doanh nghiệp này mắc Covid-19, 101 người phải cách ly tại công ty. Sáu vạn công nhân trong huyện phải dừng việc, nhiều người nghỉ sớm nhưng không được về quê trong dịp Tết do dịch bệnh.

Khác với các tỉnh, thành phố từng bùng phát dịch bệnh, nơi khởi phát dịch của Hải Dương hoàn toàn đặc thù. Các doanh nghiệp là ổ dịch, được ví như “quả bom”, gây sát thương mạnh tại nơi phát nổ, mảnh vỡ văng đến nhiều nơi khác, buộc phải “khóa chặt và thu dọn mảnh vỡ” càng nhanh càng tốt.

Trước ngày Hải Dương dỡ bỏ cách ly, kiểm tra, làm việc với các doanh nghiệp, các đồng chí lãnh đạo tỉnh liên tục nhấn mạnh để các doanh nghiệp đi vào hoạt động là ưu tiên hàng đầu của các cấp ủy, chính quyền. Vì vậy, để vừa sản xuất, kinh doanh, vừa phòng chống dịch, các doanh nghiệp phải tự nâng cao trách nhiệm. Chính quyền các cấp tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đi vào hoạt động, nhưng ngược lại, doanh nghiệp nếu không bảo đảm an toàn phòng dịch sẽ không được sản xuất. Quyền lợi của doanh nghiệp phải gắn với trách nhiệm phòng chống dịch. Bảo vệ công nhân an toàn trước dịch bệnh, chính là bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục công nhân tự nâng cao ý thức phòng chống dịch, từ lúc ở nhà, trên đường đi, ở công ty cho đến lúc trở về nhà.

Hải Dương đang có khoảng 1,4 vạn doanh nghiệp và 35 vạn công nhân. Nếu chủ quan, lơ là, để dịch xảy ra tại khu vực này một lần nữa, tình hình sẽ rất phức tạp. Vì vậy, trở lại làm việc nhưng mỗi công nhân phải luôn trong tâm thế của một “pháo đài chống dịch”, lấy câu chuyện dịch lây lan trong công nhân của Công ty TNHH Kuroda Kagaku Việt Nam và Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam làm bài học cho chính mình. Công nhân lao động là lực lượng quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép. Mỗi công nhân tự bảo vệ mình trước dịch bệnh chính là bảo vệ thu nhập của mình, bảo vệ cho doanh nghiệp và an toàn cho cả cộng đồng.

TIẾN HUY