Công nhân nhà trọ: Vợ chồng có khi sống cùng mà ít được gặp nhau
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 13:46, 04/03/2021
Làm khác ca nhau là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chống sống cùng phòng trọ mà chả mấy khi gặp nhau
Tháng 8.2020, chị Bùi Thị Hạnh (quê Hoà Bình) bắt đầu làm công nhân tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Ngay trước Tết, chị lấy chồng, cũng làm công nhân. Hiện chị đang mang bầu tháng thứ 6.
Chị Hạnh và chồng đang thuê trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Khi tôi tìm đến khu trọ, chị Hạnh đang rửa bát ở ngoài sân. Khu trọ này không có phòng khép kín, mà người trọ dùng chung vệ sinh cũng như nơi rửa bát, giặt giũ.
Tiếp chuyện phóng viên trong căn phòng trọ chật chội, chị Hạnh cho biết, nếu có tăng ca, tổng thu nhập của hai vợ chồng 1 tháng được khoảng 12-13 triệu đồng. Vừa rồi, anh chị phải vay để có tiền tổ chức đám cưới, hiện vẫn phải trả nợ.
“Tháng trước, chúng tôi vừa phải trả nợ đám cưới, vừa phải sắm Tết nên gần như không dành dụm được gì. Tiền thưởng Tết của tôi chỉ được 1 triệu đồng do là công nhân mới vào làm. Tháng này nếu tiết kiệm thì tôi sẽ dành dụm được một ít để chuẩn bị cho lúc sinh con”- chị Hạnh cho hay.
Mặc dù đã lập gia đình, sống nơi phòng trọ, nhưng thời gian này, chị và chồng rất ít gặp nhau, ít khi ăn cùng nhau một bữa cơm bởi làm khác ca nhau. Anh chị cùng làm trong một công ty. Chồng chị làm từ 6h sáng đến 14h; còn chị đi làm từ 13h30 đến 22h đêm. Vì vậy, khi chị đi làm thì chồng chưa về, khi chồng về thì chị đã đi làm, khi chồng đi làm thì chị còn đang ngủ lấy lại sức khoẻ. “Thời gian này, tôi đang mang bầu, buổi tối nếu thèm ăn gì thì nhắn tin để chồng mua, khi về nhà sẽ ăn. Chồng tôi cũng thường chờ tôi về rồi mới đi ngủ”- chị Hạnh chia sẻ.
Cũng may, trong 1 tháng thì có 2 tuần anh chị bị “lệch ca” như vậy, sau đó 2 tuần sẽ đi làm cùng ca với nhau. Những lúc này, anh chị có thời gian bên nhau, cả khi ở nhà lẫn lúc trên đường đi làm.
Sắp sinh con khiến chị Hạnh khá lo lắng. “Đẻ con ra thì chi phí sẽ nhiều hơn bây giờ. Tôi dự định sẽ đẻ ở quê. Đẻ ở quê đỡ vất vả hơn, đỡ tốn kém hơn. Hết thời gian thai sản, tôi sẽ đưa con lên nơi trọ ở cùng. Tôi chưa biết là lúc đó sẽ trông cháu thế nào, mẹ có lên trông giúp được không. Nếu lên trông thì có phải thuê phòng trọ khác rộng hơn không? Những điều này tôi vẫn chưa tính đến, đợi lúc đó hẵng hay”- chị Hạnh chia sẻ.
Gần phòng chị Hạnh là phòng của anh Nam. Anh Nam lại có hoàn cảnh khác. Anh đã có vợ con, nhưng hiện vợ con đang sống ở quê tại Ba Vì, Hà Nội. Anh ở trọ một mình, không nấu ăn mà thường xuyên ăn cơm bình dân ở ngoài quán.
“Mỗi tuần tôi về nhà một lần vào dịp cuối tuần để gặp vợ, con. Tuy vậy, có hôm nào nhớ vợ con quá, tôi “xách” xe máy chạy về, ở nhà qua đêm rồi sáng hôm sau đi lên chỗ làm việc sớm. Dù sao từ chỗ nhà trọ về nhà tôi thời gian đi lại chỉ mất khoảng 1 giờ”- anh Nam chia sẻ.
Anh Nam cho hay, ở quê, anh khó kiếm việc, mà thu nhập lại không ổn định bằng đi làm công nhân. Vì vậy, anh chấp nhận lên Khu công nghiệp Thăng Long để thuê trọ làm công nhân, còn vợ và con ở quê với ông bà nội. Mỗi tháng, thu nhập của anh chỉ vào khoảng 6 triệu đồng. Anh phải sống rất tằn tiện để có thể gửi về nuôi vợ, con.
“Tôi cũng muốn hàng ngày thường xuyên được gặp vợ con, nhưng vì mưu sinh nên đành chấp nhận. Ở gần nhau mà không có thu nhập tốt để nuôi các con thì cũng không ổn. Đành chịu thiệt thòi khi bản thân không được ăn cơm vợ nấu, còn vợ con hàng ngày thiếu đi người chồng, người cha”- anh Nam chia sẻ.
Đó cũng là hoàn cảnh của không ít cặp vợ chồng công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp hiện nay.
Theo báo Lao động