Ngôi đình thờ danh tướng giúp Lý Nam Đế đánh giặc

Di tích - Ngày đăng : 10:25, 05/03/2021

Đình Hoàng Sơn là một di tích mang nhiều giá trị về lịch sử, được xếp hạng cấp tỉnh vào năm 2010. 


Đình Hoàng Sơn ngày nay

Đình Hoàng Sơn còn có tên nôm là đình Hà Chợ thuộc thôn Hoàng Sơn, xã Thái Dương (Bình Giang). Đình tọa lạc nơi trung tâm của làng, còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị về lịch sử và nghệ thuật.

Nhiều công lao

Đình Hoàng Sơn thờ danh tướng Phạm Ứng, một trong ba anh em họ Phạm có nhiều công lao đóng góp với vương triều Lý Nam Đế (thế kỷ VI). Theo thần tích, thần sắc lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội thì vào thế kỷ VI, giặc Lương đem quân xâm lược nước ta. Bấy giờ, ở xã Hà Xá, tổng Ngọc Cục, huyện Năng An có gia đình họ Phạm, tên húy là Hương, vợ là Trần Thị Ngọc, sinh được 3 người con trai và 1 người con gái. Người con trai cả đặt tên là Ứng, người con trai thứ 2 đặt tên là Đô, người con trai thứ 3 đặt tên là Nghiêm và người con gái út đặt tên là Hy. Lớn lên trong cảnh đất nước bị giặc Lương xâm lược, ba người con trai văn võ toàn tài đã quyết chí theo Lý Nam Đế, đem quân đi chinh phạt kẻ thù. Trong quân đội của Lý Nam Đế, cả ba anh em đều được phong tướng. Sau khi thành ở cửa sông Tô Lịch bị vỡ, các thành khác cũng không giữ nổi, nghĩa quân chia thành hai cánh, một cánh do Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử lui vào Thanh Hóa, một cánh do Triệu Quang Phục dẫn đầu rút về Dạ Trạch (Hưng Yên) để tiếp tục cuộc kháng chiến. Khi Lý Nam Đế băng hà, Triệu Quang Phục xưng hiệu là Triệu Việt Vương. Đến năm Canh Ngọ (550), nhân nhà Lương có loạn, thế giặc suy yếu, Triệu Việt Vương từ căn cứ Dạ Trạch, xuất toàn quân giao chiến, giết được tướng giặc là Dương Sàn, thu lại kinh đô, khôi phục lại nền độc lập cho đất nước.

Tuy nhiên, do đã từng phò tá vua Lý Nam Đế nên sau khi Triệu Quang Phục xưng vương, ba anh em không theo vì cho rằng Triệu Quang Phục không phải dòng dõi nhà Lý mà lại tự lập như vậy là không phải đạo quân thần. Ba anh em lui về lập doanh trại, chiêu mộ binh sĩ tại xã Hà Xá, nhằm đợi ngày khôi phục nhà Lý. Nghĩa quân ngày càng lớn mạnh lên đến vài nghìn người. Khi Lý Phật Tử tiến quân thôn tính Triệu Quang Phục nhằm lấy lại quyền bính, ba anh em đem quân nhiệt tình phò tá. Về sau, nhà Lý giành lại ngôi báu, Lý Phật Tử xưng vương, lấy niên hiệu là Hậu Lý Nam Đế.

Do có công lao với nhà Lý, ba anh em họ Phạm khi mất được phong làm thành hoàng của các làng: Hà Chợ, Hà Tiên và Hà Đông thuộc xã Hà Xá, tổng Ngọc Cục, huyện Năng An (nay là xã Thái Dương, huyện Bình Giang). Theo quy định từ thời phong kiến, đình làng Hà Chợ (Hoàng Sơn) thờ Phạm Ứng, đình làng Hà Đông thờ Phạm Nghiêm và đình làng Hà Tiên thờ Phạm Đô.  


Sắc phong ngày 24.11 niên hiệu Tự Đức 33 (1880) cho danh tướng Phạm Ứng

Nhân dân phụng thờ

Tương truyền, đình Hoàng Sơn được xây dựng sau khi Phạm Ứng mất, ban đầu ngôi đình có quy mô nhỏ, mái lợp cỏ tranh, đến thời hậu Lê được xây lại. Đến thời Nguyễn đình được trùng tu, tôn tạo khang trang, tọa lạc tại một gò đất cao, hai bên sân có hai dãy giải vũ, mỗi dãy ba gian. Khuôn viên di tích còn có hai cây đa cổ thụ và một giếng gạch cổ.

Năm 1949, thôn Hoàng Sơn nói riêng và xã Thái Dương nói chung bị thực dân Pháp chiếm đóng và càn quét dữ dội. Thời gian này, nhân dân đã hạ giải hai nhà giải vũ không cho quân giặc làm nơi trú ẩn. Năm 1977, do nhận thức chưa đầy đủ về việc bảo tồn các công trình tín ngưỡng, tòa đại bái bị hạ giải lấy nguyên vật liệu xây dựng trường học. Đến năm 1996,  địa phương cho khôi phục nhà tả vu. Năm 1997, xây dựng tòa đại bái. Năm 2008 xây dựng tắc môn, nghi môn và một số hạng mục phụ trợ khác.

Hiện nay, đình Hoàng Sơn có 5 gian đại bái, 3 gian ống muống, 3 gian hậu cung, 3 gian tả vu và 3 gian hữu vu tạo nên một không gian thờ tự khép kín. Tòa đại bái dài 13,7 m, rộng 6,86 m, liên kết ngang gồm 4 vì kèo kiểu kèo cầu, xà bằng bê tông cốt thép. Ngoại thất trang trí phù điêu lưỡng long chầu nhật, các góc đao uốn cong. Tòa ống muống dài 4,51 m, rộng 5,6 m, không nằm liền kề với đại bái mà lùi về phía sau một khoảng hiên hẹp, tường hai bên chạy dọc đến phía trước của toà hậu cung. Tại đây có 3 vì kèo xây gạch cuốn vòm. Công trình mới tu bổ nên khá chắc chắn. Tòa hậu cung tiếp giáp với tòa ống muống, song song với toà đại bái. Đây là toà nhà còn khá nguyên vẹn từ sau lần trùng tu cuối cùng dưới thời phong kiến, kết cấu khung gồm 2 vì kèo, chất liệu gỗ tứ thiết, kỹ thuật bào trơn, đóng bén. Chính giữa đặt ngai và tượng thờ thành hoàng Phạm Ứng, chất liệu gỗ, sơn son thếp vàng thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Ngoài ra, còn một số đồ thờ tự khác có giá trị như sắc phong, hòm sắc, giá gương, bát hương… Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, di tích là nơi hoạt động bí mật của dân quân du kích địa phương đồng thời cũng là địa điểm đơn vị chủ lực Lê Lợi họp bàn biện pháp chống càn bảo vệ dân.

Để tưởng nhớ công lao của danh tướng Phạm Ứng, hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội truyền thống vào tháng Giêng và tháng 11 âm lịch, trong đó lễ hội tháng 11 được tổ chức lớn hơn. Thời phong kiến, lễ hội tháng 11 kéo dài 9 ngày (từ ngày mồng 7 -15, chính hội là ngày mồng 10). Tuy nhiên, từ ngày mồng 5, người dân đã đến đình lễ rất đông, phần hội sôi động với các trò chơi dân gian như vật võ, kéo co, bịt mắt bắt dê… Những năm gần đây, lễ hội đình tập trung chính từ ngày từ ngày 8-10 tháng Giêng. Ngày mồng 8, dân làng làm lễ cáo yết ở đình xin phép mở hội, ngày 9-10 tổ chức dâng hương, tế lễ, phần hội có giao lưu văn nghệ giữa các đoàn thể trong thôn, thi đấu thể thao, bắt vịt, đập niêu…

Đình Hoàng Sơn là một di tích mang nhiều giá trị về lịch sử, được xếp hạng cấp tỉnh vào năm 2010. 

ĐẶNG THU THƠM