Lê Thanh Nghị - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo uy tín, tài năng

Tin tức - Ngày đăng : 05:46, 06/03/2021

​Đồng chí Lê Thanh Nghị là tấm gương tiêu biểu của một người cộng sản ưu tú, là một tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Lê Thanh Nghị được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách. Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí đã nêu tấm gương sáng của người đảng viên cộng sản, suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Đồng chí Lê Thanh Nghị, tên thật là Nguyễn Khắc Xứng, sinh ngày 6.3.1911, trong một gia đình nho giáo, có truyền thống yêu nước, tại làng Thượng Cốc, nay thuộc xã Gia Khánh (Gia Lộc).

Sớm hình thành ý chí cách mạng, lại được giác ngộ cách mạng, người thanh niên Lê Thanh Nghị gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (năm 1929), trở thành một trong những chiến sĩ cách mạng ưu tú trong phong trào công nhân vùng mỏ Đông Bắc. Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí trở thành đảng viên lớp đầu tiên của Đảng.

Tháng 5.1930, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp bắt, tuyên án tù chung thân và đày ra Côn Đảo. Trong nhà tù, đồng chí vẫn tiếp tục rèn luyện ý chí, phẩm chất của người cộng sản, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, văn hoá và ngoại ngữ, chờ thời cơ trở về hoạt động.

Năm 1936, sau khi được ân xá, đồng chí lên Hà Nội bí mật tìm bắt liên lạc với tổ chức Đảng. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban sáng kiến - cơ quan đóng vai trò như Xứ ủy lâm thời ở Bắc Kỳ, đồng chí đã tích cực tham gia hoạt động khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hải Dương, góp phần vào phong trào cách mạng dân chủ sôi nổi trong những năm 1936-1939.


Ký kết các hiệp định Liên Xô viện trợ không hoàn lại về quân sự và kinh tế cho Việt Nam. Phía Việt Nam là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thanh Nghị (bên trái), phía Liên Xô là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng V. N. Novikov (23.9 .1967. RIA Novosti)

Giữa năm 1939, đồng chí được Xứ ủy Bắc Kỳ cử tham gia Liên tỉnh ủy B (gồm Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Kiến An và vùng mỏ Quảng Ninh), được giao trực tiếp phụ trách tổ chức Đảng ở Hải Dương và vùng mỏ, đồng chí đã chỉ đạo phát triển đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho sự phát triển của phong trào cách mạng ở khu vực này. Với những đóng góp quan trọng đối với phong trào cách mạng ở Hải Dương và vùng mỏ, giữa năm 1939, đồng chí được Xứ ủy Bắc Kỳ điều lên Xứ ủy giúp việc đồng chí Bí thư Xứ ủy Hoàng Văn Thụ.

Cuối năm 1939, đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai, bị kết án 5 năm tù và đày lên nhà tù Sơn La. Đầu năm 1945, đồng chí được trả tự do. Ngày 9.3.1945, tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, đồng chí được giao chỉ đạo việc xây dựng An toàn khu II (gồm Bắc Giang, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ và một phần Thái Nguyên). Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, chỉ trong thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở các địa phương trong An toàn khu II, nhất là Bắc Giang phát triển mạnh mẽ, chính quyền cách mạng được thành lập ở nhiều xã.

Tháng 4.1945, tại Hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ - Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng khu vực phía Bắc và có nhiệm vụ giúp đỡ về quân sự cho toàn quốc, đồng chí được cử làm Ủy viên Thường trực Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ, trực tiếp phụ trách chiến khu Trần Hưng Đạo (còn gọi là chiến khu Đông Triều) - một trong 7 chiến khu cách mạng trên cả nước khi đó gồm một số tỉnh miền Duyên hải và Đông Bắc, đồng thời vẫn trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Giang đến ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công.

 Nhà lãnh đạo uy tín, tài năng

Sau ngày chính quyền cách mạng được thành lập, đồng chí được cử phụ trách vùng duyên hải Bắc Bộ, trong đó có TP Hải Phòng. Đồng chí đã tập trung chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn bó với nhân dân, chăm lo cho lợi ích của nhân dân, đồng thời tích cực chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí là Bí thư Khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-hành chính khu III (gồm TP Hải Phòng, các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An). Tháng 1.1948, Liên khu III, gồm hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, được thành lập, đồng chí được cử là Phó Bí thư Liên khu ủy III. Tháng 2.1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được cử làm Bí thư Liên khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - hành chính Liên khu III, Chính ủy quân khu III. Năm 1953-1954, đồng chí được giao kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội.        Trên các cương vị công tác này, đồng chí luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, thường xuyên xuống cơ sở nắm bắt tình hình, tuyên truyền, động viên và đôn đốc, chỉ đạo phong trào cách mạng, góp phần xây dựng thành công thế trận chiến tranh nhân dân, vừa kháng chiến vừa kiến quốc ở địa bàn có ý nghĩa hết sức chiến lược. 

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, phụ trách chung về kinh tế và đặc trách về công nghiệp, đồng chí đã chỉ đạo khôi phục và xây dựng nhiều cơ sở công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng ở miền Bắc như Nhà máy Dệt Nam Định, Cao su Sao Vàng, Đường Vạn Điểm, Điện Yên Phụ... Cùng với phát triển kinh tế, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Trung ương Đảng, Chính phủ giao là dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam sang thăm Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, kêu gọi các nước bạn ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam cả về vật chất và tinh thần, qua đó góp phần giúp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đi đến thắng lợi cuối cùng.

Đến đầu năm 1980, đồng chí được cử làm Thường trực Ban Bí thư. Trên cương vị công tác mới, đồng chí thường trăn trở về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và không ngừng nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn xây dựng kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp nước nhà.

Năm 1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó được Quốc hội cử làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhà nước. Lúc này, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng đồng chí vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đồng chí cũng thường xuyên đến thăm và làm việc với các địa phương, nhất là những nơi căn cứ cách mạng trước đây, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó kiến nghị với Đảng và Chính phủ ban hành những chính sách quan tâm thiết thực đến đời sống đồng bào những nơi này.


Nhà tưởng niệm cố Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Lê Thanh Nghị ở xã Gia Khánh (Gia Lộc)

Người học trò gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Gần 60 năm kiên trung phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Thanh Nghị đã nêu tấm gương sáng của người đảng viên cộng sản, suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. 

Đồng chí cũng là một tấm gương không ngừng học tập, sáng tạo, đổi mới. Trong ngục tù đế quốc, đồng chí đã cùng các chiến sĩ cộng sản biến “nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” tổ chức học văn hóa, ngoại ngữ, lý luận, lịch sử, tác phẩm kinh điển Mác-Lênin, học qua tấm gương của các chiến sĩ cộng sản. Mỗi khi được phân công thêm nhiệm vụ mới, đồng chí lại học hỏi thêm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong công tác cán bộ, đồng chí luôn công tâm, khách quan, biết quý trọng mọi tài năng, dùng người đúng việc, không có thành kiến, thiên vị, giúp cán bộ biết phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Đồng chí luôn nêu gương trong mọi công việc, nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm. 

Trên cơ sở tiếp thu truyền thống đạo đức của dân tộc, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí đã thấm nhuần các chuẩn mực đạo đức của người cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Trong kháng chiến gian khổ, cũng như trong thời bình, đồng chí vẫn giữ nếp sống giản dị, trong sạch, trung thực, liêm khiết, gắn bó với nhân dân, đồng chí.

Đồng chí Lê Thanh Nghị là tấm gương tiêu biểu của một người cộng sản ưu tú, trọn đời tận tụy, cần kiệm, liêm chính, khiêm tốn, giản dị, gần gũi với đồng bào, đồng chí, là một tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

MINH DUYÊN