Chính thức bỏ phụ cấp thâm niên giáo viên từ năm 2022
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 09:26, 08/03/2021
Năm 2021 giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên: Tại Điều 76 Luật Giáo dục 2019 quy định về lương của giáo viên nêu rõ, nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Như vậy, giáo viên không còn được hưởng phụ cấp thâm niên.
Đồng thời tại Nghị quyết 27 năm 2017 cũng nêu rõ, sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức.
Do đó, tính từ ngày 1.7.2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, giáo viên chỉ còn được hưởng lương, ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề còn phụ cấp khác và phụ cấp thâm niên đã bị bãi bỏ.
Tuy nhiên, trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã đề nghị lùi thời gian thực hiện phụ cấp thâm niên đến khi chế độ tiền lương mới được ban hành và có hiệu lực tại Công văn số 8982 ngày 27.7.2020.
Đồng thời, tại Hội nghị Trung ương 13 ngày 9.10.2020, Ban Chấp hành đã tán thành lùi thời điểm cải cách tiền lương đến 1.7.2022 thay vì năm 2021 như Nghị quyết 27. Như vậy, trong năm 2021 giáo viên vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định.
Mức hưởng phụ cấp thâm niên đối với giáo viên: Mức phụ cấp được tính cho nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.
Thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm: Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập. Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).
Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên, gồm: thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra Đảng; thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an, cơ yếu và thời gian làm việc được tính hưởng thâm niên ở ngành, nghề khác (nếu có).
Thời gian đi nghĩa vụ quân sự theo luật định mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề
Thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm: Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu.
Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên. Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Theo Người lao động