Hiệu quả chuyển đổi đất lúa ở Thanh Miện

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 18:03, 10/03/2021

Những năm gần đây, Thanh Miện là địa phương đi đầu tỉnh trong chuyển đổi đất lúa để nâng cao giá trị sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho người dân.


Khu vực phía nam của huyện Thanh Miện phù hợp để trồng cây ăn quả

Thu nhập cao hơn

Xã Lam Sơn từng là điểm “nóng” về tình trạng bỏ ruộng hoang khi nhiều hộ dân viết đơn xin trả lại đất 03 vì không kham nổi tiền sản lượng. Thế nhưng sau dồn điền, đổi thửa, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì mọi thứ đã đổi khác. Những cánh đồng rau màu mỡ màng cho hiệu quả gấp 3-4 lần cấy lúa khiến nông dân ở đây gắn bó với đồng ruộng hơn. Cũng từ đó, nông dân làm ăn bài bản hơn, một số hộ đã liên kết với doanh nghiệp để không phải lo đầu ra sản phẩm. Ông Trương Mậu Nhân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lam Sơn cho biết ngày trước bà con canh tác manh mún, nhỏ lẻ và đa phần chỉ cấy lúa nên thu nhập bấp bênh. Từ năm 2016, khi địa phương được hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm, người dân đã quy vùng, lựa chọn những cây trồng phù hợp để canh tác. Hiện xã đã chuyển đổi 60 ha lúa sang trồng rau màu cho thu nhập từ 200-250 triệu đồng/ha/năm. Những khu ruộng chua, trũng cũng chuyển sang thả cá hoặc cấy lúa kết hợp thả cá.

Sau gần 4 năm chuyển 5 sào từ cấy lúa sang trồng táo, mít, hồng xiêm, ông Nguyễn Tiến Thịnh ở thôn Triệu Thái, thị trấn Thanh Miện đã có thể khẳng định quyết định chuyển đổi là đúng đắn. Đất ruộng nhà ông Thịnh là đất sét, bạc màu, năng suất lúa rất thấp. Từ năm 2017, ông đầu tư 20 triệu đồng cải tạo ruộng, tôn cao bờ trồng cây ăn quả. Giờ đây mỗi vụ ông thu lãi từ 50-60 triệu đồng mà ít phải tốn công sức chăm sóc như cấy lúa. Theo ông Thịnh, không chỉ nhà ông mà các hộ khác trong vùng cũng nhạy bén chuyển sang trồng các loại cây phù hợp hơn. Cấy lúa chủ yếu ở những diện tích đất màu mỡ, ruộng còn lại được người dân chuyển hướng sản xuất. “Chúng tôi chuyển đổi không phải tự phát mà có sự định hướng của chính quyền địa phương nên cũng yên tâm hơn. Kết quả hiện tại cho thấy việc chuyển đổi là hợp lý, bà con ai nấy đều phấn khởi vì có thể sống dựa vào đồng ruộng”, ông Thịnh phấn khởi nói.

Trong 5 năm qua, huyện Thanh Miện đã chuyển đổi được 720 ha đất lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản. Trong đó có 200 ha cây ăn quả, 200 ha cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản, còn lại là rau màu.

Không để "sớm nở, tối tàn"

Mặc dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng việc chuyển đổi đất trồng lúa của huyện trong giai đoạn tới vẫn cần có những bước đi thận trọng, tránh tình trạng tự phát, chạy theo phong trào cũng như lợi dụng chuyển đổi để sử dụng đất trái quy định. Theo quy định, chuyển đổi đất lúa không được làm biến dạng bề mặt (hạ thấp không quá 1,2m) và có thể khôi phục để trồng lại lúa nếu cần song không phải đơn vị, cá nhân nào cũng tuân thủ đúng. Mặt khác một số nơi vẫn nhầm lẫn giữa chuyển đổi đất lúa giai đoạn 2016-2020 với xây dựng vùng chuyển đổi đã thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Vì thế dẫn đến việc xây dựng công trình trái phép trên đất lúa. Ông Nguyễn Văn Thượng ở thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết chia sẻ: “Mới đầu khi chưa được chính quyền và cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tôi cũng hiểu sai bản chất của việc chuyển đổi đất lúa. Tuy nhiên khi hiểu ra, tôi đã chấp hành đúng. Có như vậy mới có thể bảo đảm hài hòa các lợi ích trong phát triển nông nghiệp”.

Thời gian tới, căn cứ vào điều kiện, đặc thù sản xuất của từng khu vực, huyện tiếp tục khuyến khích các địa phương chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả. Theo đó, những vùng trũng thấp sẽ ưu tiên cấy lúa kết hợp nuôi cá, khu vực phía nam của huyện tập trung phát triển cây ăn quả vì cốt đất cao, còn khu phía bắc sẽ định hướng chuyên canh rau màu. Huyện dự kiến chuyển đổi khoảng 2.000 đất lúa trong giai đoạn từ 2021-2025.

Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, hiệu quả chuyển đổi đã thấy rõ. Từ một huyện chỉ chú trọng thâm canh lúa hàng hóa thì đến nay địa phương là điểm sáng khi linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Huyện đã xây dựng được 18 vùng rau màu, 10vùng cây ăn quả tập trung và 9 vùng nuôi thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao. Song huyện xác định không chuyển đổi bằng mọi giá mà phải tính toán, xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp, không để xảy ra tình trạng "sớm nở, tối tàn".

ĐỖ NGUYÊN