10 năm thảm họa kép Fukushima: Câu chuyện về ''bốt điện thoại của gió''
Thế giới - Ngày đăng : 06:57, 11/03/2021
Một phụ nữ tại Ofunato thực hiện cuộc gọi tại bốt điện thoại cho những người bạn thời THCS thiệt mạng trong thảm họa 2011. (Nguồn: Reuters)
Ngày 11.3.2011, cách đây 10 năm, một trận động đất cực mạnh gây ra sóng thần đã quét qua Nhật Bản. Nhưng đó chỉ là sự bắt đầu của một bi kịch lớn - thảm họa hạt nhân Fukushima.
Trận động đất kèm theo sóng thần này đã tàn phá nặng nề 3 tỉnh đông bắc Nhật Bản là Iwate, Fukushima và Miyagi, khiến hơn 18.500 người thiệt mạng và mất tích, cùng nhiều nhà cửa bị hư hại.
Thảm họa năm 2011 khiến nhiều người thân của nạn nhân không kịp nói lời từ biệt. Nhưng giờ, họ có thể phần nào nguôi ngoai nỗi đau khi có cơ hội "trò chuyện" cùng người đã khuất qua "bốt điện thoại của gió".
Theo tờ Japan Today, trong một khu vườn trên một ngọn đồi, dưới những tán rộng của một cây anh đào, có một chiếc bốt điện thoại màu trắng lấp lánh trong ánh nắng đầu xuân.
Bên trong bốt điện thoại, ông Kazuyoshi Sasaki khẽ nghiêng người, đặt tay lên điện thoại một cách nâng niu và cẩn thận bấm số di động của người vợ đã khuất, Miwako.
Sau trận động đất và sóng thần khủng khiếp xảy ra cách đây một thập kỷ, ông đã ra sức tìm kiếm vợ mình, đến từng trung tâm sơ tán và những nhà xác tạm bợ, và chỉ trở về ngôi nhà đã đổ nát của cả hai vào ban đêm.
“Tất cả chỉ xảy ra trong tích tắc, đến bây giờ tôi cũng không thể quên được,” ông vừa khóc vừa nói. "Tôi đã gửi một tin nhắn nói rằng tôi đang ở đâu, nhưng bà ấy đã không đọc nó."
"Khi tôi trở về nhà và nhìn lên trời, có hàng nghìn ngôi sao, giống như tôi đang nhìn vào một hộp trang sức vậy," người đàn ông 67 tuổi nói. "Tôi đã khóc rất nhiều và biết rằng có rất nhiều người đã thiệt mạng."
Ông Kazuyoshi Sasaki bật khóc khi 'nói chuyện' với người vợ quá cố của mình trong bốt điện thoại. (Nguồn: Reuters)
Vợ của ông Sasaki là một trong số gần 18.000 người dân vùng đông bắc Nhật Bản thiệt mạng do thảm họa xảy ra ngày 11.3.2011.
Nhiều người sống sót đã sử dụng bốt điện thoại không kết nối ở thị trấn Otsuchi như một cách để giúp họ giữ liên lạc với những người thân yêu và mang lại cho bản thân chút an ủi khi phải vật lộn với nỗi đau.
"Tôi cô đơn lắm"
Buổi sớm cùng ngày, Sachiko Okawa đã gọi cho Toichiro, người chồng quá cố mà bà đã kết hôn cách đây 44 năm. Bà hỏi mỗi ngày của ông diễn ra thế nào sau khi bị cơn sóng thần cuốn trôi cách đây một thập kỷ.
"Tôi cô đơn lắm," bà nói bằng giọng như vỡ ra, và nhắn nhủ Toichiro phù hộ cho gia đình. "Bây giờ thì tạm biệt nhé, nhưng tôi sẽ sớm quay lại."
Okawa cho biết đôi khi bà có cảm giác như nghe thấy tiếng của Toichiro ở bên kia đầu dây. "Điều đó khiến tôi cảm thấy khá hơn một chút."
Người phụ nữ 76 tuổi này biết về chiếc bốt điện thoại trên sườn đồi từ những người bạn, và thường đưa hai đứa cháu trai đến đây để chúng cũng có thể trò chuyện với ông của chúng.
Bà Sachiko Okawa cùng các cháu đến 'nói chuyện' với người chồng quá cố. (Nguồn: metro)
"Ông ơi, đã 10 năm trôi qua rồi, và cháu sẽ sớm trở thành học sinh THCS," Daina, cậu cháu trai 12 tuổi của Okawa nói vào ống nghe trong khi ba bà cháu chen chúc bên trong bốt điện thoại. "Một loại virus mới đang lây lan và khiến rất nhiều người chết, thế nên chúng cháu đều phải đeo khẩu trang. Nhưng tất cả mọi người đều ổn cả."
Bốt điện thoại của gió
Bốt điện thoại này được xây dựng bởi Itaru Sasaki, người sở hữu khu vườn tại Otsuchi, tỉnh Iwate, vài tháng trước khi thảm họa xảy ra, sau khi em họ của ông mất vì bệnh ung thư.
"Có rất nhiều người không thể nói lời tạm biệt," ông nói. "Có những gia đình ước gì họ có thể nói vài lời trong phút cuối nếu như biết trước họ không thể có được cơ hội như vậy nữa."
Hiện bốt điện thoại này đang thu hút hàng nghìn lượt khách từ khắp Nhật Bản. Nó không chỉ được sử dụng bởi những người sống sót sau trận sóng thần, mà còn bởi những người có người thân qua đời vì bệnh tật hay tự tử. Được mệnh danh là "bốt điện thoại của gió", nó gần đây còn truyền cảm hứng cho một bộ phim.
Vài tháng trước, Sasaki cho biết có một số người đã liên hệ và mong muốn được lập những bốt điện thoại tương tự ở Anh và Ba Lan để giúp mọi người gọi điện cho những người thân đã thiệt mạng vì đại dịch COVID-19.
"Cũng giống như một thảm họa, đại dịch đến bất ngờ, và khi cái chết đến bất ngờ, nỗi đau mà một gia đình phải trải qua cũng lớn hơn rất nhiều," người đàn ông 76 tuổi nói.
Giống như hàng nghìn người khác trong những cộng đồng dân cư ven biển bị tàn phá, Kazuyoshi Sasaki, thành viên hội đồng địa phương, đã mất vợ và nhiều người thân cũng như bạn bè trong thảm họa.
Ông đã quen biết và yêu thương Miwako gần như trọn vẹn cuộc đời mình.
Lần đầu ông thổ lộ với bà là khi cả hai còn là học sinh THCS, và bị bà từ chối ngay lập tức. Mãi tới 10 năm sau, cả hai mới bắt đầu hẹn hò. Cuối cùng, họ kết hôn và có bốn người con.
Sasaki giải thích với vợ rằng gần đây ông đã chuyển ra khỏi căn nhà tạm, và rằng cậu con trai út của họ đang xây một căn nhà mới, ở đó ông có thể sống cùng con trai và các cháu.
Trước khi cúp máy, Sasaki nói với Miwako rằng cuộc kiểm tra sức khỏe mới đây cho thấy ông đã giảm cân.
"Tôi sẽ tự chăm sóc cho bản thân," một cơn gió mạnh thổi qua khi ông hứa với bà. "Tôi rất vui vì chúng ta đã gặp được nhau. Cảm ơn bà. Cả nhà đều đang làm những gì mình có thể. Tôi sẽ sớm gọi lại cho bà".
Theo Vietnam+