"Chọn mặt gửi vàng"

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:10, 11/03/2021

Trách nhiệm trước nhân dân chính là tiêu chuẩn để phân biệt đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp với cán bộ khác trong hệ thống chính trị.

Những ngày gần đây, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tỉnh tổ chức giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp, làm cơ sở để giới thiệu đại biểu ứng cử tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai. Ngoài cơ cấu, thành phần theo quy định, vấn đề được nhiều người quan tâm là làm gì để "chọn mặt gửi vàng" hay chọn được những ĐBQH và đại biểu HĐND thực sự xứng đáng?

Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20.6.2020 của Bộ Chính trị đã nêu rõ phải gắn kết quả nhân sự của Đại hội Đảng bộ các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm ĐBQH và đại biểu HĐND. Kiên quyết không giới thiệu ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Trong các tiêu chuẩn của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nêu trên phải rất coi trọng tiêu chuẩn "xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân". Tuy không xem nhẹ các tiêu chuẩn khác song trong việc lựa chọn giới thiệu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp thì trách nhiệm đại diện cho cử tri, cho nhân dân phải là một tiêu chí lựa chọn cốt lõi. Trách nhiệm trước nhân dân chính là tiêu chuẩn để phân biệt ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp với cán bộ khác trong hệ thống chính trị. Trước khi bày tỏ ý kiến giới thiệu, mỗi người phải xem xét liệu người giới thiệu có thể làm tròn trách nhiệm đại biểu của mình không? Nếu trúng cử, đại biểu đó có thật sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân không?

Thực tế thời gian qua cho thấy một bộ phận đại biểu HĐND các cấp, kể cả các ĐBQH chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình. Tại các kỳ họp, người ta vẫn thấy nhiều "ông nghị" chưa từng một lần đứng lên phát biểu, bày tỏ chính kiến. Có người phát biểu thì nội dung dông dài chung chung, ít có giá trị, chẳng khác gì "đá ném ao bèo". Có người muốn nêu ý kiến của mình, nêu những bức xúc của cuộc sống song lại ngại va chạm với người này, cơ quan nọ… Dư luận quần chúng bức xúc trước tình trạng một số đại biểu thường viện cớ bận việc này, việc kia mà ít tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri.

Để giới thiệu những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng làm ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, ngay từ những hội nghị giới thiệu đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì mỗi người cần chủ động nêu rõ ý kiến của mình để hội nghị xem xét, thảo luận. Nếu thấy những người được giới thiệu không đủ tiêu chuẩn, chưa xứng đáng, khó có thể làm tròn chức trách của người đại biểu nhân dân thì cần kiên quyết không giới thiệu.

MINH ANH