Từ ngày 20.3, đối tượng giáo viên nào được tăng lương nhiều nhất?
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 19:45, 13/03/2021
Hiện nay, theo quy định tại 4 Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên các cấp sẽ được bổ nhiệm hạng mới thay thế cho các hạng hiện đang được quy định tại Thông tư liên tịch 20, 21, 22 và 23.
Kéo theo đó, một trong những nguyên tắc xếp lương đáng chú ý áp dụng với giáo viên tất cả các cấp là căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp.
Trong đó, giáo viên mầm non, tiểu học và THCS có khá nhiều thay đổi nhưng giáo viên THPT thì không có sự thay đổi gì trong xếp lương và bổ nhiệm hạng.
Đặc biệt, tùy từng hạng và cấp học khác nhau mà giáo viên sẽ được tăng lương khi:
- Giáo viên mầm non: Khi xếp vào hạng I nếu giáo viên mầm non hạng II trúng tuyển trong kỳ thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non.
- Giáo viên tiểu học: Nếu đáp ứng đủ điều kiện thì giáo viên hạng II cũ được bổ nhiệm vào hạng II mới, hạng III cũ được bổ nhiệm vào hạng III mới và hạng II mới nếu trúng tuyển trong kỳ thi/xét thăng hạng thì được bổ nhiệm vào hạng I.
- Giáo viên THCS: Nếu đáp ứng đủ điều kiện thì giáo viên hạng I cũ bổ nhiệm vào hạng I mới, hạng II cũ bổ nhiệm vào hạng II mới, hạng III cũ bổ nhiệm vào hạng III mới.
Giáo viên cấp THPT về cơ bản là không thay đổi cách xếp lương, bổ nhiệm.
Giáo viên mầm non mặc dù bổ sung thêm hạng mới nhưng hạng mới chỉ được bổ nhiệm nếu được xét/thi thăng hạng. Các hạng cũ nếu đáp ứng điều kiện thì hệ số lương ở các hạng còn lại về cơ bản không thay đổi.
Giáo viên tiểu học nếu đáp ứng điều kiện thì lương ở tất cả các hạng đều tăng so với trước đây. Đồng thời, để đạt được mức lương cao nhất thì phải thông qua kỳ thi/xét thăng hạng I.
Giáo viên THCS ở các hạng đều tăng lương hơn so với trước đây.
Theo báo Lao động