Vì sao phim cổ trang của TVB lụi tàn?

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 06:40, 14/03/2021

TVB từng được xem là đế chế phim cổ trang của châu Á. Tuy nhiên, dòng phim này ngày càng bị nhà đài ghẻ lạnh và dần thất thế trên thị trường.

Ngày 12.3, HK01 đưa tin về vấn đề khan hiếm phim cổ trang trên màn ảnh TVB. Theo kế hoạch sản xuất đã đăng tải, năm nay, đài chỉ đầu tư sản xuất duy nhất tác phẩm mang tên Nhất tiếu độ phàm gian. Dự án này đang trong giai đoạn hậu kỳ, chưa được sắp xếp lịch chiếu.

Từng có đế chế phim cổ trang mang tên TVB

Những năm 1970-1990, TVB vang danh khắp châu Á với nhiều bộ phim truyền hình cổ trang đặc sắc về mặt hình ảnh, hấp dẫn về mặt nội dung. Mỗi năm, nhà đài Hong Kong đều đặn có ít nhất một tác phẩm gây tiếng vang lớn và đi vào hàng kinh điển.

Phim co trang TVB that the anh 1
TVB từng là đế chế phim cổ trang của showbiz Hoa ngữ

Các tựa phim nổi tiếng thời bấy giờ, có thể kể đến Phượng hoàng lửa năm 1981, sau đó là Tô Khất Nhi đều trở thành phim ăn khách. Năm 1983 có Anh hùng xạ điêu của Huỳnh Nhật Hoa, Ông Mỹ Linh hay Lộc đỉnh ký năm 1984 do Lương Triều Vỹ, Lưu Đức Hoa thủ diễn cũng tạo cơn sốt trên toàn châu Á.

Tuy nhiên, bước sang những năm 2000, số lượng phim cổ trang do TVB sản xuất giảm sâu và cho thấy sự sa sút, không còn tạo được sức hút với khán giả. Năm 2009, nhà đài Hong Kong phát sóng 6 bộ phim cổ trang, nhưng sang năm 2010, số lượng chỉ còn một nửa.

Trong 4 năm trở lại đây, tình hình càng trở nên ảm đạm. Năm 2017, TVB lên sóng hai phim hài cổ trang là Thần tài giá đáo và Ẩm thực tranh tài. Năm 2018, số lượng tăng lên với Thâm cung kế 2, Thiên mệnh và Võ lâm phục sinh. Bước sang năm 2019, chỉ có Bao Thanh Thiên: Tái khởi phong vân là phim cổ trang duy nhất phát sóng phục vụ khán giả.

Không chỉ đầu tư sản xuất nhỏ giọt, chất lượng cũng bị đánh giá kém hơn so với giai đoạn đầu. Theo On, trong số 6 tác phẩm kể trên, chỉ có Thần tài giá đáo gây bão rating, các tác phẩm còn lại không được quan tâm với lượng người xem lẹt đẹt khoảng 20%. Chưa kể, chỉ có 2/6 dự án hoàn toàn mang mác "made in TVB", số còn lại đều hợp tác sản xuất với nhà đầu tư Đại lục.

Vì đâu nên nỗi?

Sau khi Hong Kong được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997, TVB dần chảy máu nhân tài nghiêm trọng khi hai vùng lãnh thổ bắt đầu giao lưu văn hóa - nghệ thuật. Đặc biệt, trong khoảng hơn một thập kỷ trở lại đây, nhiều nhà làm phim cổ trang có thâm niên và tài năng đã lũ lượt rời đài hoặc giải nghệ.

Năm 2016, giám chế Lý Thêm Vu, người đứng sau thành công của Thâm cung nội chiến, xin nghỉ hưu để an dưỡng tuổi già. Các giám chế có "tay nghề" như Thích Kỳ Nghi, Mai Tiểu Thanh hay Trương Vỹ Kiện đều sớm cáo biệt nhà đài Hong Kong, tìm hướng đi mới.

Thu nhập cao từ nhà đầu tư Đại lục đã thu hút đạo diễn, ê-kíp sản xuất giàu kinh nghiệm ở Hong Kong rời bỏ công việc. Năm 2018, Sina đăng tải danh sách 100 đạo diễn xuất sắc của dòng phim cổ trang đang tung hoành trên các phim trường Trung Quốc. Bất ngờ là có đến 46 nhà làm phim đến từ Hong Kong trong danh sách.

Một số gương mặt đạo diễn hàng đầu xứ Cảng thơm đã "Bắc tiến", đứng sau chỉ đạo loạt tác phẩm ăn khách, có thể điểm qua Phan Gia Đức thành công với Tam sinh tam thế thập lý đào hoa, Tưởng Gia Tuấn quay Diễm cốt và Tân Anh hùng xạ điêu hay Ngô Cẩm Nguyên (Cổ máy thời gian) nhận lời làm Sở Kiều truyện.

Không chỉ để sẩy nhân tài, việc thiếu hụt nguồn lực tài chính cũng là yếu tố chính khiến phim cổ trang của đài ngày càng đi xuống. Bối cảnh quanh đi quẩn lại ở phim trường TVB, phục sức được truyền từ đời này sang đời khác. Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại lục, nhà làm phim sẵn sàng chịu chi tiền để tạo ra những tác phẩm đáng xem theo kịp xu thế.

Phim co trang TVB that the anh 3
Phim cổ trang TVB không còn tạo được sức hút trên thị trường

Với phim võ hiệp, ê-kíp sản xuất sẵn sàng tiêu tốn ngân sách để đầu tư các cảnh võ thuật hoành tráng. Với phim cung đấu, họ sẵn sàng đổ lượng lớn vốn vào trang phục cầu kỳ, lộng lẫy và tái dựng lại bối cảnh theo sát lịch sử.

Trong khi đó, On nhận xét TVB vẫn cho thấy sự cũ kỹ, tiết kiệm trong khâu đầu tư phim cổ trang. Phục trang trong Thâm cung kế 2 bị khán giả đánh giá lỗi mốt với hai màu xanh, đỏ hay phần hóa trang cho nhân vật trong Bao Thanh Thiên: Tái khởi phong vân bị chê như diễn viên sân khấu, thiếu tự nhiên.

Chưa kể, nếu như trước đây, TVB dám chi mạnh cho ê-kíp sang Đại lục, băng rừng, lội suối để bối cảnh phim chân thật và hoành tráng như Thành Cát Tư Hãn quay ở Nội Mông, Đại Đường song long quay ở Khu danh thắng Đại Phật tự và Khu thung lũng Tân Xương ở Chiết Giang.

Ngày nay, nhà đài Hong Kong quay gói gọn trong phim trường TVB. Không chỉ vậy, thế hệ diễn viên hiện tại của đài bị đánh giá yếu kém năng lực diễn xuất, không đảm bảo cả phần hình lẫn tài năng.

Giữa sự cạnh tranh gay gắt, TVB không tìm cách nâng cao chất lượng phim ảnh, họ đi lối tắt bằng cách mua và phát sóng lại nhiều bộ phim cổ trang của Đại lục như Hạo Lan truyện, Độc Cô hoàng hậu, Như Ý truyện, Diên Hi công lược. Điều này vô tình đào sâu sự so sánh, khiến khán giả Hong Kong dần quay lưng với dòng phim cổ trang nội địa.

On chua chát nhận xét: "Thời huy hoàng của dòng phim cổ trang TVB nói riêng và Hong Kong nói chung đã trôi về dĩ vãng".

Theo Zing