Hiệp sĩ của bầy cò

Truyện ngắn - Ngày đăng : 07:27, 14/03/2021

Là anh giáo dạy văn cấp ba. Một ngôi trường có tiếng trong khu vực. Trong anh có máu văn nghệ, nhưng chẳng phải máu văn nghệ suông mà được thăng hoa thành lối sống thân thiện.



Cuối chiều hớp một ngụm gió. Anh đi ngang những tia nắng nhẹ cuối ngày. Đầu ngẩng cao. Thị trấn lử đử sau cả ngày mưu sinh. Anh là trai sông Khó. Trai xóm Khó. Một cái xóm ven con sông, người ta vẫn mĩ miều gọi là Thủy Linh. Dọc Thủy Linh lượt là nhiều lũy tre, cây bụi. Chim chóc về trú ngụ ở đó như núp dưới dải lụa nhân từ êm ái của con người. Ác thay mấy năm nay đốc chứng vài gã trong vùng, ngay lưng ham tiền săn bắt chim chóc, còn gọi bầy đàn ở làng khác mang những cái bẫy, súng săn cùng dã tâm đến ven sông Khó càn quét. Đi đến đâu chim chóc loạn xạ bay, dớn dác trốn chạy đến đó. Chim chóc bắt được bọn họ bán luôn cho mấy thương lái nhỏ, bỏ lồng mang ra chợ thị trấn. Mấy quán nhậu ra mua nhiều, đặt hàng chiều thị hiếu dân nhậu. Mấy người không việc làm trong xóm Khó trước đây chẳng quan tâm chim chóc sống chết ra sao, giờ thấy người ta bắt chim đi bán có lợi nhuận cao cũng vót nhọn dã tâm săn bắt. Anh ra vị trí những ngày trước mua chim chóc phóng sinh, thấy người đàn ông dị tật chân thấp chân cao còn đựng trong lồng cỡ chục con cò, bên ngoài chừng chục chim sẻ bị buộc chân thành chùm, tớn tác giãy giụa trong lo lắng.

- Này này mua đi. Mua đi.
Tiếng mời chào ác độc
Như chông gai găm vào không gian
Chọc thủng những đời chim
Chọc thủng những sắc màu
Chim ơi mi có biết
Sau mỗi tàng cây xanh
Đều ẩn nằm dã tâm?

Vừa nhìn thấy anh, gã bán chim đã rối rít, giọng chua, thô kệch, lời ra tới đâu nước bọt bắn tới đó.

- Tôi bán rẻ cho.

Anh dừng trước mặt gã, nhưng không quan tâm gã nói gì, nhìn vào lồng.

- Còn bao nhiêu con? - anh hỏi như thể gã chỉ đáng được giao tiếp như thế.

- Đúng chục cò, chục sẻ. Tổng một triệu đồng.

Anh đã đoán đúng. Giá này vẫn như thường ngày. Anh nhẩm kiểm tiền trong ví, đoán chừng còn khoảng hai triệu.

- Ông kiếm bộn tiền của người ta rồi. Đây toàn là những thứ trong tự nhiên các người bắt bớ. Có mất tiền nuôi nấng đâu. Tám trăm nhá.

Gã bán chim dẩu mỏ lên, ria mép lởm chởm, hai mắt híp tịt:

- Của giời đấy, ai có tài thì bắt. Người này không bắt thì người kia bắt. Bọn bắt chim thật ra cũng chẳng ăn trộm của ai cái gì sất.

Anh chẳng vừa:

- Nhưng là ăn của giời đấy. Ăn trộm. Tôi nói với ông là giời có mắt đấy. Chim chóc là bạn ông giời. Bắt bạn của ông ấy thì ông ấy sẽ quở, sẽ phạt.

- Thôi nói nhiều, không mua thì thằng này mang về. Khối thằng nó ăn của dân đấy, giỏi thì đến mà mắng nhiếc. Những thùng vũng, những ao chuôm, rồi ăn chặn chế độ của thương bệnh binh.

Nói xong gã đưa bàn tay đen đúa, lông lá tóm luôn chiếc lồng, lao đi như tên cướp. Anh đuổi theo chặn. Đành hạ giọng với gã. Như bao lần anh cam chịu sự xỉa xói, khi dám bỏ những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình mà cứu những con chim. Một triệu thì một triệu. Đây, đưa hết lũ chim cho tôi. Gớm lắm! Gã kia nở mặt khiến mắt gần như nhắm tịt lại, những nếp nhăn bảo nhau co rúm, cầm tiền. Tiền bốc mùi mồ hôi, nhăn nhúm, nhọc nhằn nhưng cũng thả ra mùi yêu thương. Anh mang lồng chim ra góc chợ. Phía kia là cây xanh, anh thả chúng ra phía đó. Chúng sẽ bay đi, lẫn vào cây cối, trời xanh. Anh trả lại lồng rồi thả nốt chùm chim sẻ. Biết rằng rồi chúng cũng bị bắt lại nhưng lòng anh thấy nhẹ nhõm. Thấy mình đang có trách nhiệm ở giữa để làm cho mâu thuẫn giữa con người với bầy chim bớt khắc nghiệt. Chim chóc chỉ có bản năng lẩn trốn theo cách của loài chúng, hoàn toàn không có dã tâm hay đề phòng con người. Nhưng chim chóc cũng có gia đình. Chúng biết khóc.

Loài nào chẳng có gia đình
Thứ động vật nào biết khóc
Là biết đau thương oán hận
Hồ hởi hy vọng
Nhưng loài mọc cánh
Dù bay trên chín tầng trời
Dù bay trên bời bời mặt nước
Cũng đâu có sức mạnh bằng những ánh mắt vòi vĩnh phục tùng
Chẳng thoát được số phận loài
Chỉ biết làm đẹp cho người
***
Là anh giáo dạy văn cấp ba. Một ngôi trường có tiếng trong khu vực. Trong anh có máu văn nghệ, nhưng chẳng phải máu văn nghệ suông mà được thăng hoa thành lối sống thân thiện. Anh đóng góp cho phong trào thơ văn của nhà trường phát triển. Thơ anh được đăng trên nhiều báo chí trung ương. Anh không ham quyền chức, danh vọng, chỉ tham công tiếc việc vì đồng nghiệp, học trò nên được toàn trường quý mến. Từ khi biết anh trích những đồng lương, tiền tăng gia từ đồng ruộng, bán quả trong vườn để mua lấy những “ca sĩ bầu trời” để thả chúng về với bao la tự do, nhiều người càng trân quý, càng nể phục. Vợ anh, người rất yêu chim chóc, ủng hộ chồng nhiệt tình. Chị là giáo viên tiểu học, đồng lương không nhiều nhưng sẵn sàng bỏ ra cho chồng mua chim chóc đi phóng sinh. Trả nghĩa vợ chồng chị, bầy chim về trú ngụ trong vườn nhà đông lắm. Anh chị coi chúng như con. Lạ là, suốt dọc dài bãi sông Thủy Linh, cũng là màu xanh bình yên, nhưng “đất lành chim chết”. Còn trong vườn anh chị, màu xanh nhân từ đã che chở, nuôi sống cho nhiều loài. Chúng thường sà xuống mặt đất, xuống sân, đậu trên dây phơi. Có lúc hồn nhiên bay vào bên hiên nhảy nhót mà không sợ dính đạn hay mắc bẫy. Chim chóc làm cuộc sống gia đình anh chị thêm đầm ấm, tươi vui. 

Lớp 11 anh chủ nhiệm có học sinh tên Mỹ Thương hiền lành, học giỏi nhưng nghèo. Gia đình Mỹ Thương cũng lắm chuyện rắc rối. Bố mẹ cô bé sống với nhau như cơm nửa sống nửa khê thành ra cô bé luôn có nét buồn hằn lên khuôn mặt. Trong nhiều bài giảng, sinh hoạt, anh thường chia sẻ với học sinh về lòng tốt và sự cộng sinh với thiên nhiên. Mỹ Thương nhập tâm, chăm chú nghe chuyện chim chóc nhất lớp. Có lần cô bé hỏi thầy, trước cả lớp:

- Cả xã, chỉ mình thầy mua chim chóc phóng sinh thì quá ít. Thầy không sợ chúng bị bắt lại sao?

Cô học trò có đôi mắt đượm buồn nói với anh, mấy năm nay cò về vườn nhà em ấy nhiều quá. Chúng trú ngụ vào những tán ổi, nhãn, mít… Nhà Mỹ Thương nghèo, bố đang định bán vườn cò lấy tiền xây nhà mới, còn để ông uống rượu. “Thầy mua vườn để giữ cò giúp nhà em đi ạ. Rơi vào tay người ngoài, chim cò sẽ bị bắt thịt, hoặc tan tác khắp nơi. Tiếc lắm”.

Lời của cô học trò như cứa vào tim, chùng xuống ở hai chữ “tiếc lắm”. Phải làm sao bây giờ? Mua vườn cứu cò hay để kẻ nào đó lắm của nhiều tiền, xòe ra một mớ rồi tha hồ tóm bắt những ca sĩ của thiên nhiên? Anh kín đáo đến thăm ngôi vườn. Chiều tối nhập nhoạng, đúng là cò vạc về rất nhiều. Trước khi đậu lên những tán cây chúng lượn một vòng trên bầu trời, như những dải lụa. Một vài tên săn bắt giắt sự độc ác vào lưng, chờ sẵn ở phía cánh đồng, với lưới và súng. Cảnh tượng ấy khiến anh quyết định rất nhanh. Phải mua lại vườn cò.

Ôm niềm vui ấy về nhà bàn ngay với vợ, chị đồng ý luôn nhưng anh không khỏi lo lắng. Cần hỏi xem khu vườn ấy rộng bao nhiêu, giá cả thế nào. Hôm sau anh hỏi cô học trò, bố em có ý định bán giá bao nhiêu? Cô bé lắc đầu, nói không biết, chỉ nghe bố nói muốn bán, Mỹ Thương không được quyền tham gia. Phải gặp trực tiếp chủ vườn. Tối đó anh sang nhà chủ vườn. Số tiền phụ huynh học sinh đưa ra quá lớn. Ở vùng quê này, một tỷ rưỡi là khoản tiền mà hai vợ chồng giáo viên trường làng tích cóp cả đời chưa chắc có chứ chẳng nói gì đến chuyện bất chợt thế này. Người anh sôi lên. Vợ anh cũng sôi sục khi chồng có quyết tâm nhưng đào đâu ra tiền chị vẫn chưa nghĩ ra. Anh đôn đáo đi hỏi anh em, bạn bè. Đến đâu cũng gãi đầu gãi tai, song ai cũng khó khăn. Số tiền anh cần quá lớn. Có người tiếp nước, sau khi anh ra về, lắc đầu: “Bỏ tiền đi nuôi đàn cò thì không đáng”.

Mặt anh phờ phạc, đầu óc lúc nào cũng lởn vởn ý nghĩ về cò. Chúng ám vào anh lúc nào chả biết nữa. Nay thì từng cái đập cánh, tiếng khẹc khẹc của chúng đều ngập trong tâm trí anh. Anh bàn với vợ, hay là bán cơ ngơi của nhà mình đi. Cả hai đều tiếc, nhưng vợ anh gật. Ừ bán nhé. Chỉ là bán cái vườn này để mua lấy vườn kia thôi. Nhưng là việc nghĩa. Khổ nỗi khi vợ chồng anh loan tin bán vườn thì chẳng ai mua. Có hai người trả giá cực rẻ. Họ trả như thể để vợ chồng anh chán ngán. Mà có bán rẻ cũng chẳng đủ nửa tiền mua vườn cò. Cô học trò đến gặp anh, van vỉ. Thầy ơi, không có cách nào cứu vườn cò hả thầy? Anh nói mình đã hết cách. Mỹ Thương khóc nấc. Biết làm sao bây giờ. Sự việc vượt quá khả năng của anh. Anh đã đôn đáo gõ cửa khắp nơi rồi. Cô học trò xin phép ra về, tay vẫn bưng mặt. Anh động viên: “Dù thầy trò mình thương, nhưng vẫn phải chấp nhận… Thầy cũng đã gặp riêng bố em, khuyên không nên bán vườn…”
***
Ngôi vườn nhiều cò vạc được bán cho người khác. Một cái nhà tạm khung thép được dựng nhanh chóng để làm quán nhậu. Phía bên kia, cây cầu bắc qua sông vừa được khởi công. Công nghiệp cũng đã bò về mạn đó. Mở quán đặc sản chim trời ở góc này sẽ có nhiều người đến. Chủ vườn mới tính toán vậy. Quả nhiên khi ông ta mở quán, bắt cò vạc làm thịt, khách nườm nượp. Ông ta phải nhập thêm hàng từ nhiều nơi với đủ loại chim trời, cá nước làm đặc sản, chiều dân nhậu. Mỹ Thương xót xa cho phận cò vạc khi gia đình cô phải sống co cụm trong ngôi nhà cũ cùng số tiền mà bố cô ôm lấy để tiêu xài xả láng. Mỗi khi chủ quán cho người vào vườn bắt chim là cô lại giật thót. Tim cô thắt lại. Máu như vón cục, đóng bánh trong mạch. Chừng một tháng thì cò vạc bỏ đi vợi. Cô không biết chúng đi đâu. Với số lượng cò vạc vài nghìn con thì chủ quán chưa thể bắt hết nhưng chúng đã và đang bỏ đi dần. Cô mong chúng thoát khỏi tầng tầng lưới vây và dã tâm. Cô bé thông báo: “Thưa thầy, em thấy bầy cò vạc đã bỏ đi vợi, giờ cuối chiều bay liệng rất ít”. Anh trầm ngâm: “Có thể chúng biết mình sẽ gặp nguy hiểm nên bảo nhau rút đi. Mong sao…”. Giọng anh chùng xuống. Nỗi buồn ngập tràn. Sống đã khó, bảo vệ chim trời còn khó hơn. Anh hát.

Chim trời chim trời
Tự do tự tại
Chim ước được bay
Trong rộng dài ngày
Với vầng mây thắm
Ở đâu yên bình
Chim sà chim hót
Ở đâu đớn đau
Muôn hình bẫy bắt
Chim à chim ơi
Kia cánh tay người
Đây ánh mắt người
Hay bầy cú vọ
Làm sao đề phòng
Hỡi kiếp hồn nhiên
Trước đời xanh cây.

Bẵng đi một thời gian, chiều cuối năm, anh thấy cò vạc về vườn mình. Lúc đầu chỉ vài chục con, rồi đông dần. Sự nhạy cảm trong anh cho biết cò muốn về trú ngụ ở đó. Anh âm thầm mua lưới sắt về rào vườn, xây tường cao hơn, trồng thêm những thứ cây to, dễ sống để tạo nhiều màu xanh che chở. Anh nói với vợ: “Biết đâu mình chẳng cần bán vườn nhưng vẫn có cơ hội nuôi cò, mình ạ”.

Một chiều đặc biệt, cái ấm rắc đầy không gian, bầy cò vạc về bay liệng trên nóc vườn như thể đang múa hát. Cánh chúng như những dải lụa trắng, nâu dập dờn trong gió nhẹ chiều quê. Mỹ Thương sang với thầy. Cô bé thốt lên: “Đất lành chim đậu rồi thầy ơi. Cò vạc đã trốn đi, giờ tụ tập lại, về ở vườn nhà thầy”.

Anh biết từ nay trở đi, cuộc chiến bảo vệ chim trời của mình sẽ khắc nghiệt hơn. Biết thế, nên bàn tay và cả ý nghĩ phải mạnh mẽ hơn. Anh nhủ. Bầy chim đã tin mà về, anh sẽ chở che cho chúng như những đứa con.

Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN HỌC