Những nỗ lực thúc đẩy, bảo vệ quyền con người của Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 15:30, 14/03/2021
Một cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Với mong muốn đóng góp nhiều và hiệu quả hơn nữa vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, Việt Nam đã ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Trong lần ứng cử này, Việt Nam vinh dự được các nước ASEAN đồng thuận đề cử là ứng cử viên của ASEAN.
Thể chế thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới
Hội đồng Nhân quyền được thành lập năm 2006. Đây là cơ quan liên chính phủ quan trọng nhất của Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về nhân quyền, có vị trí quan trọng thứ hai ở tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh sau Hội đồng Bảo an.
Cơ quan này bao gồm 47 quốc gia thành viên, được bầu theo nhiệm kỳ 3 năm với tư cách đại diện nhóm quốc gia theo phân vùng địa lý tại Liên hợp quốc.
Họp ít nhất ba phiên mỗi năm ở Geneva, Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền có vai trò tăng cường việc xúc tiến và bảo vệ nhân quyền trên toàn cầu, đưa ra các khuyến nghị để xử lý các vi phạm nhân quyền, gồm cả những vi phạm có tính trắng trợn và có hệ thống. Tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đều có quyền ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền.
Muốn trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền, các quốc gia thành viên trước hết phải đáp ứng được những chuẩn mực về nhân quyền do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu bằng cơ chế phiếu kín với tỷ lệ đa số.
Tư cách thành viên của Hội đồng Nhân quyền sẽ bị tạm đình chỉ đối với một quốc gia thành viên nào đó nếu Hội đồng Nhân quyền phát hiện ra sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống, thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm với đa số 2/3 số thành viên tán đồng. Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) là cơ quan thư ký của Hội đồng Nhân quyền.
Cơ chế hoạt động của Hội đồng Nhân quyền dựa trên các nguyên tắc bất di bất dịch là phổ quát, khách quan, hợp tác và đối thoại quốc tế xây dựng, không thiên vị, không lựa chọn nhằm tăng cường việc thúc đẩy, bảo đảm tất cả các quyền con người, bao gồm quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và quyền phát triển.
Tròn một năm sau khi thành lập, tháng 6.2007, Hội đồng Nhân quyền đã thông qua “Văn kiện về Xây dựng thiết chế” (còn gọi là Nghị quyết 5.1 của Hội đồng Nhân quyền), theo đó thành lập cơ chế “Rà soát định kỳ phổ quát” (UPR) nhằm đánh giá việc thực hiện nhân quyền của 192 quốc gia. Đây là cơ chế bắt buộc, đòi hỏi không chỉ những quốc gia là thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người, mà tất cả quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, phải có nghĩa vụ đệ trình báo cáo kiểm điểm định kỳ về việc thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người.
Hội đồng Nhân quyền đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thay mặt Liên hợp quốc giám sát thực thi nhân quyền trên phạm vi toàn thế giới bằng việc thực thi nhiệm vụ kiểm điểm định kỳ việc thực hiện nghĩa vụ và cam kết về nhân quyền của tất cả các nước, dựa trên các thông tin khách quan và tin cậy.
Với tầm quan trọng như trên của Hội đồng Nhân quyền, việc Việt Nam vinh dự được đứng trong hàng ngũ 47 quốc gia thành viên của Hội đồng có ý nghĩa như một sự công nhận của cộng đồng quốc tế với những nỗ lực, thành tựu thúc đẩy và bảo vệ quyền con người mà nước ta đã đạt được.
Việt Nam - thành viên có trách nhiệm của Hội đồng Nhân quyền
Tháng 11.2013, Việt Nam đã trúng cử Hội đồng Nhân quyền và từ tháng 1.2014 chính thức trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu đạt rất cao (184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, cao nhất trong số 14 nước thành viên mới).
Việc Việt Nam được bầu với số phiếu cao đã thể hiện vị thế, uy tín đất nước qua những thành tựu to lớn trên lĩnh vực bảo đảm quyền con người trong suốt những thập niên vừa qua, đặc biệt trên lĩnh vực bảo đảm các quyền dân sự-chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa, đồng thời cũng thể hiện sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế với sự tham gia của Việt Nam.
Trong 3 năm nhiệm kỳ đầu tiên là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam tham gia trách nhiệm, đầy đủ, có chất lượng vào các chương trình hoạt động của Hội đồng.
Hằng năm, Việt Nam đều có đoàn tham dự Hội nghị cấp cao thường niên của Hội đồng Nhân quyền. Đây là diễn đàn để Chính phủ Việt Nam khẳng định thông điệp về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, cũng như những đóng góp có trách nhiệm của chúng ta trong việc xử lý các vấn đề nhân quyền trên toàn cầu.
Đoàn Việt Nam tham gia phát biểu không chỉ ở các phiên thảo luận chung, mà còn ở nhiều phiên thảo luận chuyên đề về các vấn đề thuộc ưu tiên của chúng ta như việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền con người, thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền…
Những hoạt động này lồng ghép được các quan tâm và ưu tiên của Việt Nam, chia sẻ các bài học và tranh thủ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn lực từ các nước, quốc tế cho công tác bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.
Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến, tham gia thúc đẩy quyền con người, được bạn bè quốc tế quan tâm ủng hộ như: thúc đẩy quyền nhóm yếu thế, chống biến đổi khí hậu, được hơn 100 nước đồng thuận. Đây là những thành tích mà không phải nước nào lần đầu tham gia Hội đồng Nhân quyền cũng làm được. Việt Nam cũng là nước điều phối của ASEAN ở Hội đồng Nhân quyền.
Trong năm 2014, Việt Nam hoàn thành cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ II của Hội đồng Nhân quyền và đang thực hiện các khuyến nghị theo UPR chu kỳ III.
Trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp dự Hội nghị cấp cao khóa 31 Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc hồi tháng 3/2016, khi đó Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã nhấn mạnh: “Cùng sự tích cực tại các diễn đàn khu vực và quốc tế khác, việc tham gia Hội đồng Nhân quyền đã từng bước khẳng định sự trưởng thành của đối ngoại đa phương của Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện hình ảnh, vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế."
"Câu chuyện truyền cảm hứng" về bảo vệ nhân quyền giữa đại dịch
Việc lần thứ hai Việt Nam ứng cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam tăng cường vị thế, uy tín đất nước và tăng cường quan hệ với các nước.
Trong bài phát biểu thông báo về việc Việt Nam tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nói: "Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ rằng, bảo đảm cho xã hội an toàn trước các dịch bệnh như COVID-19 là cách tốt nhất để bảo đảm cho mỗi thành viên trong xã hội được thụ hưởng đầy đủ các quyền con người. Chúng tôi tiếp tục ưu tiên thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, các quyền tự do cơ bản của người dân, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay. Đại dịch cũng là cơ hội để thế giới xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, dựa trên khả năng thích ứng, sáng tạo, hợp tác và đoàn kết ở cả cấp độ địa phương, quốc gia và toàn cầu..."
Thực tế công tác đảm bảo an sinh xã hội cho người dân giữa đại dịch COVID-19 trong hơn một năm qua đã phản ánh quan điểm trên. Cả 3 đợt phòng, chống dịch COVID-19 kể từ thời điểm phát hiện ca mắc đầu tiên ngày 23.1.2020, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá như một "điểm sáng," "hình mẫu" về ứng phó hiệu quả với đại dịch. Chúng ta tự hào khi hai chữ Việt Nam được gắn liền với một điểm đến an toàn, điểm sáng về phòng, chống dịch COVID-19, cũng như phục hồi kinh tế, một dân tộc nhân văn và một đối tác tin cậy.
Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen, nhấn mạnh: “Việt Nam ứng phó thành công đại dịch COVID-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng," trong đó tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội là chìa khóa thành công.
Trang Times of India (Ấn Độ) khẳng định: “Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ người dân trước dịch bệnh” thông qua việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin về dịch bệnh và quyền được tiếp cận điều trị COVID-19 cho tất cả mọi người, nhờ thế tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, huy động được sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến chống dịch. Coi trọng sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân ngay từ những ngày đầu chống dịch cũng chính là bảo đảm một trong những quyền con người cao nhất, cơ bản nhất - quyền được sống. Đó cũng là yếu tố khiến người dân tin tưởng và ủng hộ Chính phủ trong công tác ứng phó với dịch COVID-19.
Hai trang BBC News (Anh) và The Diplomat (Mỹ) cũng có chung đánh giá. "Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động trách nhiệm và đặt người dân lên làm mối quan tâm hàng đầu," nhà báo chuyên về chính trị Đông Nam Á David Hutt phát biểu trên đài BBC News.
"Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu," trang The Diplomat nhận định.
Bên cạnh việc quan tâm bảo vệ sức khỏe người dân, Chính phủ Việt Nam còn ban hành hàng loạt chính sách đảm bảo an ninh lương thực và đời sống nhân dân giữa tác động nghiêm trọng của đại dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Không để người dân nào đói cơm, lạt muối vì COVID-19." Gói an sinh xã hội có gần 62.000 tỷ đồng (gần 3 tỷ USD) "chưa có tiền lệ" hướng đến hơn 20 triệu người thuộc các nhóm đối tượng người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, người thất nghiệp... không chỉ giảm thiểu tối đa tác động của đại dịch COVID-19 đối với quyền sống, quyền được chăm sóc y tế và mưu sinh của người dân, mà còn một lần nữa khẳng định mạnh mẽ tinh thần “đặt lợi ích của người dân lên trên."
Đó cũng là tinh thần mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh sau đợt “lũ chồng lũ, bão chồng bão" lịch sử ở các tỉnh miền Trung vừa qua: không để người dân bị đói, bị rét, phải ở trong cảnh “màn trời chiếu đất".
Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đồng hành cùng đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ, từ cấp 11.500 tấn gạo hỗ trợ khẩn cấp và hàng trăm tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương, tới phát động chiến dịch quyên góp rộng khắp, huy động sức mạnh tập thể và lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái”, hỗ trợ người dân miền Trung sửa chữa nhà cửa, trường học, khôi phục lại sản xuất, khắc phục công trình hạ tầng bị hư hỏng nhằm sớm ổn định lại cuộc sống.
Trong hoàn cảnh khó khăn của dịch bệnh và thiên tai, những chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời đối với người dân là nền tảng để bảo vệ các quyền con người, đồng thời cho thấy nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân với chế độ.
Cuộc khảo sát mới nhất do UNDP thực hiện và công bố ngày 8.12.2020 cho thấy, 96% số người được hỏi đánh giá nỗ lực của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 là “tốt” hoặc “rất tốt” và gần 94% có cùng đánh giá đối với nỗ lực ứng phó của chính quyền cấp tỉnh.
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19
Bên cạnh những nỗ lực bảo vệ quyền con người của người dân trong nước, Việt Nam cũng tích cực, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế tăng cường đảm bảo an toàn cho người dân trên toàn thế giới trước những thách thức, nguy cơ toàn cầu, trong đó có dịch bệnh.
Năm 2020, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) - tổ chức liên Chính phủ đại diện cho ASEAN về nhân quyền, ngày càng mở rộng lĩnh vực hoạt động và đi vào chiều sâu, quan tâm đến quyền cơ bản của người dân, đặc biệt chú trọng đến nhóm yếu thế gồm phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, Việt Nam đã cố gắng thúc đẩy sự đoàn kết, thống nhất và hợp tác trong AICHR, trong đó có những nỗ lực đảm bảo quyền con người trong đại dịch.
Vào tháng 5.2020, với sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên AICHR đã ra thông cáo báo chí chung liên quan đến vấn đề dịch COVID-19, thể hiện sự hợp tác và thống nhất trong ASEAN.
Cũng trong năm 2020, Việt Nam đã lần đầu tiên đề xuất và thúc đẩy thông qua bằng đồng thuận với 112 nước đồng bảo trợ Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh, qua đó đóng góp thiết thực vào nỗ lực chung của thế giới nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, thể hiện rõ bản lĩnh, khả năng thích ứng nhanh chóng của Việt Nam trước những thử thách, khó khăn.
Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, đặc biệt là trong giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 là cơ sở vững chắc để Việt Nam vững tin ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Theo TTXVN