Tranh cổ động chống dịch
Văn hóa - Giải trí - Ngày đăng : 18:00, 20/03/2021
Tranh cổ động phòng chống dịch Covid-19 được chuyển đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh
Sôi nổi
"Hải Dương chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, “Hải Dương quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid-19”, “Tích cực chủ động khai báo y tế để phòng chống dịch”, “Thực hiện 5K”… là nội dung của những bức tranh cổ động dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường, trục phố chính, chốt trực Covid-19 của tỉnh những ngày qua.
Ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đều phát động phong trào sáng tác tranh cổ động PCD bệnh. Ngay sau đó, bộ tranh tuyên truyền PCD được phát hành đến 12 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Trên mạng xã hội, những bức tranh mang thông điệp về PCD, chung tay tiêu thụ nông sản cho người dân… được chia sẻ rộng rãi.
Có lẽ lâu rồi phong trào sáng tác tranh cổ động mới lại sôi nổi đến vậy. Một thời gian ngắn đã có hơn 20 tác phẩm của các tác giả chuyên, không chuyên của tỉnh và các địa phương về đề tài này. Tiêu biểu là các tác giả Hà Huy Chương, Trần Phóng, Thu Mai… của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; Nguyễn Đức Tuấn, Vũ Duy Năng (TP Hải Dương), Lê Thuận Long (Quảng Bình)...
Họa sĩ Hà Huy Chương, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh sáng tác liền lúc 3 bức tranh chỉ trong 3 ngày. Ông bảo thời điểm Hải Dương trong tâm dịch, chứng kiến sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân thì ông cũng cần có tiếng nói kịp thời để chung tay, góp sức cùng quê hương chống dịch.
Họa sĩ Hà Huy Chương cho rằng tranh cổ động vốn đã là thể loại xung kích của mỹ thuật Việt Nam trong tuyên truyền những sự kiện, vấn đề thời sự của đất nước. Qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tranh cổ động luôn phát huy vai trò khích lệ toàn quân, toàn dân tham gia kháng chiến, thi đua lao động sản xuất. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đang có dịch bệnh thì tranh cổ động tiếp tục góp thêm tiếng nói tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động PCD.
“Những năm 1976-1978, chúng ta vẫn tự hào vì Hải Dương (khi ấy là tỉnh Hải Hưng) được mệnh danh là xứ tranh cổ động của miền Bắc với những cái tên như Phạm Trí Tuệ, Trần Duy Trúc… Hiện nay, tuy lực lượng sáng tác còn mỏng nhưng khi có sự kiện, họ đều nhiệt tình sáng tác để kịp thời tuyên truyền, cổ vũ tinh thần đoàn kết, kết nối sức mạnh cộng đồng”, họa sĩ Hà Huy Chương nói.
Lan tỏa
Còn nhớ tháng 3.2020, thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã huy động các họa sĩ tham gia vẽ tranh cổ động nhân dân cả nước chung tay PCD. Vỏn vẹn 5 ngày, đã thu về hơn 100 tác phẩm của hơn 20 tác giả. Với thông điệp ngắn gọn, mang tính thời sự, khẩu hiệu dễ hiểu, dễ nhớ, tạo hình khỏe khoắn… những bức tranh cổ động đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, hành động của nhân dân. Đó cũng chính là lý do dù hiện nay các phương tiện truyền thông phát triển thì tranh cổ động vẫn khẳng định được vai trò, vị thế riêng trong truyền tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân.
Thời điểm toàn tỉnh căng mình chống dịch cũng là lúc người dân gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản. Khi ấy, tác phẩm tranh cổ động của tác giả Vũ Duy Năng (TP Hải Dương) và Lê Thuận Long (Quảng Bình) xuất hiện với những thông điệp “Một củ su hào là một nghĩa đồng bào”; “Tất cả vì Hải Dương thân yêu” như một liều thuốc tinh thần gửi đến người dân, đồng thời góp phần thúc đẩy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa người với người. Hai tác phẩm được chia sẻ, lan tỏa trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, được xem là công cụ chuyển tải thông điệp hữu hiệu.
Như vậy, trước những sự kiện, vấn đề lớn của xã hội, đất nước thì tranh cổ động không thể thiếu trong các hoạt động tuyên truyền.
HUYỀN ANH