Đồng chí Phạm Xuân Thăng được giới thiệu ứng cử Chủ tịch HĐND tỉnh với số phiếu tuyệt đối

Tin tức - Ngày đăng : 06:39, 22/03/2021

Sáng nay 22.3, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII tổ chức hội nghị lần thứ 4.


Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội nghị

Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự hội nghị.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến về báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; dự thảo Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Hội nghị cũng sẽ thực hiện quy trình kiện toàn chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách Đảng năm 2020.


Các đại biểu dự hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng khẳng định những vấn đề đưa ra và thảo luận tại hội nghị rất quan trọng, nhất là thảo luận cho ý kiến đối với báo cáo kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy và dự thảo Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số tỉnh Hải Dương, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến đối với báo cáo kiểm điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là những hạn chế và các giải pháp khắc phục trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tập trung thảo luận Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số. Xác định việc ban hành Nghị quyết là để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số theo chủ trương đổi mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng lưu ý và đề nghị các đại biểu làm việc tập trung, tích cực tham gia nhiều ý kiến bổ ích, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề; thể hiện sự đổi mới, dân chủ trong sinh hoạt cũng như trách nhiệm và vai trò đóng góp của mỗi đồng chí trên cương vị công tác của mình (xem toàn văn bài phát biểu khai mạc tại đây).


Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trình bày báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy

Ngay sau phát biểu khai mạc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, hội nghị nghe đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trình bày báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Theo báo cáo, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã được tiến hành nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, thẳng thắn trên tinh thần trách nhiệm và cầu thị của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh. Tại hội nghị kiểm điểm phê bình và tự phê bình năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có 33 lượt ý kiến tham gia góp ý. Hội nghị đã khẳng định những kết quả đạt được, đồng thời nghiêm túc chỉ ra những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tập thể và cá nhân; xác định rõ nguyên nhân của kết quả và hạn chế, nhất là những nguyên nhân chủ quan. Trên cơ sở đó rút ra kinh nghiệm, xác định nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém trong thời gian tới.

Sau khi thảo luận kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín đánh giá, xếp loại tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ, 3 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đạt mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, các đồng chí còn lại xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.


Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Nghị quyết chuyên đề “Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”

Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Nghị quyết chuyên đề “Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Mục tiêu của Nghị quyết là đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của các cấp ủy, chính quyền tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu đến năm 2025 đưa Hải Dương thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025; tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Một số mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là: 80% số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Kinh tế số chiếm 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp công nghệ số. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%...

Để đạt được các mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra 8 nhóm giải pháp thực hiện gồm: Tăng cường tuyên truyền, đổi mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, nhân dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số. Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của địa phương. Xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh. Phát triển kinh tế số. Phát triển xã hội số. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Ưu tiên kinh phí từ nguồn ngân sách và huy động các nguồn đầu tư của doanh nghiệp, cộng đồng để đầu tư phát triển chuyển đổi số.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021

Hội nghị đã thực hiện quy trình kiện toàn chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã được 100% Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dự hội nghị đồng ý giới thiệu ứng cử chức danh Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021.

Hội nghị đã nhất trí cho đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thôi giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 để HĐND tỉnh miễn nhiệm và nghỉ công tác, nghỉ hưu theo quy định.


 Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu điều hành thảo luận tại hội nghị

Sau phần giới thiệu nhân sự, hội nghị tiến hành thảo luận.

Thảo luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã làm rõ những mục tiêu phấn đấu nêu trong dự thảo Nghị quyết chuyên đề "Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".


Đồng chí Nguyễn Cao Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu thảo luận

Theo đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, những mục tiêu đề ra đều phù hợp thực tiễn Hải Dương và có tính khả thi cao. Nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết đã được tỉnh tích cực triển khai và đang tiếp tục nâng cao. Hải Dương đang đứng thứ 19 toàn quốc về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; đứng thứ 18 về xây dựng chính quyền điện tử. Vì vậy, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tỉnh ta đứng thứ 20 về chuyển đổi số là rất khả thi và tỉnh hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đứng thứ 15 cả nước về chuyển đổi số vào năm 2030. 

Đồng chí Nguyễn Năng Hoàn, Tỉnh ủy viên, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết hiện tỷ lệ nộp tờ khai điện tử, nộp thuế điện tử trong tỉnh đã đạt 100%, việc khai, nộp thuế không còn xảy ra tình trạng tắc nghẽn. Tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Đối với ngành thuế, việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã và đang tạo rất nhiều thuận lợi, nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong tình hình các khoản thu, số lượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh tăng nhanh. Việc liên thông, kiểm soát các khoản thu đang rất hiệu quả.

Đồng chí Cục trưởng Cục Thuế tỉnh kiến nghị tỉnh cần có những giải pháp hiệu quả, phù hợp với nguồn lực như lựa chọn đơn vị lưu trữ dữ liệu; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông mở rộng băng thông, tăng tốc mạng internet tạo thuận lợi ứng dụng công nghệ thông tin ở các địa phương; quan tâm đầu tư, hỗ trợ các sở, ngành, địa phương để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số. 

Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng đề nghị cần thực hiện chuyển đổi sổ từ cơ sở và theo đề xuất của từng ngành, lĩnh vực để có giải pháp thực hiện hiệu quả, phù hợp. Đối với mục tiêu xây dựng đô thị thông minh, tỉnh cần chỉ đạo các ngành xây dựng tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư các khu đô thị, khu dân cư mới. Giữa các sở, ngành, địa phương cần phải có sự phối hợp chặt chẽ để bảo đảm công tác rà soát, xây dựng quy hoạch đồng bộ, bảo đảm chất lượng...


Đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị tỉnh cần thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, có sự tham gia của các sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết bảo đảm đồng bộ

Đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng chuyển đổi số cần thực hiện có tính kết nối, tương thích, liên thông giữa các ngành, địa phương. Tỉnh cần thành lập Ban Chỉ đạo có sự tham gia của các sở, ngành, địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết bảo đảm đồng bộ. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu chung cần sớm được triển khai thực hiện. Nâng cao hạ tầng đường truyền, trong đó lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực, có tính cạnh tranh. Lựa chọn các nhà cung cấp phần mềm có tính tương thích, cập nhật cao. Quan tâm nâng cấp, bảo trì thiết bị tại các sở, ngành, địa phương, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số.

Đồng chí Sái Thị Yến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Kinh Môn cho rằng để chuyển đổi số thành công thì giải pháp quan trọng nhất là cần đổi mới, tư duy, nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân. Cần tuyên truyền để người dân khai thác, ứng dụng tối đa công nghệ vào các dịch vụ thiết thực trong cuộc sống như hạn chế dùng tiền mặt trong thanh toán các dịch vụ. Cần bổ sung giải pháp phối hợp đào tạo, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số cho công nhân, lao động tại các doanh nghiệp.


Quang cảnh hội nghị

Đồng chí Đặng Xuân Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Gia Lộc cho biết Gia Lộc quyết tâm phấn đấu, thực hiện theo đúng lộ trình từ huyện đến cơ sở theo đúng dự thảo Nghị quyết chuyên đề chuyển đổi số đề ra. Đề nghị tỉnh sớm triển khai các cụm công nghiệp, khu đô thị trên địa bàn huyện; tăng cường sự chỉ đạo phối hợp thực hiện giữa các sở, ngành, địa phương để bảo đảm thực hiện đồng bộ.

Đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo, điều hành, nhất là trong thời gian diễn ra dịch Covid-19 vừa qua rất hiệu quả, đồng chí Phạm Văn Khảnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang đề nghị tỉnh cần có giải pháp chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc cũng như gương mẫu thực hiện trong cuộc sống hằng ngày. Để đạt được mục tiêu 70% số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng vào năm 2025, tỉnh cần có giải pháp đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ cấp xã và quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại cơ sở.

Đồng chí Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng cho  rằng cần đánh giá đúng thực trạng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh liên quan đến công nghệ thông tin để có cơ sở xác định mục tiêu phấn đấu có trên 700 doanh nghiệp công nghệ số. Tỉnh cũng cần đánh giá, nhận định tình hình về tội phạm trên không gian mạng để đề ra những giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng. Dự thảo nghị quyết cần bổ sung tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ công trực tuyến nhằm đánh giá đúng hiệu quả, kịp thời có giải pháp để điều chỉnh, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Về các giải pháp thực hiện, cần bổ sung và đưa lên hàng đầu giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đối với thực hiện chuyển đổi số. Tỉnh cũng nên lựa chọn một đơn vị cấp xã để thực hiện thí điểm, đánh giá hiệu quả và nhân rộng ra các địa phương khác.

HOÀNG BIÊN -THÀNH CHUNG