Nhà hàng điêu đứng vì dịch Covid-19

Kinh tế - Ngày đăng : 10:07, 22/03/2021

Hơn 1 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm cho nhiều người kinh doanh dịch vụ ăn uống điêu đứng, thường xuyên phải bù lỗ, phải cho thuê hoặc người thuê trả lại mặt bằng vì không thể cầm cự.


Dù nằm ở vị trí trung tâm thị trấn Thanh Hà nhưng chủ nhà hàng Sen Hồng vẫn phải cho thuê lại vì không thể cầm cự do ảnh hưởng của dịch bệnh

Nhà hàng càng to, thua lỗ càng nhiều

Dù đã hoạt động ổn định được gần 20 năm nay nhưng nhà hàng Bình Sơn Quán ở đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) vẫn điêu đứng vì dịch Covid-19. Với quy mô gần 9.000 m2, mỗi năm chủ nhà hàng phải trả tiền thuê mặt bằng hơn 500 triệu đồng. Nhà hàng được đầu tư với 200 bàn ăn. Trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, nhà hàng có 45 người phục vụ, trung bình mỗi ngày khách đặt khoảng 50 bàn ăn. Từ năm 2020, lượng khách đến giảm khoảng 60%. Từ giữa năm 2020, chủ nhà hàng đã cắt giảm 15 người phục vụ. Trong thời gian đóng cửa, chủ nhà hàng chỉ để lại 4 bảo vệ để trông coi, dọn dẹp. “Giai đoạn này thực sự là khó khăn nhất đối với nhà hàng trong nhiều năm trở lại đây. Năm vừa qua ngoài tiền thuê đất, mỗi tháng nhà hàng còn phải bù lỗ khoảng 40 triệu đồng. Mặc dù rất áy náy với người lao động nhưng nhà hàng không có kinh phí để hỗ trợ họ trong thời gian nghỉ việc”, anh Phạm Văn Huy, quản lý nhà hàng Bình Sơn Quán cho biết.

Khảo sát tại nhiều nhà hàng lớn tại các vị trí đắc địa ở TP Hải Dương như Sao Biển trên đường Hoàng Hoa Thám, lẩu dê Nhất Ly trên đường Nguyễn Văn Linh cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thời gian đóng cửa kéo dài, nhà hàng không có doanh thu trong khi chi phí bỏ ra rất lớn. Từ năm 2020 đến nay, mỗi tháng các nhà hàng này đều phải bù lỗ từ 30 - 50 triệu đồng.

Là một trong những nhà hàng lớn nằm ở vị trí trung tâm thị trấn Thanh Hà, nhà hàng Sen Hồng cao 4 tầng, diện tích sàn khoảng 1.600 m2 đi vào hoạt động từ năm 2016. Nhà hàng này có 70 bàn ăn và 15 người phục vụ. Mức lương trung bình của mỗi lao động ở đây là 7 triệu đồng/tháng. Những năm trước, có những ngày khách đặt kín các bàn nhưng sau khi có dịch Covid-19 trung bình mỗi ngày nhà hàng chỉ có khách đặt khoảng 10 bàn ăn thời điểm còn được mở cửa. “Trong năm 2020, trung bình mỗi tháng tôi phải bù lỗ hơn 50 triệu đồng. Kinh doanh khó khăn, gia đình tôi đã phải cho thuê lại nhà hàng”, anh Trần Huy Vấn, chủ nhà hàng Sen Hồng nói.

Vỡ mộng

Là người trong huyện, anh Nguyễn Huy Hiếu đã thuê lại nhà hàng Sen Hồng ở thị trấn Thanh Hà từ tháng 10.2020 với giá 40 triệu đồng/tháng. Ngoài tiền thuê hằng tháng, anh còn phải đầu tư hơn 700 triệu đồng để mua lại tài sản của nhà hàng. Anh Hiếu thuê 10 lao động và trả trung bình 10 triệu đồng/người/tháng, nhưng hoạt động chưa được 3 tháng nhà hàng đã phải đóng cửa để phòng dịch. “Những tháng đầu thuê lại nhà hàng, tôi đã phải bù lỗ hàng chục triệu đồng. Đang hy vọng khách sẽ đông vào dịp trước và sau Tết thì dịch bùng phát trở lại. Dù không hoạt động nhưng tôi vẫn phải trả tiền thuê nhà và hỗ trợ 30% lương cho người lao động để giữ chân. Ngoài ra, mỗi tuần tôi phải thuê 4 - 5 người đến nhà hàng lau dọn để tránh hư hỏng đồ”, anh Hiếu chia sẻ.

Năm 2019 anh Nguyễn Xuân Thành ở xã Thanh Quang (Nam Sách) đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng nhà hàng Rừng và Biển trong khu đô thị mới ở xã này. Anh Thành thuê 8 người làm, mỗi tháng trả từ 6 - 12 triệu đồng/người. Đầu năm 2020, nhà hàng đi vào hoạt động nhưng được khoảng 2 tháng thì dịch Covid-19 bùng phát nên phải đóng cửa. Anh Thành ngậm ngùi nói: “Trông chờ vào kinh doanh nhà hàng để lấy nguồn thu thì từ khi mở cửa đến nay kinh tế gia đình lại thêm khó khăn vì liên tục phải bù lỗ. Để đầu tư nhà hàng này, tôi phải vay ngân hàng 5 tỷ đồng. Hiện mỗi tháng gia đình phải trả hơn 40 triệu đồng tiền lãi. Dù xác định còn phải bù lỗ nhiều tháng nữa nhưng tôi vẫn phải cố gắng để duy trì”.

Kinh doanh nhà hàng hơn 30 năm nay nhưng thời điểm này ông Đoàn Văn Hà, chủ nhà hàng Mạnh Hà ở thị trấn Phú Thái (Kim Thành) vẫn phải tính đến hướng kinh doanh khác. Ông Hà có 2 nhà hàng ăn tại thị trấn Phú Thái với tổng diện tích sàn hơn 1.000 m2, quy mô khoảng 100 bàn ăn. Do kinh doanh khó khăn, khách ngày càng vắng nên năm 2020 ông Hà đã phải trả một địa điểm. Dù vậy, với tình hình như hiện nay, gia đình ông Hà đang có ý định trả nốt mặt bằng nhà hàng còn lại để tìm hướng kinh doanh khác.

Các nhà hàng mới kinh doanh đang chuẩn bị để mở cửa trở lại ngay khi được phép nhằm quảng bá hình ảnh và giữ chân khách hàng. Hiện nay, các nhà hàng lớn đều gặp rất nhiều khó khăn. Chủ nhà hàng mong muốn được xem xét giảm tiền thuê mặt bằng trong thời gian dịch bệnh; đồng thời đề nghị ngân hàng có thêm chính sách vay vốn ưu đãi và giãn nợ, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn.

PHAN ANH