Tuyển sinh khối ngành sức khỏe: Điểm cộng cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế

Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 13:00, 22/03/2021

Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Phenikaa đều thông báo sẽ cộng điểm tiếng Anh (điểm ưu tiên) theo quy định của nhà trường với thí sinh xét tuyển vào khối ngành sức khỏe.


Sinh viên khối ngành sức khỏe Trường ĐH Đại Nam trong giờ thực hành

Gia tăng tuyển sinh bằng học bạ 

3 trường đại học (ĐH) công trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có truyền thống đào tạo y khoa và nhóm ngành sức khỏe là Khoa Y (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh ), ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, khối ngành sức khỏe có sự tham gia tuyển sinh và đào tạo của hàng loạt trường đại học tư như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh  (HUTECH), ĐH Văn Lang, ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU).

Năm học 2021 - 2022, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng dự kiến mở 8 ngành mới liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe gồm Hộ sinh, Dinh dưỡng, Y học cổ truyền, Kỹ thuật hình ảnh y học, Sức khỏe răng miệng, Chăm sóc bệnh trẻ em, Hoạt động trị liệu, Quản lý bệnh viện. Cộng thêm 5 ngành đã tuyển sinh trước gồm Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, nâng tổng số 13 ngành tuyển sinh thuộc khối sức khỏe. 

Trường ĐH Văn Lang năm 2021 tuyển mới 2 ngành là Y khoa và Y học cổ truyền, nâng tổng số khối ngành sức khỏe hiện có lên 6 ngành (4 ngành đang có là Răng – Hàm - Mặt, Điều dưỡng, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học). Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiện có 5 ngành đào tạo khối sức khỏe là Y khoa, Dược học, Y học cổ truyền, Y tế dự phòng và Kỹ thuật xét nghiệm y học.

Đáng chú ý tham gia vào cuộc chơi cạnh tranh tuyển sinh khối ngành sức khỏe năm 2021 còn có thêm Trường ĐH Hoa Sen với ngành Dược học. Trường ĐH Đại Nam cũng tham gia tuyển sinh ngành Y khoa từ năm 2020…

Ngoài ra còn hàng loạt trường tư tuyển sinh nhóm ngành trên Trường ĐH Nam Cần Thơ tuyển sinh 5 ngành gồm Y khoa, Dược học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Quản lý bệnh viện. Trường ĐH Trà Vinh và ĐH HUTECH cũng tuyển sinh nhiều ngành khối sức khỏe như Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng… Đặc biệt, nhiều trường ngoài công lập tuyển sinh khối ngành sức khỏe bằng cả phương thức xét học bạ THPT.

Thạc sĩ Đỗ Thu Hương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Đại Nam thông tin: Năm nay, trường tiếp tục sử dụng 2 phương thức xét tuyển (xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và xét kết quả học tập 3 môn lớp 12 theo tổ hợp xét tuyển). Riêng ngành Y khoa, Dược học, thí sinh phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi và tổ hợp xét tuyển đạt từ 24 điểm trở lên. Với ngành Điều dưỡng, tuyển thí sinh có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên và tổ hợp xét tuyển đạt từ 19,5 điểm trở lên. 

Tương tự, để được ứng tuyển vào khối ngành sức khỏe của Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) bằng xét học bạ, thí sinh phải có kết quả tốt nghiệp 12 loại khá với ngành Điều dưỡng và phải tốt nghiệp lớp 12 loại giỏi khi xét vào ngành Y khoa và Dược. “Trường ĐH Duy Tân dự kiến mở 2 ngành mới là Y học cổ truyền, Kỹ thuật y sinh và Quản trị bệnh viện. Với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của nhà trường, thí sinh phải chờ học xong lớp 12 mới được đăng ký xét tuyển vào khối ngành sức khỏe”- TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng nhà trường nói. 

Sinh viên khối ngành sức khỏe của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng

Tiếng Anh giỏi sẽ được cộng điểm ưu tiên 

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, ngành sức khỏe đào tạo đặc thù nên việc tuyển chọn thí sinh đầu vào rất quan trọng. Từ nhiều năm nay, tiêu chí tuyển sinh viên vào học khối ngành sức khỏe của nhà trường vô cùng gắt gao. Điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành như Y khoa, Răng – Hàm - Mặt, Kỹ thuật xét nghiệm y học cao nhất nhì cả nước. 

“Việc xét tuyển học bạ với các ngành thuộc khối khoa học sức khỏe tùy thuộc đề án tuyển sinh của mỗi trường. Tại Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh không có phương thức xét tuyển học bạ. Năm 2021, trường vẫn giữ ổn định 2 phương thức tuyển sinh. Cụ thể, nhà trường xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở tổ hợp B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) và A00 (Toán, Vật lý, Hóa học). Phương thức xét tuyển còn lại kết hợp kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế ở các ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học và Điều dưỡng. Thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn đạt IELTS 6.0 trở lên, hoặc TOEFL iBT 60 trở lên” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi cho biết. 

Tương tự, Trường ĐH Phenikaa cũng thông báo sẽ cộng điểm tiếng Anh (điểm ưu tiên) theo quy định của nhà trường với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (IELTS, TOEFL, PTE Academic, và Cambridge) tương đương với IELTS từ 4.0 trở lên vào tổng điểm xét tuyển cho các ngành/chương trình đăng ký xét tuyển. Với khối ngành ở tổ hợp xét tuyển không có môn Tiếng Anh, điểm cộng ưu tiên cho thí sinh dao động từ 0,5 - 2 điểm tùy điểm IELTS thí sinh đạt được; Cộng từ 0,25 – 1 điểm với tổ hợp xét tuyển có môn Tiếng Anh. 

Để khuyến khích thí sinh giỏi tham gia vào xét tuyển khối ngành sức khỏe, nhiều trường còn bổ sung tiêu chí ưu tiên, cộng thêm điểm xét tuyển vào tổ hợp xét tuyển cho thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Đơn cử, Trường ĐH Y Hà Nội xét kết hợp điểm thi với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để cộng điểm ưu tiên, cũng như xem xét tuyển thẳng nhiều ngành như: Y khoa, Răng – Hàm - Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Y tế công cộng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Điều dưỡng. Theo đó, thí sinh phải có IELTS 6.0 trở lên, phải bảo vệ đề tài hoặc dự án bằng tiếng Anh trước Hội đồng nhà trường để được đánh giá và xem xét. 

Theo báo Giáo dục & Thời đại