Đưa bệnh nhân Covid-19 từ "cõi chết" trở về

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 08:15, 23/03/2021

Với những nỗ lực hết mình, đội ngũ y, bác sĩ tham gia điều trị cho bệnh nhân (BN) Covid-19 tại Hải Dương đã làm nên những điều kỳ diệu, đưa nhiều BN nặng trở về từ "cõi chết".


Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng trao quyết định ra viện cho ông N.V. H. ở Kinh Môn

Điều kỳ diệu

Chiều 17.3, ông N.V.H., bệnh nhân 2.332 (sinh năm 1961) ở khu dân cư Bích Nhôi, phường Minh Tân (Kinh Môn), công nhân Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch là một trong số 20 BN Covid-19 được xuất viện tại Bệnh viện dã chiến số 2 (Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương). "Bác sĩ từng nói tôi là người có diễn biến bệnh nặng nhất Hải Dương, phải qua 3lần lọc máu, 3 lần chụp x-quang, 7 lần chụp cắt lớp vi tính... Tôi phải nằm tổng cộng 19 ngày tại phòng hồi sức cấp cứu của bệnh viện, đã có lúc tưởng như không qua khỏi, vậy mà giờ tôi đã được ra viện, sức khỏe tốt. Đúng là điều kỳ diệu!", ông H. phấn khởi nói.

18.2 chắc chắn sẽ là một ngày khó quên đối với ông H. Trưa ấy, ông được chuyển từ Trung tâm Y tế thị xã Kinh Môn lên Bệnh viện dã chiến số 2. Trên đường đi, ông phải dùng máy trợ thở. Ngay khi đến bệnh viện, ông được chuyển luôn vào phòng cấp cứu. Ông H. nhớ lại: "Lên đến nơi, tôi thấy người yếu dần, nhận thức không còn tỉnh táo. Tôi chỉ nghe lơ mơ bác sĩ bảo chuyển lên phòng cấp cứu, chỉ định chụp cắt lớp vi tính, lọc máu ngay. Sau đó, tôi bất tỉnh. Khi tỉnh lại vào buổi sáng hôm sau, tôi thấy có mấy bác sĩ đứng xung quanh. Lúc ấy, có người còn bảo hôm qua tôi rất nguy kịch, tưởng như không thể cứu được".

Thời điểm cứu chữa cho ông H., các bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến số 2 đồng thời phải can thiệp cho một BN nữa cũng được đánh giá nặng. Đó là BN 2.357 - cụ ông N.Đ.N. ở phường Văn Đức (Chí Linh). Cụ N. năm nay đã 85 tuổi, mắc Covid-19 do trước đó tiếp xúc với F0. Sau khi vào viện, bệnh của cụ N. diễn biến nặng, phổi tổn thương nghiêm trọng, phải lọc máu và thở oxy lưu lượng cao. Đến nay, cụ N. cũng đã được xuất viện.

Nhớ lại quãng thời gian điều trị tại bệnh viện, cụ N. xúc động nói: "Tôi đã từng nhiều năm chiến đấu ở chiến trường. Hồi ấy cũng không biết bao lần bị thương dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, được đồng đội cứu chữa. Nhưng giờ đã ở tuổi gần đất, xa trời, không may mắc phải căn bệnh truyền nhiễm này, được các bác sĩ tận tình cứu chữa, chăm sóc chu đáo làm cho tôi thực sự cảm động. Tuổi già đêm thường ít ngủ, nhìn các bác sĩ thức trắng cả đêm, vất vả vì mình, tôi thấy ái ngại quá, thương như con cháu trong nhà vậy".

Dành mọi thứ tốt nhất cho Hải Dương

Đến nay, nước ta đã có tổng số 35 BN Covid-19 tử vong. Dù là tâm dịch với số lượng BN nhiều nhất cả nước trong đợt này nhưng Hải Dương vẫn chưa để BN nào tử vong. Đó là kết quả nỗ lực không biết mệt mỏi của đội ngũ y, bác sĩ, đặc biệt là những người được tăng cường từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), trưởng kíp điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 2 cùng với hàng chục đồng nghiệp tăng cường về hỗ trợ cho Hải Dương đã đổ biết bao mồ hôi, tâm huyết. "Bệnh viện Bạch Mai đã chi viện mọi thứ tốt nhất cho Hải Dương từ nhân lực đến vật lực. Bệnh viện đã điều đội ngũ y, bác sĩ có kinh nghiệm điều trị tại Đà Nẵng, chuyển các loại máy móc, thiết bị hiện đại nhất về hỗ trợ cho Hải Dương. Tất cả BN Covid-19 vào Bệnh viện dã chiến số 2 đều được điều trị chu đáo nhất", ông Dũng khẳng định.

Điều quan trọng nhất giúp cho đội ngũ y, bác sĩ thành công trong điều trị cho BN Covid-19 nói chung, những BN nặng nói riêng đó là luôn theo dõi sát sao, nhận định đúng và xử lý sớm các tình huống. Trưa 18.2, ngay sau khi nhập viện, BN H. đã rơi vào tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đã phải sử dụng rất nhiều biện pháp cứu chữa khẩn như thông khí nhân tạo xâm nhập, lọc máu hấp thụ để thải loại chất độc, đặt catheter động mạch để theo dõi huyết động, sử dụng kháng thể đơn dòng để nâng cao khả năng miễn dịch, dùng thuốc chống đông máu... "Chúng tôi còn chuẩn bị sẵn sàng tình huống tim phổi nhân tạo (ECMO), nhưng xác định rõ đây là tình huống cuối cùng bởi phương pháp này không chỉ tốn kém kinh phí mà nó còn có thể dẫn đến rất nhiều nguy cơ trước mắt và lâu dài đối với BN. Do đó, cả đội ngũ đã quyết định theo dõi sát, tổ chức hội chẩn, xin ý kiến các chuyên gia hàng đầu trong Tổ điều trị của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19", bác sĩ Nguyễn Văn Dũng cho biết.

May mắn là sau khi kịp thời can thiệp một số biện pháp phù hợp, tình trạng của BN tiến triển tốt. Trên cơ sở đó các bác sĩ quyết định không thực hiện kỹ thuật ECMO nữa.

Tương tự, trường hợp cụ ông N.Đ.N. cũng đặt đội ngũ y, bác sĩ điều trị vào tình huống khó bởi đây là BN cao tuổi, bị tổn thương phổi rất nặng. Đối với BN Covid-19 nếu bị tổn thương phổi, đặc biệt là ở người cao tuổi, người có bệnh lý nền rất nguy hiểm vì nó có thể diễn biến nhanh, thay đổi theo từng giờ. Bác sĩ Dũng cho biết trường hợp này đã phải sử dụng biện pháp thở oxy áp lực cao cộng với lọc máu khẩn, cử người theo dõi sát 24/24 giờ đề phòng trường hợp khẩn diễn biến theo chiều hướng xấu sẽ xử lý ngay.

Với những kinh nghiệm, nỗ lực không ngừng, đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 2 đã thành công. Ngoài ông H., cụ N. đã khỏi bệnh, một số BN nặng khác cũng đã ổn định, chuyển vào phòng điều trị thường. Bệnh viện dã chiến số 2 đã giải thể hoạt động Đơn nguyên Cấp cứu - Hồi sức tích cực.

NGỌC THANH