Quy mô kinh tế đứng thứ 11 cả nước
Kinh tế - Ngày đăng : 09:10, 23/03/2021
Đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đọc báo cáo tại kỳ họp
Nhiều kết quả nổi bật
Theo báo cáo, nhiệm kỳ qua, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội (KTXH). Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,8%/năm, cao hơn mức bình quân chung toàn quốc. Quy mô kinh tế gấp 1,6 lần so với năm 2015, đứng thứ 11 trong cả nước.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa. Thu ngân sách nhà nước tăng nhanh, từ năm 2017 tỉnh đã tự cân đối ngân sách, có một phần điều tiết về Trung ương. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Nguồn vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước tăng 89,4%, nhất là từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tỉnh đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là các công trình giao thông. Xây dựng đô thị có nhiều khởi sắc. Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã hoàn thành như: đường trục Bắc - Nam (giai đoạn 1), Trung tâm Văn hóa xứ Đông, nút giao đường 62 m với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Mây, đường dẫn cầu Hàn… Nhiều công trình đang triển khai thi công và chuẩn bị hoàn thành như cầu Đông Mai, cầu Dinh, cầu Quang Thanh…
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 đã có sự chỉ đạo quyết liệt, thần tốc, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. UBND các cấp lãnh đạo thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội. Đời sống, việc làm và thu nhập của nhân dân được nâng cao.
Báo cáo của UBND tỉnh cũng chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục như: việc thu hút đầu tư, kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng; huy động các nguồn vốn đầu tư cho phát triển hiệu quả chưa cao, còn một số dự án, công trình trọng điểm chưa thực hiện; sản phẩm nông nghiệp được chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; thứ bậc cải thiện chỉ số cải cách hành chính so với cả nước chỉ ở mức trung bình khá…
3 khâu đột phá
Trong nhiệm 2021-2026, UBND tỉnh xác định các chỉ tiêu cụ thể, như: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 9% trở lên; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 115 triệu đồng (tương đương 4.800 USD), năm 2030 đạt 200 triệu đồng (tương đương 7.700 USD). Thu nhập thực tế bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: nông, lâm nghiệp và thủy sản 8%, công nghiệp - xây dựng 61,5%, dịch vụ 30,5%. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng hằng năm từ 15% trở lên. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025 đạt 20%. Thu ngân sách nội địa tăng bình quân 10%/năm...
Các nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh xác định trong nhiệm kỳ mới là tập trung chỉ đạo hoàn thành đạt mức cao nhất kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021- 2025 và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đẩy mạnh thực hiện 3 khâu đột phá là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, chú trọng hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo; huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các ngành, lĩnh vực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, nêu cao vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị...
PV