Sinh con một bề được khen thưởng

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:31, 25/03/2021

Từ ngày 10.3.2021, người sinh con một bề nhận được nhiều chính sách hỗ trợ như được miễn, giảm học phí, mua bảo hiểm y tế, sữa học đường cho con...

Đây là nội dung quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BYT ngày 25.1.2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.

Thông tin này lập tức được dư luận quan tâm, nhất là khi câu chuyện nhiều gia đình sinh 2 con một bề (chỉ có trai hoặc gái) lâu nay vẫn chịu một số sức ép nhất định và đến từ nhiều phía, với quan niệm "có nếp, có tẻ vẫn tốt hơn". Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ số giới tính khi sinh nhiều năm liên tục có mức chênh lệch lớn.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 111,5 bé trai/100 bé gái. Tại Hải Dương, trong những năm qua việc thực hiện các nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã đạt được kết quả tích cực. Tỷ số giới tính khi sinh giảm đều hằng năm, từ 116,3 bé trai/100 bé gái (năm 2017), xuống còn 114,4 bé trai/100 bé gái (năm 2020). Và đến năm 2025, Hải Dương đặt mục tiêu tỷ số giới tính khi sinh giảm còn 113 bé trai/100 bé gái. Mặc dù kết quả cho thấy tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh trong tỉnh đã được cải thiện, nhưng vẫn ở mức cao so với trung bình của cả nước.

Những năm qua, nhiều gia đình sinh con một bề đã và đang chịu sức ép vô hình, không chỉ từ bên ngoài mà ở chính bên trong mỗi gia đình, dòng họ. Gia đình có 2 con trai thì mong muốn có thêm con gái để "cha mẹ về già được chăm sóc tốt hơn", còn gia đình có 2 con gái lại muốn có thêm con trai để "nối dõi tông đường hoặc để có chỗ dựa về sau". Nhưng cũng từ thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp, không hẳn cứ gia đình "có nếp, có tẻ" đã tốt và ngược lại, gia đình sinh con một bề là không tốt. Do thiếu được quan tâm giáo dục, nhiều đứa con trong gia đình "có nếp, có tẻ" bỏ bê học hành, không những không đỡ đần mà còn trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Trong khi đó, nhiều gia đình sinh con một bề là trai, nhưng các con từ nhỏ đều biết làm việc nhà, giúp đỡ bố mẹ, biết quan tâm, chăm sóc người thân hệt như con gái. Còn nhiều gia đình có con một bề là gái nhưng các con cũng xốc vác, làm được những việc mà nam giới thường làm, trở thành chỗ dựa cho bố mẹ. Ra xã hội, nhiều người con gái là con trong gia đình sinh con một bề giỏi làm kinh tế hoặc phát triển trên con đường chính trị, giữ các vị trí quan trọng của địa phương, đất nước. Nhiều bậc cha mẹ trước đây từng tỏ ra ngán ngẩm khi chỉ sinh con một bề, nay con cái phương trưởng mới nhìn lại và thấy rằng mình đã nhầm, không phải cứ "có nếp, có tẻ" đã hay, mà "con nào cũng là con", miễn là chúng được phát triển trong một môi trường hòa hợp, được giáo dục tốt, lớn lên trở thành công dân tốt.

Trở lại với câu chuyện "sinh con một bề được khen thưởng" vốn được dư luận quan tâm trong thời gian qua. Theo các chuyên gia, quy định trên cần hiểu không phải cứ gia đình sinh con một bề là được biểu dương, khen thưởng. Nên hiểu là để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, các địa phương sẽ căn cứ mục tiêu chính sách dân số và thực tiễn, lựa chọn, quyết định một số nội dung cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ cặp vợ chồng sinh 2 con một bề cam kết không sinh thêm con. Các gia đình chỉ được tôn vinh, biểu dương, được miễn, giảm học phí, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế học sinh, sữa học đường và các nội dung, hình thức phù hợp khác khi nuôi con khỏe, dạy con ngoan, con học giỏi, thành đạt.

Quy định trên sẽ khuyến khích các gia đình sinh con một bề, dù gái hay trai chỉ 2 là đủ, chú trọng nuôi con khỏe, dạy con ngoan, để sau này trở thành công dân tốt. Đây chính là phần thưởng lớn nhất đối với mỗi gia đình.

TIẾN HUY