Đổi mới căn bản công tác xây dựng pháp luật (*)

Tin tức - Ngày đăng : 14:57, 26/03/2021

Báo điện tử Hải Dương trích đăng phát biểu của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tham gia thảo luận tại hội trường sáng 26.3.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận tại kỳ họp

Quốc hội khóa XIV đã có những bước đổi mới căn bản và chuyên nghiệp trong công tác xây dựng pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 như: đổi mới cơ bản và toàn diện quy trình xây dựng luật theo hai giai đoạn xây dựng chính sách và thực hiện soạn thảo các quy định cụ thể; hoàn thiện thể chế tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác xây dựng pháp luật; xác định cụ thể kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm… Những đổi mới này đã góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật trong những năm qua, thể hiện bằng kết quả các luật, pháp lệnh đã được thông qua trong nhiệm kỳ 2016 – 2021 đạt chất lượng cao, phù hợp yêu cầu phát triển của xã hội, đi vào thực tiễn cuộc sống.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng pháp luật còn những hạn chế như đã được nêu cụ thể trong dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ. Tập trung vào công tác lấy ý kiến góp ý, xây dựng pháp luật, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, các dự thảo, các tài liệu nghiên cứu phục vụ công tác thảo luận, góp ý, phản biện của các đại biểu tại kỳ họp còn gửi chậm, gửi muộn, cá biệt có những trường hợp tài liệu, dự thảo chính thức chỉ được gửi trước phiên họp 1 ngày. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc nghiên cứu, góp ý của các ĐBQH. Tình trạng này cần được khắc phục trong các kỳ họp tới để bảo đảm thời gian nghiên cứu dự thảo, tài liệu của các đại biểu nhằm nâng cao chất lượng nội dung góp ý, thảo luận.

Thứ hai, hình thức lấy ý kiến góp ý trực tuyến là một hình thức ưu việt, tiện lợi, phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Đây cũng có thể trở thành một kênh thông tin quan trọng để nắm bắt dư luận xã hội đối với các dự thảo chính sách. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân biết đến hình thức góp ý trực tuyến chưa cao, chủ yếu chỉ tập trung ở lực lượng cán bộ, công chức. Đối với các ý kiến góp ý online được thu thập tại các cổng thông tin cũng chưa có báo cáo tổng hợp, phản hồi. Vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét các giải pháp cải thiện công tác lấy ý kiến góp ý online nhằm tận dụng hiệu quả thói quen sử dụng internet của người dân trong công tác lấy ý kiến xây dựng pháp luật.

Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích chính sách, dự thảo trong giai đoạn xây dựng pháp luật đối với những vấn đề nhạy cảm, có thể gây nhiều tranh cãi còn chưa được quan tâm, dẫn đến những dư luận tiêu cực do không hiểu đúng bản chất quy định, chính sách đang được xây dựng, điển hình như Dự thảo Luật An ninh mạng. Đây cũng là một nhiệm vụ cần được chú trọng thực hiện để định hướng dư luận, nhận phản hồi sớm về dự thảo chính sách, quy định nhằm thay đổi, dự liệu chính sách cho phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm tính khả thi khi luật, pháp lệnh đã được ban hành.

Nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của Quốc hội như: tổ chức họp trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 bùng phát, vừa bảo đảm phòng chống dịch nhưng vẫn duy trì được hoạt động và chất lượng của các phiên họp; cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ các ĐBQH thông qua máy tính bảng cá nhân thay vì tài liệu giấy truyền thống, giảm tải lượng lớn các tài liệu in ấn, tiến tới Quốc hội không giấy tờ... Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số trong hoạt động Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa; sắp xếp lại hệ thống tài liệu hiển thị trên phần mềm điện tử khoa học hơn, khắc phục tình trạng tài liệu hiển thị lộn xộn, khó tra cứu, theo dõi như hiện nay. Nâng cấp phần mềm để hạn chế tình trạng lỗi hệ thống, không truy cập vẫn xảy ra.

--------------------------
(*) Tiêu đề do Báo điện tử Hải Dương đặt