Bèo, rác "bức tử" kênh mương
Môi trường - Ngày đăng : 18:01, 26/03/2021
Các trạm bơm tưới khó vận hành khi bị rác "bủa vây"
Bị xâm phạm
Trạm bơm Bỉnh Di ở xã Đại Sơn là trạm bơm tưới lớn nhất của huyện Tứ Kỳ, có nhiệm vụ bảo đảm nước tưới cho 570 ha đất nông nghiệp ở các xã Ngọc Kỳ, Hưng Đạo, Đại Sơn (Tứ Kỳ) và Ngọc Sơn (TP Hải Dương). Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng kênh tưới của trạm bị xâm phạm nghiêm trọng bởi rác thải và tình trạng làm nhà trên mái kênh.
Ngay đầu kênh tưới, sát trạm bơm Bỉnh Di, gần 20 hộ dân ngang nhiên đổ tấm chắn bê tông và làm nhà trên mặt kênh. Tình trạng này đã diễn ra từ trước năm 2010 nhưng đến nay vẫn không thể xử lý. Mặt kênh bị bít kín nên công nhân trạm bơm thường xuyên phải chui xuống ống cống dọn rác để tránh ách tắc. Đoạn kênh tưới qua thôn Nghĩa Dũng (xã Đại Sơn) cũng trở thành tuyến... kênh rác do người dân thường xuyên xả rác xuống lòng kênh. Tình trạng này mới chấm dứt từ đầu năm 2021, khi thôn xây dựng xong bãi rác tập trung.
Quảng Giang - Chùa So là tuyến kênh dẫn lớn của huyện Gia Lộc nhưng cũng thường xuyên bị "bức tử" bởi rác thải. Các trạm bơm lấy nước từ tuyến kênh dẫn này không chỉ bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm mà công nhân trạm bơm cũng vất vả hơn do thường xuyên phải dọn rác. Chị Bùi Thị Hoa, công nhân trạm bơm Thanh Niên B ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) cho biết: "Công nhân trạm bơm được giao quản lý 5 km kênh dẫn thuộc tuyến Chùa So - Quảng Giang. Hằng tuần, chúng tôi phải thay phiên nhau vớt rác. Mặc dù đã làm nhiều lưới chắn rác đặt ở các vị trí khác nhau nhưng mỗi khi vận hành máy bơm rác lại trôi về nhiều hơn".
Ngoài những vi phạm như xây dựng công trình trái phép, xả rác hoặc nước thải chưa qua xử lý thì hiện nay tình trạng đẩy bèo ở các tuyến kênh do địa phương quản lý ra các tuyến kênh lớn do xí nghiệp quản lý diễn ra phổ biến. Theo phân cấp, bèo, rác ở các tuyến kênh địa phương nào thì địa phương đó phải có trách nhiệm xử lý, không để chảy ra kênh lớn của xí nghiệp quản lý. Bèo, rác tràn ngập khiến nhiều trạm bơm buộc phải tạm dừng vận hành để xử lý.
Các hộ dân ngang nhiên lấn chiếm, làm nhà trên kênh tưới của trạm bơm Bỉnh Di
Xử lý kiên quyết
Theo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (CTTL) tỉnh, toàn tỉnh hiện có hơn 4.300 trường hợp vi phạm công trình và xả thải trái phép vào hệ thống thủy lợi. Vi phạm chủ yếu diễn ra ở các tuyến kênh dẫn chính. Đây đều là những trường hợp đã được lực lượng chức năng lập biên bản, đề nghị chính quyền địa phương xử lý nhưng kết quả chưa cao.
Nguyên nhân do người dân không chấp hành quy định, trong khi chính quyền địa phương chưa quyết liệt vào cuộc, sự phối hợp giữa chính quyền cơ sở với đơn vị quản lý CTTL còn thiếu chặt chẽ. Một số vi phạm chậm được phát hiện nên khi cơ quan chức năng vào cuộc không thể tuyên truyền giải thích mà phải áp dụng biện pháp cưỡng chế, gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như chống vi phạm công trình.
Vi phạm CTTL đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tưới tiêu phục vụ sản xuất và đời sống người dân. Để ngăn ngừa vi phạm, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý; xem xét trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND cấp xã nếu để xảy ra vi phạm CTTL trên địa bàn. Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân; phân cấp quản lý, khai thác CTTL trên địa bàn xã.
TRẦN HIỀN