Chớ xem thường chứng đau và tê bì ngón tay, bàn tay
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:30, 28/03/2021
Thần kinh giữa đi xuống bàn tay qua ống cổ tay, ống này được bao quanh bởi các xương ở cổ tay ở phía sau và dây chằng vòng cổ tay ở phía trước, tức phía gan tay. Đó là một lối đi khá chật hẹp, trong đó có dây thần kinh giữa, các mạch máu và các gân gấp ngón tay.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh
Hội chứng ống cổ tay là do dây thần kinh giữa bị chèn ép. Dây giữa chạy từ cẳng tay qua ống cổ tay xuống đến bàn tay. Nó chi phối cảm giác cho ngón cái và 3 ngón tiếp theo về phía gan tay. Nó cũng chi phối vận động cho các cơ thuộc mô ngón cái. Nói chung, những yếu tố gây kích thích hay đè ép dây giữa trong ống cổ tay đều có thể gây ra hội chứng ống cổ tay.
Các yếu tố thường gặp nhất là phù ống cổ tay, trạng thái căng lặp đi lặp lại hay các chấn thương do sử dụng thái quá, tuần hoàn tồi, quá gấp hay quá ngửa cổ tay, mất cân bằng giữa các cơ, thai nghén làm tăng ứ dịch thường là ở quý thứ ba, viêm các gân, chấn thương cổ tay gây chèn ép, nữ giới (có thể do ống cổ tay nhỏ hơn so với nam giới), những người làm một số nghề nghiệp hay chơi các môn thể thao có liên quan nhiều đến cổ tay (người ta ước tính có trên 50% những người này bị hội chứng ống cổ tay), một số trường hợp hay bệnh toàn thân (như đái tháo đường, mãn kinh, béo phì, suy tuyến giáp và suy thận...) có thể làm tăng nguy cơ bị hội chứng ống cổ tay.
Dấu hiệu nhận biết
Sự chèn ép của dây thần kinh giữa trong ống cổ tay sẽ gây ra đau, tê bì và/hay loạn cảm của ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một phần ngón nhẫn, còn ngón út không bị. Trong một số trường hợp, đau và tê bì có thể lan rộng lên đến toàn bộ bàn tay hoặc thậm chí đến cổ tay và cẳng tay nhưng hiếm khi qua khuỷu lên đến vai. Những dấu hiệu này thường xảy ra nặng nhất vào ban đêm và đôi khi có thể đánh thức người bệnh khi đang ngủ. Các triệu chứng cũng có thể xuất hiện khi người bệnh làm điều gì đó liên quan đến việc gấp duỗi cổ tay hoặc nâng cánh tay, ví dụ như khi nắm vô-lăng, nắm điện thoại hay sách báo, đánh máy, chơi golf, thư ký hành chính, chơi cử tạ, thợ mộc, giết mổ gia súc... Cuối cùng, bàn tay sẽ bị yếu đi, ảnh hưởng đến vận động và dễ làm rơi các đồ vật.
Khi nào cần đi khám?
Hội chứng ống cổ tay nên được điều trị càng sớm càng tốt. Để cho tay được nghỉ thường xuyên hơn, tránh các hoạt động làm xấu thêm triệu chứng và chườm đá để giảm phù. Ngoài ra các bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc tiêm tại chỗ hay dùng thuốc uống. Bên cạnh đó có các phương pháp nẹp hay bao cổ tay. Dùng nẹp cổ tay ban đêm khi ngủ hoặc bao cổ tay ban ngày khi làm việc. Các phương pháp điều trị vật lý khác: thuật bấm nắn cột sống, tập yoga, xoa bóp, điều trị đau bằng laser, các bài tập trượt gân, các bài tập cổ tay... Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc khi tổn thương chèn ép thần kinh ở mức độ nặng, teo cơ nhiều sẽ phẫu thuật cắt dây chằng ngang cổ tay, giải phóng thần kinh giữa bị chèn ép. Có thể được thực hiện bằng phương pháp mổ nội soi hoặc mổ mở.
Do vậy, khi thường xuyên có các triệu chứng gợi ý một hội chứng ống cổ tay, nhất là khi các hoạt động bình thường và giấc ngủ bị cản trở, cần đi khám. Nếu không điều trị, có thể xảy ra tổn thương thường xuyên của dây thần kinh và các cơ.
Phòng bệnh
Để phòng bệnh, cần nghỉ ngơi thường xuyên khi hoạt động sử dụng nhiều đến bàn tay. Giữ cổ tay ở tư thế thư giãn trung bình là tốt nhất. Các bàn phím/bảng điều khiển được bố trí sao cho an toàn, hiệu quả tại nơi làm việc: để ngang tầm khuỷu tay hoặc thấp hơn một chút. Dùng con chuột đứng cho máy tính, giữ cho cổ tay ở một góc chuẩn thích hợp tối đa. Sử dụng bao cổ tay khi cần thiết. Giữ bàn tay và cổ tay ấm khi làm việc: dùng găng tay không có ngón. Giảm lực và thư giãn khi cầm nắm.
Theo Sức khỏe và Đời sống