Gấp rút chuẩn bị hai kỳ thi quan trọng
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 07:03, 30/03/2021
Cô và trò lớp 9 Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Đức Sáu (Nam Sách) trong buổi ôn tập môn toán
Quyết định đúng
Đợt dịch Covid-19 thứ ba bất ngờ bùng phát tại Hải Dương đã khiến học sinh phải nghỉ Tết Tân Sửu 2021 sớm hơn dự kiến. Sau Tết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh phổ thông học trực tuyến từ ngày 17.2. Ngày 8.3, học sinh lớp 12 các trường THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tại 8 địa phương thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ mới được đến lớp. Từ ngày 18.3, UBND tỉnh tiếp tục đồng ý cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ở hơn một nửa các địa phương trong tỉnh đi học trở lại. Riêng TP Hải Dương, TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, 2 huyện Cẩm Giàng, Kim Thành chỉ có học sinh lớp 9 và lớp 12 được đến trường, học sinh các lớp khác học trực tuyến tại nhà.
Quyết định ưu tiên cho học sinh lớp 9 và 12 đi học trở lại sớm trong bối cảnh hai kỳ thi quan trọng đang đến gần được nhiều nhà quản lý giáo dục và phụ huynh đánh giá là cần thiết và phù hợp. Các em cần được sát hạch, củng cố kiến thức, rèn tâm lý, kỹ năng làm bài thi và quan trọng hơn là phải được giáo viên trực tiếp hướng dẫn thì mới có thể vững tin chinh phục những mục tiêu phía trước.
Thời gian học trực tuyến vừa qua các trường gần như chưa thể triển khai ôn thi cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Thế nên khi quay trở lại trường dịp này được đánh giá là “giai đoạn vàng” để các em được củng cố kiến thức vững chắc nhất. Em Hoàng Tiến Thành, học sinh lớp 9B, Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Đức Sáu (Nam Sách) cho biết cảm thấy đỡ áp lực hơn khi tiếng Anh được chọn là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tới. Tuy nhiên, không được đến trường trong một thời gian dài, cộng với việc chưa được ôn thi làm Thành cũng như nhiều bạn trong lớp cảm thấy rất lo lắng. “Bản thân em cũng còn yếu về ngữ pháp tiếng Anh, kỹ năng khoanh chọn đáp án trong làm bài thi… Được trở lại trường giúp em nhẹ nhõm và tự tin hơn”, Thành chia sẻ.
Với học sinh lớp 12, được đến trường sớm có ý nghĩa rất quan trọng, bởi theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 chỉ còn hơn 3 tháng nữa là diễn ra (từ ngày 7-8.7). Kỳ thi tới, ngoài 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, thí sinh phải làm thêm một trong hai bài thi tổ hợp khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) hoặc tổ hợp khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học). Việc phải ôn tập cùng lúc nhiều môn chắc chắn sẽ làm các em áp lực, nhưng có thầy cô trực tiếp chỉ dạy thì những khó khăn cũng dễ tháo gỡ hơn.
Lấy học trò làm trung tâm
Các cơ sở giáo dục trong tỉnh đang dành tối đa sự ưu tiên cho học sinh lớp 9 và 12. Buổi sáng các trường dạy kiến thức mới theo phân phối chương trình, buổi chiều dành thời gian ôn tập cho các em. Những giáo viên chuyên môn tốt, có nhiều kinh nghiệm ôn thi được các trường huy động tối đa để hướng dẫn học trò. Nhiều trường THCS ở Ninh Giang, Cẩm Giàng… do thiếu giáo viên tiếng Anh, đã vận động cả giáo viên nghỉ hưu, hợp đồng theo tiết với các giáo viên ngoài để ôn thi cho các em…
Việc tổ chức ôn tập theo hướng “lấy học trò làm trung tâm” được nhiều trường chú trọng. Giáo viên sẽ cho học sinh làm bài kiểm tra để khảo sát chất lượng, sau đó phân nhóm học sinh theo năng lực để có phương pháp ôn tập hiệu quả. Cô giáo Nguyễn Thị Thu dạy tiếng Anh ở Trường THCS Nguyễn Trãi (Nam Sách) cho biết đề thi tiếng Anh tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tới sẽ dài hơn những năm trước (50 câu so với 25 câu). Sau một thời gian ngắn đi học trở lại thấy nhiều em còn yếu trong khâu làm bài tập theo cấu trúc đề mới. “Việc phân loại học sinh để nắm bắt tâm lý, khả năng của học sinh rồi tổ chức bồi dưỡng, ôn tập sẽ làm giáo viên vất vả hơn nhưng rất cần thiết khi thời gian diễn ra kỳ thi không còn xa”, cô Thu nói.
Trường THPT Thanh Hà đã cho học sinh lớp 12 đăng ký nguyện vọng sau tốt nghiệp để định hướng ôn tập. Với những học sinh chỉ thi với mục đích tốt nghiệp sẽ ôn cùng một lớp. Những em nào có nguyện vọng xét tuyển vào đại học theo khối các môn tự nhiên hoặc các môn xã hội thì ôn thành các lớp riêng. Thầy giáo Lê Xuân Nguyên, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết việc này đáp ứng nguyện vọng của học sinh, giúp các em thoải mái tư tưởng, hứng thú trong quá trình ôn tập…
Giáo viên các trường, học sinh lớp 9 và lớp 12 cũng đang tích cực sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, thư điện tử để trao đổi kiến thức, bài tập, kỹ năng, hỗ trợ nhau trong quá trình ôn tập. Thời gian tới, các trường sẽ tổ chức khảo sát chất lượng học sinh hai lớp này để tiếp tục có hướng hỗ trợ các em ôn tập hiệu quả hơn.
BÌNH MINH