Người phụ nữ phá mật mã của Đức quốc xã, cứu hàng nghìn binh sĩ

Tư liệu - Ngày đăng : 14:32, 30/03/2021

Friedman là một trong những chuyên gia giải mật mã đầu tiên của Mỹ và bà đóng vai trò quan trọng trong phá vỡ đường dây gián điệp Đức Quốc xã ở Mỹ Latinh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tháng 3.1942, chuyên gia giải mã Mỹ Elizebeth Smith Friedman đã phát hiện ra một điều kinh hoàng: Gián điệp Đức Quốc xã ở Mỹ Latinh đã xác định được vị trí của một con tàu tiếp tế lớn thuộc quân Đồng minh. Con tàu tên là Queen Mary đang ở dọc bờ biển Brazil và các tàu ngầm của Đức đang định đánh chìm con tàu.

Adolf Hitler quyết tâm phá hủy con tàu tới mức hắn treo thưởng 250.000 USD cho thuyền trưởng nào có thể xóa sổ Queen Mary. Phát hiện của bà Friedman đã giúp Queen Mary tránh được tàu ngầm Đức, cứu mạng sống của trên 8.000 thủy thủ.

Friedman là một trong những chuyên gia giải mật mã đầu tiên của Mỹ và bà đóng vai trò quan trọng trong phá vỡ đường dây gián điệp Đức Quốc xã ở Mỹ Latinh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Tuy nhiên, vì tính chất nhạy cảm của công việc, bà không được phép công khai công việc thời chiến.

Bà giữ bí mật về công việc cho tới tận khi chết năm 1980, ngay cả khi Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) J. Edgar Hoover đã tự nhận thành tích của nhóm phá mật mã về mình. Mãi tới sau khi bà qua đời, các sử gia và nhà nghiên cứu mới đã công bố đóng góp thời chiến của bà.

Truy tìm mật mã Shakespeare

Chú thích ảnh
William Friedman và Elizebeth Smith Friedman. Ảnh: Alamy

Elizebeth Smith sinh ra ở Huntington, bang Indiana năm 1892. Từ nhỏ, Elizebeth đã rất thích ngôn ngữ và tốt nghiệp đại học ngành văn học Anh năm 1915. Bà thích đọc sách, đọc thơ và tự sáng tác. 

Bà bắt đầu sự nghiệp giải mật mã năm 1916. Khi đó, một người giàu có tên là George Fabyan đã thuê bà làm việc cho Phòng thí nghiệm Riverbank mà ông thành lập cách đó vài năm ở Illinois. Fabyan là người theo thuyết âm mưu, tin rằng Sir Francis Bacon mới là tác giả thực sự của các vở kịch, bài thơ đang đứng tên William Shakespeare. Công việc của Elizebeth là kiểm tra các tác phẩm của Shakespeare để tìm thông điệp bí mật mà Fabyan tin rằng Bacon đã lồng vào các vở kịch, bài thơ.

Chính tại Riverbank, Elizebeth đã gặp chồng mình là William Frederick Friedman và kết hôn với ông năm 1917. Cả Elizebeth và William đều nhận ra khi làm việc cho ông Fabyan rằng giả thiết về Bacon không đúng. Về sau, hai vợ chồng đã lật tẩy giả thiết này trong cuốn sách năm 1957.

Quá trình làm việc cho thấy Elizebeth được trời phú cho tài năng thiên bẩm về mật mã mà không ai có thể có. Bà cực kỳ giỏi trong việc nhận ra các đặc điểm và bà sẽ biến những điều tưởng như chỉ là suy đoán thành sự thật. Lĩnh vực mật mã khi đó còn khá non trẻ và Elizebeth là một trong vài phụ nữ ít ỏi làm việc trong ngành này.

Sau đó, hai vợ chồng Friedman có cơ hội sử dụng kỹ năng phá mật mã theo cách khác. Khi tham gia Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Mỹ không có đơn vị chuyên trách giải mã và chưa sẵn sàng thu thập thông tin tình báo bằng các phương tiện giải mã. Khi chính phủ Mỹ đề nghị Phòng thí nghiệm Riverbank hỗ trợ, ông Fabyan đã tình nguyện hỗ trợ chính phủ, thành lập đơn vị phá mật mã đầu tiên ở Mỹ do hai vợ chồng Friedman dẫn đầu. Họ đã đào tạo nhân sự quân đội về giải mã và tự mình xây dựng các hệ thống mật mã tinh vi.

Sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1921, họ chuyển tới thủ đô Washington DC để làm việc cho Bộ Chiến tranh. Vài năm sau đó, Elizebeth bắt đầu làm việc tại Lực lượng bảo vệ bờ biển để phá mật mã, giúp xác định và truy tố những người buôn rượu lậu. Để làm công việc này, bà đã lập một đơn vị phá mật mã, trở thành người phụ nữ đầu tiên quản lý một nhóm phá mật mã trong Chính phủ Mỹ. Bà chặn và giải các tin nhắn mã hóa của các băng nhóm tội phạm và cung cấp cho Lực lượng bảo vệ bờ biển. Công việc của Elizebeth và phụ tá đã giúp cơ quan chức năng truy tố tội phạm trong 650 vụ. Trong 33 vụ, đích thân Elizebeth đã làm nhân chứng chuyên gia trước tội phạm buôn lậu ma túy.

Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai xảy ra, Lực lượng bảo vệ bờ biển chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Hải quân. Bộ này không cho phụ nữ đứng đầu các đơn vị. Đột nhiên, Friedman phải làm việc dưới quyền của một quản lý mới là nam giới và phải làm những dự án không phải lúc nào cũng phù hợp nhất với kỹ năng của mình. Ngay cả vậy, bà vẫn cố gắng đóng góp lớn cho nỗ lực của Mỹ trong chiến tranh thông qua các lần phá mật mã tinh vi.

Tìm ra trùm gián điệp Đức Quốc xã

Chú thích ảnh
Bà Elizebeth Smith Friedman. Ảnh: Wikipedia

Theo sử gia Amy Butler Greenfield, tác giả cuốn sách sắp ra mắt “The Woman All Spies Fear: Code Breaker Elizebeth Smith Friedman and Her Hidden Life” (Người phụ nữ mọi gián điệp đều sợ: Người phá mật mã Elizebeth Smith Friedman và cuộc đời bí mật), bà Friedman không chọn nhiệm vụ phá đường dây gián điệp Đức Quốc xã ở Mỹ Latinh. Sử gia Greenfield nói: “Bà không thực sự hào hứng với nhiệm vụ đó. Sau này, bà tiếp tục nói rằng bà cảm thấy mình không được triển khai đúng sở trường trong chiến tranh”.

Friedman cảm thấy như vậy vì bà thường quen với công việc phá các mật mã cực kỳ phức tạp. Mặc dù Chính phủ Đức và Nhật Bản đều sử dụng mật mã phức tạp trong Thế chiến II, nhưng mật mã mà gián điệp Đức Quốc xã sử dụng ở Mỹ Latinh lại đơn giản hơn nhiều và Friedman nghĩ rằng bà sẽ hữu ích hơn nếu được giao các nhiệm vụ phức tạp hơn.

Mặc dù Friedman cảm thấy mình đủ trình độ để làm những việc khó khăn hơn nhưng bà vẫn đóng góp quan trọng cho nỗ lực thời chiến của phe Đồng minh. Bà Melissa Davis, Giám đốc thư viện và kho lưu trữ tại Tổ chức The Goerge C. Marshall, nói: “Elizebeth biết rõ giá trị công việc mình đang làm. Gián điệp Đức quốc xã đánh điện bằng radio nói về thời điểm hàng nghìn binh sĩ rời Mỹ và thông tin này được truyền tới các tàu ngầm Đức để các tàu ngầm này có thể can thiệp và đánh chìm tàu chở binh sĩ. Bà biết bà sẽ cứu hàng nghìn mạng người”.

Một trong những gián điệp Đức quốc xã quan trọng mà Friedman xác định và theo dõi là Johannes Siegfried Becker, người có mật danh Sargo và đang tìm cách thiết lập đồng minh giữa Đức và Argentina.

Friedman là người đầu tiên tìm ra tên con tàu chở Becker. Con tàu này bị chặn lại, tên gián điệp bị giải đi và đưa tới London. Tại đây, hắn thú nhận mọi việc và cung cấp nhiều thông tin về các đường dây gián điệp. Đó là thông tin giúp đập tan các đường dây gián điệp Đức Quốc xã.

Elizebeth đã truy tìm thành công Becker khi mà các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật Mỹ đều bất lực. Bà đã làm được điều mà FBI không thể. Sau khi đường dây gián điệp bị phá vỡ, Argentina, Bolivia và Chile đã bỏ phe Trục và về phe Đồng minh, loại bỏ mối đe dọa rằng bán cầu tây sẽ sụp đổ.

Một gián điệp thời Thế chiến II khác mà Friedman đã lật tẩy thông qua kiểm tra mật mã là Velvalee Dickinson, một phụ nữ Mỹ da trắng và là chủ một cửa hàng búp bê ở New York. Người này gửi tin nhắn mã hóa cho Chính phủ Nhật Bản. Giám đốc FBI J. Edgar Hoover đã dùng vụ bắt giữ và xét xử Dickinson để thu hút chú ý của dư luận về FBI, nhưng ông không nói rằng chính Friedman là người đã xem và giải mã các lá thư mã hóa của Dickinson được dùng cho quá trình truy tố.

Mặc dù cả Elizebeth và chồng đều làm công việc giải mã bí mật thời chiến, nhưng ông William được công chúng ghi nhận nhiều hơn, một phần là vì ông đã làm chứng trong một cuộc điều tra để xem Mỹ có biết trước về vụ Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng hay không. 

Các học giả gần đây đã giúp bà Elizebeth được công nhận xứng đáng vì công lao phá mật mã trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Theo báo Tin tức