HTX chăn nuôi khôi phục sản xuất

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:24, 05/04/2021

Dịch Covid - 19 được kiểm soát cũng là thời điểm các HTX chăn nuôi trong tỉnh bắt tay vào việc tái sản xuất để chuẩn bị cho vụ tiếp theo. 


Tỷ lệ tái đàn của HTX Gà lai chọi ở xã Gia Lương đạt thấp, nhiều hộ bỏ nuôi gà

Dè dặt tái đàn

Trước đây, trang trại của ông Đặng Quốc Thai, HTX Gà lai chọi thương phẩm xã Gia Lương (Gia Lộc) thường xuyên nuôi gần 10.000 con gà thịt/vụ. Tuy nhiên, sau đợt dịch này ông mua thêm 2.000 con gà, cùng với 5.000 con gà từ vụ trước, tổng đàn giảm 30% so với vụ trước. Ông Thai cho biết: "Gà lai chọi của HTX có tiếng trên thị trường nên tiêu thụ thuận lợi, giá cao. Nhưng do dịch bệnh nên các hộ vẫn lỗ nặng. Hiện nhiều hộ đã bỏ nuôi gà, chuyển sang làm nghề khác". 

Trước đó, dịch Covid -19 bùng phát đã làm phần lớn gà vụ Tết và sau Tết của HTX rơi vào tình trạng ế ẩm. Nhờ sự kết nối, hỗ trợ của các ngành, đoàn thể hơn 100 tấn gà lai chọi đã được tiêu thụ hết với giá 55.000 đồng/kg. Hiện giá gà đã tăng lên 65.000 - 68.000 đồng/kg. Tuy nhiên, với giá bán này người nuôi chỉ hòa vốn do thời gian nuôi kéo dài tới 6 tháng/vụ, chi phí giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng tăng mạnh so với trước.

Lượng lớn cá lồng bị tồn đọng cũng đã được tiêu thụ, ông Đào Văn Phúc ở HTX Cá lồng Kim Lai (TP Hải Dương) nhanh chóng nhập 1 vạn con cá lăng và chép giống để nuôi gối cho vụ tới. Thời điểm này, giá cá giống đã giảm 1/3 so với trước, đây cũng là lợi thế cho các hộ nuôi cá khi tái đàn vào thời điểm này. Theo ông Phúc, việc tiêu thụ cá lồng dù chậm nhưng giá vẫn ổn định. Những hộ bán hết cá, có vốn vẫn tái đàn. Nhưng số lượng hộ tái vụ ít, số lồng cá nuôi cũng giảm một nửa so với trước dịch.

Do không thể dự báo được tình hình dịch bệnh nên hầu hết các HTX đều lúng túng xác định quy mô chăn nuôi thời gian tiếp theo. Hệ quả là các hộ chăn nuôi, thành viện của HTX đều dè dặt tái đàn, một số hộ bỏ trống chuồng trại, chuyển nghề để tránh rủi ro.


Chưa có thương hiệu nên cá lồng Kim Lai phải bán trôi nổi trên thị trường, giá bán thấp

​​​Sớm tổ chức lại sản xuất

Trong đợt dịch Covid - 19 vừa qua, nhờ sự kết nối, hỗ trợ của các ngành, đoàn thể, tổ chức, hàng hóa được đẩy mạnh tiêu thụ hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, khâu sản xuất ở các HTX bộc lộ nhiều hạn chế như không có thương hiệu, liên kết lỏng lẻo, chưa theo chuỗi... Hạn chế lớn nhất là một số HTX sản xuất ra sản phẩm có chất lượng nhưng chưa quan tâm xây dựng thương hiệu. Những sản phẩm này không thể vào được hệ thống siêu thị hay chuỗi cửa hàng tiện lợi mà phải tiêu thụ nhỏ lẻ trên thị trường.

Ông Đào Văn Phúc thừa nhận: "HTX đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tiêu thụ trong đợt dịch vừa qua do cá chưa có thương hiệu, giá bán thấp và không đủ điều kiện để đưa vào siêu thị lớn. Tới đây chúng tôi sẽ nghiên cứu để xây dựng mô hình nuôi VietGap và xây dựng thương hiệu HTX Cá lồng Kim Lai. Làm được như vậy, HTX mới có cơ hội tìm chỗ đứng trên thị trường".​​

Những năm gần đây, ngành chăn nuôi đã bị xáo trộn bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Trước đó, năm 2019 dịch tả lợn châu Phi đã làm phần lớn đàn lợn bị tiêu hủy. Để bù đắp lượng thực phẩm bị thiếu hụt, ngành chức năng và người chăn nuôi đẩy mạnh nuôi gia cầm và thủy sản. Khi dịch Covid-19 xảy ra đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn tới các cơ sở không bán được hàng, thậm chí giá bán thấp hơn giá thành. 

Để tránh tình trạng phải "giải cứu" nông sản, hàng hóa, các HTX cần đổi mới, sớm tổ chức lại sản xuất. Trong đó ưu tiên sản xuất sạch, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm. Tăng cường liên kết giữa các thành viên trong HTX. Ngành nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh cần hỗ trợ các HTX tổ chức lại sản xuất cho phù hợp tình hình mới.

TRẦN HIỀN