"Cứu" con bằng giáo dục gia đình

Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 17:24, 05/04/2021

Giáo dục nhà trường còn nhiều bất cập, bối cảnh xã hội còn quá nhiều phức tạp thì gia đình càng cần chủ động thể hiện vai trò giáo dục của mình để "cứu" trẻ.

ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương nhấn mạnh về vai trò của giáo dục gia đình tại lễ ra mắt The Edu House, Tổ hợp giáo dục dành cho gia đình và trẻ em tại TP Hồ Chí Minh ngày 4.4. 

Không chỉ có các lớp học đa dạng cho trẻ em, nơi đây sẽ thường xuyên tổ chức các buổi trò chuyện giáo dục hoàn toàn miễn phí để chia sẻ kiến thức nuôi dạy con dành cho phụ huynh.


Nhiều phụ huynh hoang mang trên hành trình giáo dục con trẻ 

Tại chương trình, rất nhiều ông bố bà mẹ không giấu được sự hoang mang, lo lắng trên hành trình dạy con. Từ chuyện học hành, tính cách, kết nối với bạn bè, thầy cô, trường lớp, bạo lực học đường... đều làm phụ huynh lo lắng, mất ăn mất ngủ. 

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ, hiện nay giáo dục nhà trường còn nhiều vấn đề, bối cảnh xã hội quá nhiều phức tạp. Trong bối cảnh đó, cha mẹ lại càng phải chủ động "cứu" lấy con bằng giáo dục gia đình, nếu không các em sẽ không biết trông cậy vào đâu. 

Theo bà Phương, nuôi dạy con cần 3 yếu tố: kiến thức, thời gian và tiền bạc. Vòng quay cơm áo gạo tiền quá nặng với nhiều gia đình hiện nay quá nặng, nhiều khi chỉ có ngày cuối tuần để tái tạo sức lao động, không còn sức để dành cho con. 

Nhưng nhiều gia đình, không thiếu thời gian, cũng không thiếu tiền bạc. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy, các quán nhậu lúc nào cũng đông nghịt người, trong khi nhậu rất mất thời gian, rất tốn tiền. 

Nhiều mẹ có thời gian, tiền bạc nhưng không có kiến thức, không có sự háo hức đi tìm tri thức. 

"Nhiều phụ huynh không nghĩ rằng, mình chính là nhà giáo dục lớn nhất của con mình, trước khi quăng con ra trường học, trường đời. Chúng ta thiếu việc xây dựng nền tảng giáo dục ngay trong gia đình", chuyên gia này nhấn mạnh. 

Giáo dục nhà trường, những giá trị từ xã hội có khi nằm ngoài khả năng thay đổi của mỗi người. Nhưng giáo dục gia đình nằm trong tay mỗi người chúng ta, mỗi bố, người mẹ. 

Như vấn nạn nhiều gia đình hiện nay rất lo lắng như tuổi teen tự vẫn, không phải là do cơ chế hay hệ thống giáo dục hay do ai. Mà nhiều nhà tâm lý chỉ ra, khi đó, các em không nhìn thấy quanh mình một điểm bấu víu nào. 

Vậy nên, theo bà Phương, ngay trong gia đình, bố mẹ hay ông bà, anh chị phải làm điểm tựa, là người con trẻ có thể trông cậy, đặt niềm tin. Có khi trên hành trình giáo dục, con trẻ chỉ cần một điểm tựa như vậy. 

Nhiều gia đình không hề lơ là việc dạy con nhưng khó khăn lớn nhất họ lại thiếu sự hỗ trợ từ cộng đồng. Ở nước ngoài các tổ chức dân sự giáo dục, bà mẹ trẻ em hoạt động rất mạnh tạo nên sự kết nối, hỗ trợ trong giáo dục.


Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương lo ngại chúng ta đang mất văn hóa đình làng tạo nên sự kết nối, lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Nhà giáo dục này cũng bày tỏ lo ngại, Việt Nam chúng ta có văn hóa đình làng, là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, kết nối cộng đồng nhưng đáng tiếc, khi kinh tế phát triển, không gian cộng đồng này lại bị mất đi. 

Hiện nay khu dân cư, cụm đô thị ở thành phố mọc lên rất nhiều nhưng gần như không có không gian sinh hoạt cộng đồng, không có nhà thiếu nhi, nhà văn hóa... 

"Quy hoạch một đô thị mới, liệu có ai nghĩ đến xây một cái "đình làng", một không gian cộng đồng để mọi người gắn kết, chia sẻ, để giải tỏa stress và để lan tỏa những giá trị chung, giữa các gia đình?", bà Uyên Phương đặt câu hỏi và băn khoăn, trẻ nhỏ, giáo dục gia đình đang bị bỏ rơi giữa các tiện ích, quán ăn, quán cà phê, giải trí... 

Tốc độ đô thị hóa đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam, chỉ tính riêng năm 2019, tỷ lệ đô thị hóa đã đạt kỷ lục tới 38,4%, tốc độ mở rộng của Hà Nội là 3,8% và TP Hồ Chí Minh là 4%...

Tại tọa đàm "Không gian sống trong đô thị hiện đại" diễn ra cách đây không lâu tại Hà Nội, đã đặt ra vấn đề quá trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra nhanh, khiến cho diện mạo đô thị trở nên lộn xộn, làm mất cân bằng hệ sinh thái môi trường, không gian kiến trúc, văn hóa lịch sử...

Nhiều đô thị thiếu công viên, vườn hoa, cây xanh, thiếu nơi sinh hoạt động đồng, giao lưu văn hóa... kéo theo môi trường sinh thái bị ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người bị tác động nghiêm trọng. 

Theo Dân trí