Khó sưu tầm tài liệu, hiện vật bảo tàng
Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 08:27, 08/04/2021
Hiện vật mộ thuyền bị mối mọt, xuống cấp do thiếu kho bảo quản và kinh phí
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác chuyên môn được đào tạo về chuyên ngành, biên chế cho Bảo tàng tỉnh ít. Nguồn kinh phí cấp hằng năm thấp; ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức tham gia sưu tầm, mua bán cổ vật nên công tác sưu tầm gặp nhiều khó khăn.
Giống như nhiều nơi, Hải Dương đang phải đối diện với vấn đề “chảy máu” ở các di sản. Biểu hiện rõ nhất là nạn mất cắp, thất thoát cổ vật. Tiêu biểu như vụ mất tượng Phật chùa Tam Tập, xã Tân Phong (Ninh Giang), mất đồ thờ tự ở đền Từ Hạ, xã Thanh Quang (Thanh Hà), mất tượng trên tòa cửu phẩm chùa Đồng Ngọ (xã Tiền Tiến, TP Hải Dương), mất tượng chùa Khánh Linh, xã Phượng Kỳ (Tứ Kỳ)... Tất cả các đồ thờ tự có giá trị trong di tích đều trở thành đích ngắm của những kẻ "đạo chích".
Bên cạnh đó, những di vật phát hiện trong lòng đất và dưới nước trong quá trình lao động, sản xuất cũng được các nhà buôn bán cổ vật trong tỉnh săn lùng ráo riết. Từ thực trạng trên, đang đặt ra đối với các cơ quan quản lý về việc lập “hàng rào” bảo vệ hiệu quả.
Để góp phần ngăn chặn kịp thời nạn “chảy máu” cổ vật, tài liệu hiện vật (TLHV) quý và nâng cao hiệu quả công tác sưu tầm, thời gian tới cần quan tâm thực hiện một số giải pháp. Đó là tổ chức, xây dựng mạng lưới cộng tác viên (CTV) là cán bộ làm lĩnh vực văn hóa và di sản tại các xã, phường, huyện, thành phố, cán bộ ban quản lý các di tích và danh lam thắng cảnh. Họ là những người được đào tạo cơ bản, có bằng cấp chuyên môn, am hiểu phần nào về hoạt động bảo tàng và di sản văn hóa. Không chỉ làm CTV sưu tầm TLHV cho bảo tàng theo chuyên đề hay đề án sưu tầm nào đó mà họ còn là những người tham gia trực tiếp trong bảo vệ di tích, di vật, cổ vật tại địa điểm được giao phụ trách, nhằm góp phần ngăn chặn kẻ gian trộm cắp di vật, cổ vật tại di tích. CTV là người tại các địa phương nên họ am hiểu về lịch sử, văn hóa… tại quê hương nơi mình sinh ra và thông thuộc địa giới hành chính, nắm bắt thông tin trong dân rất nhanh, đặc biệt là những phát hiện khảo cổ học trong quá trình lao động, canh tác...
Nhiều hiện vật phải để tạm trong phòng làm việc
Với những hiện vật có giá trị về lịch sử, khoa học, mỹ thuật... đặc biệt là giá trị kinh tế, Bảo tàng tỉnh chưa có điều kiện mua bán/trao đổi được do kinh phí hằng năm dành cho sưu tầm rất ít (80 triệu đồng/năm). Bảo tàng cần vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà sưu tập cổ vật hiến tặng hiện vật để phần nào giảm chi phí. Tiến hành khai quật khảo cổ học để đưa TLHV về kho bảo tàng. Có sự nghiên cứu, trao đổi TLHV giữa bảo tàng các tỉnh phù hợp với nội dung và chuyên đề mà đơn vị còn thiếu. Vận động xã hội hóa từ các "Mạnh Thường Quân", các tổ chức, cá nhân về đầu tư, cung cấp vật chất, kinh phí phục vụ công tác sưu tầm TLHV hoặc trao tặng hiện vật cho bảo tàng.
Hiện tại các phòng và kho lưu trữ của Bảo tàng tỉnh do chuyển đổi mà có, chật hẹp, chưa có công năng của nhà bảo tàng. Để phát triển Bảo tàng và mở rộng các chương trình trải nghiệm phục vụ khách tham quan và học sinh cần lập đề án phát triển Bảo tàng tỉnh Hải Dương...
HOÀNG THỊ HƯƠNG
Bảo tàng tỉnh Hải Dương