Bước đột phá trong y tế về đặt lịch khám bệnh và ''hội chẩn ảo''
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 15:19, 09/04/2021
Các chuyên gia tại đầu cầu Bạch Mai trực tiếp "đi buồng ảo" thông qua hệ thống Tele-ICU
Việc đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến với nhiều tiện ích cho người dân, nhân viên y tế, các bệnh viện cần phải làm ngay, đặc biệt là tiến tới sử dụng chung một hồ sơ sức khỏe không để tình trạng "trăm hoa đua nở" như hiện nay khiến dữ liệu y tế không thể liên thông và đồng bộ được. Đây là quy định khó nhưng với ứng dụng công nghệ thông tin, ngành y tế cần biện pháp mạnh và quyết liệt mới giải quyết triệt để tình trạng trên.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Hội nghị chuẩn bị triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến diễn ra sáng 9/4/2021, tại Hà Nội.
Sẽ có một bệnh án dùng chung
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thực tế hiện nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã quản lý được toàn bộ thông tin của người dân đi khám, điều trị trên toàn quốc thông qua sổ bảo hiểm y tế và mã số bảo hiểm xã hội. Mỗi người dân có thể tải sổ sức khoẻ điện tử về điện thoại của mình để theo dõi thông tin sức khoẻ. Điều đáng nói, những thông tin trên hồ sơ sức khoẻ này đang dừng ở dạng "tĩnh" (tức là chưa khai thác, liên thông được).
Vì thế, hồ sơ sức khỏe điện tử này cần được đẩy mạnh các ứng dụng để phải gắn với 42 mẫu bệnh án điều trị ở nhiều chuyên khoa. Hệ thống hồ sơ sức khỏe và hệ thống đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến này cần kết nối với các dịch vụ y tế khác khác (nội trú, tiêm chủng mở rộng…). Đặc biệt tới đây, việc quản lý người đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng phải kết nối và được "điện tử hoá" đồng thời liên thông với hồ sơ sức khoẻ của người dân, nhằm quản lý sức khoẻ suốt đời.
Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu cần nâng cấp hệ thống này để người dân chỉ cần nhập số sổ bảo hiểm y tế vào hệ thống đặt lịch, lập tức hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý số bảo hiểm y tế đó nhằm đảm bảo khi đến cơ sở này, bệnh nhân sẽ biết được mấy giờ sẽ có mặt tại cơ sở đó, khám bác sỹ nào, phòng bệnh nào…
Yêu cầu thứ 2 là chỉ có 1 cổng cho toàn bộ người dân (hệ thống toàn tuyến), giải quyết tình trạng như hiện nay là hệ thống bệnh viện nào chỉ dùng được trong bệnh viện đó. Theo đó, khi bệnh nhân đến viện, bác sỹ chỉ cần mở phần mềm quản lý hồ sơ sức khoẻ điện tử và phần mềm quản lý bệnh viện ra thì tất cả hồ sơ sức khoẻ bệnh nhân (đăng ký đó) đã có trong phần mềm này, bao gồm lịch sử khám chữa bệnh, thậm chí kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, đơn thuốc đã có trước đó). Qua phần mềm này, bác sỹ sẽ biết lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân tại tất cả cơ sở y tế đã từng khám, điều trị.
Mục tiêu lớn nhất của hồ sơ sức khoẻ này là "một bệnh án dùng chung" cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh mọi tuyến. Khi bệnh nhân chọn chuyển tuyến, bác sỹ khám tại các tuyến khác đều nhận được thông tin chuyển tuyến này, bảo đảm không ngắt quãng và liên thông dữ liệu về thông tin sức khoẻ người bệnh sau mỗi lần khám, điều trị, những nội dung cần lưu ý, chống chỉ định… trong đơn thuốc.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý với những cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến, Bộ Y tế sẽ phối hợp để kết nối liên thông, tích hợp với hệ thống mới đang xây dựng. Hệ thống mới đang xây dựng này được cung cấp miễn phí cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Tất cả dữ liệu do Bộ Y tế quản ý.
Người đứng đầu Bộ Y tế cho hay: "Bộ Y tế đã thống nhất với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam từ 1.7 năm nay, khám chữa bệnh ngoại trú phải triển khai hệ thống này để được thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Điều này có nghĩa là, nếu các cơ sở khám, chữa bệnh không triển khai thực hiện hệ thống mới này sẽ không được thanh toán chi phí dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoại trú”.
Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh "quy định hơi mạnh" nhưng "với ứng dụng công nghệ thông tin, ngành y tế phải có biện pháp mạnh và quyết liệt mới triệt để được." Nếu tiếp tục để tình trạng "trăm hoa đua nở" như hiện nay thì dữ liệu y tế không thể liên thông và đồng bộ được.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó giáo sư Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết tại bệnh viện trước 5 giờ sáng hàng ngày, thường xuyên có khoảng 70 bệnh nhân chờ thẩm định bảo hiểm y tế. Bệnh viện cũng phải bố trí từ 6-8 nhân viên thực hiện công tác này. Nếu hệ thống mới được triển khai, vừa giải quyết tình trạng "cò bệnh viện," bớt thủ tục hành chính thủ công.
Bước tiến với “đi buồng điện tử”
Trong công tác ứng ụng công nghệ số vào khám chữa bệnh, nhiều bệnh viện tuyến trung ương đang triển khai nhiều mô hình giúp giảm tải cho tuyến trên và nâng cao chất lượng cho tuyến dưới.
Điển hình như tại Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai) vừa triển khai hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa chuyên sâu dành cho hồi sức cấp cứu (TeleICU) do VMED Group xây dựng chính thức được khởi động, kết nối thí điểm với Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái và Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ).
Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ việc đưa hệ thống Tele-ICU vào vận hành thử nghiệm là một bước tiến quan trọng trong tiến trình số hóa của Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh nhân tại 2 bệnh viện tuyến dưới sẽ được “chuyển tuyến ảo” để các bác sỹ, chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Bạch Mai thăm khám, tư vấn điều trị hàng ngày qua các phiên “đi buồng điện tử”.
Trên hệ thống Tele-ICU, theo thời gian thực, toàn bộ hồ sơ tóm tắt bệnh án, các chỉ số của máy móc y tế và hình ảnh thực tế của người bệnh từ tuyến dưới đều được truyền tải trực tiếp, chi tiết và liên tục qua các thiết bị chuyên dụng về trung tâm chỉ huy (Command Center) đặt tại Bệnh viện Bạch Mai.
Với mỗi giường bệnh, sau khi bác sỹ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái và Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) báo cáo tình trạng bệnh nhân, diễn tiến, phác đồ điều trị hiện tại… các bác sỹ, chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cho ý kiến nhận xét, tư vấn tiên lượng và hướng điều trị bổ sung.
Đặc biệt, những nội dung thực hiện trong quá trình “đi buồng điện tử” đều được cập nhật đồng bộ vào hồ sơ tóm tắt bệnh án trên nền tảng Tele-ICU của VMED để các bác sỹ ở các ca trực tiếp theo có thể nắm bắt và tiếp tục điều trị cho bệnh nhân. Điều này giúp cho quá trình điều trị bệnh nhân được liên tục, đảm bảo tính thống nhất đồng thời cũng là cơ sở dữ liệu cho những nghiên cứu y khoa chuyên sâu.
Đại diện cho bệnh viên tuyến dưới - đơn vị trực tiếp thụ hưởng lợi ích từ hệ thống Tele-ICU, bác sỹ Trần Lan Anh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết việc ứng dụng hệ thống Tele-ICU thí điểm trong 3 tháng sắp tới chính là biện pháp giúp bệnh viện rút ngắn cả thời gian và không gian để cứu chữa bệnh nhân nhanh chóng, kịp thời. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng với sự hỗ trợ từ Bệnh viện Bạch Mai và đơn vị đồng hành, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái chắc chắn sẽ thu được nhiều thành quả.
Bên cạnh việc kết nối Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, hệ thống Tele-ICU đã và đang được triển khai kết nối và bước đầu ghi nhận hiệu quả tích cực tại nhiều đơn vị y tế lớn nhỏ trên toàn quốc như: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội-Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1-Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Sóc Trăng…
Đơn cử như vào tháng 7.2020, một bệnh nhân bị thủng dạ dày tại Côn Đảo đã được cứu sống nhờ hệ thống Tele-ICU kết nối giữa Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo và Bệnh viện Bà Rịa-Vũng Tàu. Các chuyên gia tại Bệnh viện Bà Rịa-Vũng Tàu với đầy đủ thông tin dữ liệu lâm sàng của bệnh nhân từ máy thở, monitor, bệnh án điện tử… đã nhanh chóng đưa ra phác đồ điều trị, hướng dẫn các bác sỹ tại Côn Đảo kịp thời tận dụng tốt “thời điểm vàng” để cứu người bệnh qua cơn nguy kịch.
Theo Vietnam+