Xóa trọng điểm phòng chống lụt bão

Môi trường - Ngày đăng : 20:07, 09/04/2021

Nhiều sự cố đê điều, trọng điểm phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh đã và đang được gấp rút thi công, xử lý nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế những rủi ro trong mùa mưa bão năm nay.


Đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện xử lý sự cố đê hữu sông Rạng đoạn qua xã Thanh Lang (Thanh Hà)

Xử lý khẩn cấp

Từ nhiều năm nay, tuyến đê hữu sông Rạng đoạn qua xã Thanh Lang (Thanh Hà) thường xuyên xảy ra các sự cố. Mùa mưa bão năm 2019, khu vực này có 3 điểm sạt lở, các vị trí sạt nằm gần nhau với tổng chiều dài hơn 200 m. Đây là khu vực có địa chất phức tạp, nhiều bùn cát, nền yếu kết hợp với dòng chảy tác động trực tiếp vào bãi sông. Khu vực này đã từng xảy ra sự cố nứt đê từ những năm trước, nay do địa hình bất lợi, mất ổn định nên tiếp tục bị sạt lở mạnh. Các sự cố sạt nằm cách chân đê, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuyến đê.

Để bảo đảm an toàn tuyến đê này, trong năm 2020, tỉnh đã đầu tư xây dựng kè lát đá hộ bờ, thả đá hộc hộ chân ở 2 vị trí bờ lở Thanh Lang đoạn từ K9+320 - K9+710 và đoạn K12+767 - K12+913. Chi cục Thủy lợi tỉnh đang tiếp tục đầu tư tuyến kè thứ 3 ở vị trí K10+100 - K10+340 với tổng chiều dài 230m. Đơn vị thi công đang đào khuôn cơ trên, bạt sơ bộ mái và thả đá rối tạo mái dưới lòng sông. Tuyến kè được gấp rút thi công trong vòng 60 ngày. Dự kiến công trình hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay. 

Dưới tác động của dòng chảy cùng nền địa chất yếu đã làm kè An Điền thuộc tuyến đê hữu Lai Vu đoạn xã Cộng Hòa (Nam Sách) xảy ra sự cố. Đây là một trong những trọng điểm được lên phương án bảo vệ trong mùa mưa bão năm 2020. Xác định đây là trọng điểm quan trọng, Chi cục Thủy lợi đã trình UBND tỉnh cho phép xử lý khẩn cấp bằng giải pháp công trình. Vị trí tuyến kè đang được xử lý từ K19+000 - K19+150 với tổng chiều dài 150 m. Trước đó, trong năm 2020 UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng và hoàn thiện kè lát mái hộ bờ, thả đá hộc hộ chân ở vị trí từ K19+360 - K19+540 kè Hùng Thắng thuộc tuyến đê tả Thái Bình, đoạn qua xã Minh Tân.

Trong năm 2020, UBND tỉnh đã đầu tư 30 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để xử lý 5 sự cố đê điều. Đó là sạt lở hạ lưu kè Hùng Thắng từ K19+360-K19+540 thuộc đê tả Thái Bình đoạn qua xã Minh Tân (Nam Sách), bờ lở Thái Thịnh, kè Thất Hùng thuộc đê hữu sông Kinh Môn, bờ lở Lộ Xá thuộc đê tả sông Kinh Môn đoạn qua xã Thăng Long (cùng thị xã Kinh Môn) và điểm sạt lở bãi sông phía hạ lưu kè Ngọc Điểm tuyến đê tả sông Thái Bình thuộc xã Trường Thành (Thanh Hà). Nhờ được quan tâm đầu tư, đã có 8 trong tổng số 26 trọng điểm phòng chống lụt bão năm 2020 được xóa bỏ, bảo đảm an toàn công trình đê điều.

Tiếp tục đầu tư

Chi cục Thủy lợi tỉnh đang tiếp tục đầu tư xử lý khẩn cấp 6 công trình đê điều gồm 2 sự cố tại huyện Nam Sách là sạt lở bãi sông hạ lưu kè Minh Tân đê tả Thái Bình và kè An Điền đê hữu Lai Vu; kè Hiệp Lực đê tả sông Luộc (Ninh Giang), bãi sông đê tả sông Kinh Môn (Kinh Môn); đê hữu sông Rạng (Thanh Hà) và bãi sông đê hữu sông Thái Bình thuộc xã An Thanh (Tứ Kỳ). Các công trình này có tổng kinh phí hơn 17,1 tỷ đồng, trích từ Quỹ Phòng chống thiên tai của tỉnh. Dự kiến, các sự cố này được hoàn thiện trước mùa mưa bão năm 2021.

Theo ông Đỗ Tiến Bậc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, hệ thống đê điều của tỉnh khá lớn gồm 19 tuyến đê với tổng chiều dài hơn 373 km, trong đó đê từ cấp III trở lên dài gần 256 km và hơn 117 km đê dưới cấp III. Một số khu vực hạ lưu mặt đê nhỏ và cao trình thấp hơn mực nước thiết kế. Nhiều đoạn chân đê phía sông, phía đồng là đầm, ao sâu, ruộng trũng chưa có điều kiện lấp và nhiều đoạn đê thiếu cơ hoặc có cơ nhưng còn thấp bé; địa chất nền đê xấu, thân đê còn nhiều ẩn họa...

Để bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão năm nay và những năm sau, Hạt Quản lý đê các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thiện rà soát, đánh giá chất lượng công trình đê điều, kè, cống, có phương án bảo vệ trọng điểm. Với các điểm sạt lở, chi cục tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí để xử lý sự cố. Tuy nhiên, để giảm rủi ro do thiên tai gây ra, các địa phương cần thực hiện nguyên tắc "phòng tại chỗ", trong đó chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện và con người theo phương châm "4 tại chỗ".

TRẦN HIỀN