Gỡ nút thắt trong xử lý rác thải sinh hoạt
Môi trường - Ngày đăng : 09:14, 11/04/2021
Nâng mức hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Hoạt động xử lý rác tại nhà máy của Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc
Tăng mức hỗ trợ
Trong tỉnh hiện có 3 nhà máy xử lý rác thải tập trung bằng công nghệ lò đốt ở xã Việt Hồng (Thanh Hà) và thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) của các Công ty CP: Quản lý công trình đô thị Hải Dương, Môi trường APT - Seraphin, Môi trường xanh Minh Phúc. Từ tháng 9.2016, các DN này đã được tỉnh hỗ trợ kinh phí xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt với mức 352.000 đồng/tấn. Dù vậy, các DN vẫn gặp nhiều khó khăn, thường xuyên phải bù lỗ. Để đẩy nhanh tiến độ xử lý rác thải và bảo đảm cho các DN này hoạt động ổn định, UBND tỉnh đã quyết định tăng mức hỗ trợ xử lý CTR sinh hoạt bằng phương pháp lò đốt. Từ ngày 5.2.2021, Công ty CP Môi trường APT - Seraphin được hỗ trợ 453.000 đồng/tấn, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương 447.000 đồng/tấn và Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc 470.000 đồng/tấn.
Với 3 lò đốt tại xã Việt Hồng (Thanh Hà), mỗi ngày Công ty CP Môi trường APT - Seraphin xử lý gần 200 tấn CTR sinh hoạt. Nhiều năm nay, do thu nhập thấp nên nhiều lao động nghỉ việc. Mỗi năm, công ty phải tuyển khoảng 15% số lao động mới để thay thế lực lượng thiếu hụt. Việc tăng mức hỗ trợ như hiện nay có ý nghĩa quan trọng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình xử lý CTR sinh hoạt. "Từ năm 2012 - 2017, công ty đã phải bù lỗ khoảng 50 tỷ đồng cho hoạt động xử lý CTR sinh hoạt. Được hỗ trợ, thời gian tới, công ty sẽ tập trung nguồn lực để nâng công suất xử lý rác từ 200 tấn/ngày đêm lên 550 tấn/ngày đêm; cải tiến công nghệ, thiết bị và nhà xưởng", ông Bùi Quang Bồng, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường APT - Seraphin chia sẻ.
Theo bà Vũ Thị Kim Liên, Trưởng Phòng Môi trường của Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc, những năm qua, mỗi năm công ty phải bù lỗ khoảng 5 tỷ đồng cho việc xử lý CTR sinh hoạt. Nguồn kinh phí bù lỗ được lấy từ hoạt động xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại. Ngay từ đầu, DN xác định việc xử lý CTR sinh hoạt là hoạt động hỗ trợ địa phương chứ không trông chờ có lãi. "Tăng mức hỗ trợ như hiện nay sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN. Để đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải trong thời gian tới, công ty đang đề xuất mở rộng diện tích nhà máy lên gần gấp đôi so với hiện nay, nâng công suất xử lý CTR lên 90 tấn/ngày, trong đó CTR sinh hoạt là 50 tấn/ngày", bà Liên cho biết.
Giải pháp bền vững
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2019, trung bình mỗi ngày trong tỉnh phát sinh khoảng 1.227 tấn CTR sinh hoạt. Riêng TP Hải Dương, mỗi ngày phát sinh khoảng 209 tấn. Năm 2019 tổng khối lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh tăng khoảng 36,3% so với năm 2014. Tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt của TP Hải Dương đạt 95%, TP Chí Linh 88%, tại các khu vực đô thị khác từ 80 - 85%. Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ thu gom đạt từ 78 - 85%. So với định hướng quy hoạch tỉnh về quản lý CTR thì một số địa phương có tỷ lệ thu gom chưa đạt định mức đề ra.
Theo số liệu của Cục Thống kê, dân số của tỉnh năm 2020 trên 1,9 triệu người. Dự báo đến năm 2025 là hơn 2 triệu người. Căn cứ hệ số phát sinh CTR sinh hoạt thì năm 2020 tổng lượng CTR sinh hoạt phát sinh trong tỉnh khoảng 1.273 tấn/ngày và đến năm 2025 sẽ tăng lên 1.387 tấn/ngày. Với khối lượng rác lớn như vậy sẽ tạo áp lực cho việc thu gom, xử lý. Việc thu gom, xử lý CTR sinh hoạt chủ yếu vẫn là đốt và chôn lấp. Khối lượng CTR sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp đốt triệt để chiếm hơn 23% tổng lượng rác thải phát sinh. Toàn tỉnh hiện có 756 bãi chôn lấp rác thải, trong đó 201 bãi chôn lấp hợp vệ sinh được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng. Nhiều bãi rác chôn lấp đã đầy phải đóng cửa và tiềm ẩn nguy cơ trở thành điểm gây ô nhiễm môi trường.
Để thu gom, xử lý CTR sinh hoạt triệt để và hiệu quả cần có những giải pháp lâu dài, bền vững. Các địa phương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, bổ sung địa điểm phù hợp xây dựng nhà máy xử lý rác thải tập trung. Các ngành chức năng sớm tham mưu cho tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xử lý chất thải. Các DN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, hiện đại. Nên xem xét, thí điểm giải pháp phân loại và xử lý rác thải tại nguồn; tái chế, xử lý CTR kết hợp với thu hồi năng lượng nhằm tiết kiệm tài nguyên, hạn chế gây ô nhiễm môi trường.
PHAN ANH