Giấc ngủ quan trọng thế nào với làn da?

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:41, 11/04/2021

Nhiều người đã phải tốn không ít thời gian, công sức và tiền bạc để bảo tồn, giữ gìn, chăm sóc làn da. Tuy nhiên, có một phương pháp dưỡng da quan trọng, ít tốn kém mà không mấy người chú ý đến, đó là: Giấc ngủ.

Khi ngủ đủ, sâu giấc

Ngủ là thời gian để cơ thể nghỉ ngơi và tự sửa chữa. Trong khi ngủ, lưu lượng máu trên da tăng lên, giúp tái tạo collagen và sửa chữa các tổn thương do tiếp xúc với tia cực tím, làm giảm nếp nhăn và đốm thâm. Tăng sửa chữa tế bào trong khi ngủ

Da của chúng ta làm việc chăm chỉ trong ngày để bảo vệ chống lại các tác nhân bên ngoài, vi khuẩn và độc tố xâm nhập vào cơ thể. Vào ban đêm, da chuyển từ chế độ phòng thủ sang thời điểm tái tạo mạnh mẽ, lúc này da bắt đầu tự sửa chữa ở cấp độ tế bào, thực chất là tạo ra các tế bào da mới, tươi trẻ.

Việc sản xuất các tế bào mới bắt đầu ở lớp sâu nhất đi đến lớp ngoài cùng của da - lớp biểu bì. Các tế bào cũ trên lớp biểu bì bị rụng đi và được thay thế bằng các tế bào mới.

Ngoài quá trình thay đổi tế bào diễn ra vào ban ngày, các tế bào da tái tạo nhanh hơn vào ban đêm và quá trình này đạt đỉnh điểm vào khoảng 11 giờ đêm đến 4 giờ sáng.

Quá trình tái tạo tế bào diễn ra dù bạn đang ngủ hay không, nhưng thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến làn da của bạn trong suốt quá trình này vì nó ức chế quá trình sửa chữa tế bào diễn ra ở mức tối ưu.

Melatonin được tạo ra trong khi ngủ và quá trình lão hóa da cũng có mối liên hệ với nhau. Melatonin, hormone giấc ngủ, giúp chống lại sự tổn hại của làn da trong ngày do các tác nhân gây căng thẳng bên ngoài như tia UV và ô nhiễm.

Thúc đẩy sản xuất collagen và hormone tăng trưởng

Không chỉ số lượng (số giờ ngủ), mà chất lượng ngủ mỗi đêm cũng ảnh hưởng lớn đến làn da của bạn. Một giấc ngủ 8 tiếng mơ màng sẽ không mang lại lợi ích tương tự như 8 tiếng ngủ thẳng giấc và sâu.

Trong khi ngủ sâu, cơ thể chúng ta sản xuất ra hormone tăng trưởng. Hormone này rất quan trọng, đặc biệt ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, giúp kích thích sự phát triển, sinh sản tế bào và tái tạo tế bào.

Hormone này còn kích thích sự tổng hợp collagen, do đó, chất lượng giấc ngủ kém sẽ ức chế sự sản xuất hormone tăng trưởng mới, việc sản xuất collagen cũng bị giảm đi. Điều này dẫn đến da mất đi độ săn chắc và hình thành các nếp nhăn.

Giấc ngủ quan trọng thế nào với làn da?
Thiếu ngủ làm tăng hormone cortisol khiến da nổi mụn.

Khi thiếu ngủ

Gây quầng thâm và bọng mắt

Quầng thâm mắt là một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất cho thấy việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến làn da của bạn như thế nào. Khi bạn không có đủ giấc ngủ sâu và phục hồi, mạch máu của bạn sẽ giãn ra.

Vùng da dưới mắt mỏng hơn bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể. Do đó những mạch máu bị giãn ra và màu sẫm sẽ hiện rõ hơn qua lớp da mỏng ở vùng dưới mắt.

Ngủ không đủ giấc cũng có thể gây tích nước trên mặt - thủ phạm khiến đôi mắt sưng húp và mệt mỏi.  

Tăng hormone căng thẳng cortisol

Thiếu ngủ khiến mức cortisol - hormone căng thẳng - tăng lên. Cortisol dư thừa sẽ thúc đẩy da sản xuất nhiều bã nhờn, có thể gây viêm, dẫn đến một loạt các vấn đề về da, từ ngứa, mẩn đỏ đến các tình trạng mạn tính như chàm và bệnh vẩy nến.

Ảnh hưởng đến mức độ hydrat hóa của da

Hydrat hóa (cấp nước) là chìa khóa cho làn da khỏe mạnh và mức độ hydrat hóa của cơ thể bị ảnh hưởng bởi thời lượng ngủ. Một nghiên cứu gần đây về mối liên hệ giữa giấc ngủ và hydrat hóa cho thấy những người thường xuyên ngủ từ 6 tiếng trở xuống mỗi đêm có nguy cơ bị mất nước cao hơn 16 - 59% so với những người ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm.

Khi da bị mất nước, bạn sẽ dễ mắc các vấn đề về da như khô da, chàm, vẩy nến, sạm màu, thậm chí là xuất hiện nếp nhăn sớm. Cơ thể của bạn cũng sẽ gặp khó khăn để loại bỏ độc tố khi bị mất nước, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe làn da.

Giấc ngủ quan trọng thế nào với làn da?
Giấc ngủ đủ, sâu sẽ giúp thúc đẩy sản xuất collagen


Làm sao để có giấc ngủ ngon?

Để có giấc ngủ ngon, cần thực hiện:

Chú ý ánh sáng và nhiệt độ phòng thích hợp. Một căn phòng đủ tối, thoáng mát sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn.

Để mắt nghỉ ngơi, thư giãn, không dùng thiết bị điện tử (điện thoại, máy tính, tivi) 30 phút trước khi ngủ

Cố gắng duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm mỗi ngày, dù là giữa tuần hay cuối tuần. Thói quen này sẽ giúp ổn định đồng hồ sinh học của bạn.

Tránh dùng đồ uống có cồn (rượu, bia) trước khi đi ngủ vì bạn sẽ bị thức giấc nhiều lần trong đêm (đôi khi không tự nhận ra được), và rượu/bia chỉ "hạ gục" bạn chứ không mang lại giấc ngủ tự nhiên.

Tránh dùng thức uống chứa caffein (cà phê, trà) từ sau 3 giờ chiều.

Nếu không ngủ được, không nên nằm trên giường quá 20 phút. Lúc đó, bạn có thể ra khỏi giường và làm gì đó nhẹ nhàng trong ánh sáng êm dịu như nghe nhạc, tập hít thở, thiền, hoặc viết ra những suy nghĩ miên man trong đầu (thậm chí có thể viết nguệch ngoạc trong bóng tối và bạn không cần đọc lại).

Theo Sức khỏe và Đời sống