Người yêu bao dung
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 13:53, 11/04/2021
Nhà thơ Lệ Thu quê ở Bình Định. Bà từng là đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Định... Thơ của bà tinh tế, giàu tâm trạng, cảm xúc, dễ đi vào lòng người. Bài thơ Ngang trái là một bài như thế. Mở đầu, kết thúc là hai khổ thơ ngũ ngôn trùng lặp cú pháp như bắt đầu và kết thúc một cuộc tình ngang trái. Bốn cặp lục bát ở giữa bài thơ cụ thể hóa tâm trạng tác giả và giải thích rõ hơn điều ngang trái ấy. Không biết cuộc tình trớ trêu ấy có khép lại được không? Chỉ biết rằng người thơ đã hơn một lần muốn dứt khoát, đoạn tuyệt với nó, bởi bà ý thức được “Đời chỉ là bão giông”.
Như tiêu đề đã hé lộ bài thơ nói về một cuộc tình ngang trái mà bất cứ ai cũng có thể vấp phải trên đường đời. Còn với Lệ Thu, một con người đa cảm, nỗi đời thì đó là điều phải đối mặt: “Thôi anh đừng nói nữa/Lòng em thành cơn mưa/Đừng nhìn em như thế/Dẫu sao em cũng thừa”.
Khổ thơ mở đầu đọc lên nghe thật xa xót và… tội nghiệp. Lời thơ nửa như van vỉ, nửa như trách cứ. Ấy vậy mà, anh không biết điểm dừng, cử chỉ và lời nói của anh như xát muối lòng em vậy. Anh muốn giải thích, thanh minh cho sự phản bội của mình chăng? Ở đây, người thơ đã ý thức đúng tình cảnh hiện tại của mình bằng một câu thơ chua chát: “Dẫu sao em cũng thừa”. Dường như sợ anh không hiểu hoặc sợ anh hiểu lầm nên nhân vật trữ tình giải thích cụ thể điều mình cảm nhận bằng khái niệm thừa và thiếu: “Thừa em ở phía đời anh/Thiếu em ở phía đời dành cho em”. Cách giải thích này cho ta hiểu thêm về cái điều ngang trái trong tình yêu. Thế rồi, trái tim nhân hậu của người phụ nữ trong em không an phận, không chịu ngủ yên. Em ước điều tốt đẹp cho cả hai phía: “Ước gì mình được hóa thêm/ Hai người nữa để ấm êm hai nhà”. Và quan trọng hơn: “Để ta được sống là ta/Để tình yêu được nở hoa đúng mùa/Để đừng ai được ai thua/Hờn ghen muôn thuở, dấm chua rượu nồng”.
Sống một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc là mong ước lớn nhất của người phụ nữ. Từ “để” lặp lại ba lần, giải thích rõ hơn mục đích và đó cũng là mong muốn lớn nhất của em. Ai cũng hiểu trong tình yêu, không có thắng thua nhưng mong được sống là chính mình thật chẳng dễ chút nào. Đối với phụ nữ, khi yêu họ dâng hiến hết mình và cũng vì thế nhiều khi họ phải trả giá cho sự dâng hiến ấy. Mặc dù vậy, em vẫn không thôi ao ước. Ao ước của em, cho ta hiểu em là một người phụ nữ nhân hậu, bao dung, luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho mỗi cuộc đời, mỗi gia đình. Khổ thơ là viễn cảnh đẹp cho một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Nhưng tiếc thay cuộc sống ấy giờ đây chỉ còn là mong ước của em thôi.
Khổ thơ cuối lặp lại cú pháp khổ thơ đầu: “Thôi anh đừng nói nữa/Trời đã vào mùa đông/Đừng nhìn em như thế/Đời chỉ là bão giông”. Câu thơ: “Thôi anh đừng nói nữa” và “Đừng nhìn em như thế”, một lần nữa được nhắc lại để cụ thể hơn tình cảnh của em, xoáy vào những rào cản, thách thức mà em khó có thể vượt qua. Đó là mùa đông và bão giông. Nói đến mùa đông là nói đến sự lạnh lẽo, cô đơn, giá buốt. Mùa đông là mùa cuối cùng của năm, mang theo sự rét mướt, lụi tàn… Ở đây, người thơ đã ý thức được sự thật khắc nghiệt của cuộc đời: “Đời chỉ là bão giông” và anh chính là một yếu nhân tạo nên giông bão.
Ngang trái là bài thơ có cấu tứ lạ, giọng điệu chân thành, lời thơ giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người nên tạo được sự đồng cảm. Đánh giá về nghệ thuật thơ Lệ Thu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thế Hà viết: “Thơ Lệ Thu có nhiều khoảng lặng, khoảng trống sau văn bản, ngoài câu chữ. Chị không chủ trương chạy theo mốt, làm dáng và lai căng, đánh mất bản ngã thơ của mình. Vốn sống, vốn học vấn và vốn tri thức nghệ thuật đã giúp chị bền bỉ với thi ca mà không sợ đuối sức và không lặp lại chính mình”.
Bài thơ Ngang trái đã phần nào cho ta hiểu thêm về nghệ thuật thơ Lệ Thu.
TỊNH BÌNH
Ngang trái LỆ THU |