Trồng cây thuốc trên đất đồi rừng Chí Linh
Kinh tế - Ngày đăng : 20:38, 12/04/2021
Thu hái hoa kim ngân ở thôn Đá Bạc (xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh)
Hiệu quả bước đầu
Trước đây, các sườn đồi ở Chí Linh chỉ trồng cây keo, cây bạch đàn, cây ăn quả. Khoảng 7-8 năm gần đây một số người dân đã chuyển dần sang trồng một số cây thuốc như kim ngân hoa, găng gai, cà gai leo, sâm nam, núc nác, chè dung, đinh lăng, ngưu tất...
Trong đó cây kim ngân được trồng nhiều vì có thị trường đầu ra khá ổn định. Cây kim ngân hiện được trồng nhiều ở các xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Lê Lợi và các phường Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Cộng Hòa... Trung bình mỗi xã, phường hiện trồng khoảng 5ha.
Kim ngân là loại cây dễ trồng, chỉ cần làm trụ và lấy dây bánh tẻ cắm xuống đất, cây sẽ ra rễ và lên rất nhanh. Kim ngân cho thu hoạch cả thân, lá và hoa làm dược liệu, theo 2 lứa/năm vào các tháng 4-5 và 8-9. Trung bình 1 sào thu được 6 tạ cây khô với giá bán từ 25-30.000 đồng/kg. Giá hoa có thể lên đến 700.000 đồng/kg. Bình quân thu hoạch đạt giá trị 300-400 triệu đồng/ha.
Ông Đường Quang Chiến ở thôn Đá Bạc, xã Hoàng Hoa Thám đã phát triển diện tích cây kim ngân của gia đình lên 1,5 ha khi thấy nhu cầu sử dụng kim ngân hoa làm thuốc ngày càng tăng. "Cây kim ngân dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế gấp 4-5 lần so với cây trồng cũ tại địa phương; đầu tư một lần có thể cho thu hoạch từ 10-20 năm," ông Chiến cho biết.
Kiểm tra chất lượng sơ chế hoa kim ngân
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội (Viện Dược liệu, Bộ Y tế) đã triển khai thực nghiệm đề tài khoa học trồng cây thiên môn đông theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Tham gia mô hình trình diễn có bà Trần Thị Hạt (khu dân cư Nguyễn Trãi 2, phường Sao Đỏ) và ông Nguyễn Văn Sông (khu dân cư Hàm Ếch, phường Cộng Hòa), với diện tích hơn 1 ha. Kết quả cho thấy cây thiên môn đông phù hợp trồng ở nhiều khu vực đồi rừng Chí Linh, thu hoạch khá hiệu quả. Ông Sông trồng khoảng 30.000 gốc trên 1 ha đất vườn đồi. Sau 2 năm cho thu hoạch bình quân 1,5 kg/gốc. Với giá 15.000 đồng/ kg tươi, trừ chi phí cũng thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ ha.
Hướng tới làm bài bản
Xã Hoàng Hoa Thám hiện có 32 hộ trồng cây thuốc, với diện tích hơn 10 ha phân tán. Theo ông Lê Văn Khoa, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, địa phương đang quy hoạch thêm 20 ha trồng cây thuốc, trong đó chủ yếu là cây kim ngân. Người dân ở đây mong muốn được hỗ trợ áp dụng khoa học, kỹ thuật và kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ông Lý Văn Quyền ở thôn Đá Bạc chia sẻ: "Mong muốn của người trồng dược liệu nói chung, kim ngân hoa nói riêng là được quan tâm đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Như vậy sản phẩm từ cây kim ngân mới có thể phát triển ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng".
Thu hoạch thiên môn đông ở khu dân cư Hàm Ếch (phường Cộng Hòa, TP Chí Linh)
Một số bà con ở phường Cộng Hòa muốn mở rộng diện tích cây thiên môn đông nhưng cũng có nhiều băn khoăn về đầu ra cho sản phẩm. Một vụ trồng loại cây này kéo dài 2 năm. Chi phí sản xất, cây giống cũng đến 200 triệu đồng/ha, nếu đầu ra không ổn định, bà con sẽ gặp khó khăn.
Phát triển cây dược liệu là hướng đi mới đang được TP Chí Linh khuyến khích, không chỉ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân, mà còn hướng đến phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường. Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng Kinh tế TP Chí Linh, để sử dụng đất trồng có hiệu quả hơn cần có quy hoạch cụ thể trên cơ sở khảo sát khoa học về đất đai, khí hậu, nhân lực và cần có đơn vị hướng dẫn kỹ thuật, hợp đồng thu mua ổn định để nâng cao giá trị cây dược liệu.
Sơ chế củ thiên môn đông trước khi xử lý thành dược liệu
Hiện kế hoạch phát triển vùng cây dược liệu ở Chí Linh đang được hoàn thiện với nội dung chủ yếu là lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX tham gia các hội chợ, gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản. Tạo thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân phát triển trồng dược liệu theo chuỗi cung ứng sản phẩm. Xã hội hóa đầu tư xây dựng các nhà máy sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nông sản địa phương, hướng tới xuất khẩu dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu.
THÀNH LONG