Cát bớt về rồi sao còn bán mỏ?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 13/04/2021
Kết quả quan trắc hằng năm cho thấy hàm lượng chất rắn, phù sa lơ lửng cũng đang giảm sút với tốc độ 2,5%/năm. Hệ quả là hiện tượng sạt lở, lún sụt ở đồng bằng sông Cửu Long do tình trạng "nước đói phù sa" trong dòng chảy sông Cửu Long.
Khoảng 20 - 30 năm qua, khi có các đập thủy điện trên dòng Mekong, hiện tượng biến đổi khí hậu, cộng thêm khai thác cát quá mức, nạn phá rừng ngập mặn, nạo vét các giồng cát ven biển, nguồn cát còn lại trên sông Mekong đang sụt giảm ở mức báo động.
Theo nhiều khảo sát độc lập, hàm lượng bùn cát trên sông Mekong đang giảm xuống hơn 50%, chỉ còn xuống đồng bằng 70 - 80 triệu tấn mỗi năm (số liệu đến năm 2014 - 2015).
Mỗi năm, trước nạn sạt lở, 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đã bỏ hàng nghìn tỷ đồng nhưng cũng không thể hạn chế hoàn toàn tình trạng này. Như năm 2020, Đồng Tháp xin Trung ương hỗ trợ cấp bách gần 1.000 tỷ đồng để xử lý sạt lở và di dời dân vùng sạt lở. An Giang mấy năm qua đã chi hàng trăm tỷ chỉ để "vá" các đoạn sạt lở trên đoạn qua huyện Châu Phú. Tổn thất này xảy ra khắp đồng bằng sông Cửu Long, gây bất an cho dân và khó có thể cứu vãn.
Câu chuyện đấu thầu mỏ cát với giá 2.811 tỷ đồng chưa rõ sẽ kết thúc ra sao, nhưng nếu cứ "bán tài nguyên" sẽ là "lợi bất cập hại", khi tính chung thiệt hại cho cả đồng bằng.
Nếu cứ mỗi địa phương bán quyền khai thác cát trên địa phận quản lý của mình, cho dù tất cả đều nói là "làm đúng quy trình, đúng pháp luật", thì tiến trình sụp đổ cả vùng châu thổ sẽ diễn ra sớm hơn, thời gian không tính bằng thế kỷ nữa mà sẽ giảm xuống bằng thập niên, thậm chí các làng mạc, vùng đất yếu, nhạy cảm, sự tồn tại chỉ còn tính theo năm tháng.
Thật sai lầm khi cho rằng khai thác cát không gây sạt lở, không có các tác động đến đồng bằng, mà thậm chí còn lan rộng ra vùng biển xung quanh. Cát là tài nguyên khó tái tạo, mất hàng chục, hàng trăm năm mới hình thành mỏ. Mất hoặc thiếu cát có thể dẫn đến các tác động bất lợi như một sụp đổ dây chuyền và cộng hưởng mang tính chất xuyên vùng.
Đã đến lúc Chính phủ và các nhà quản lý môi trường và tài nguyên phải sửa lại quy định, coi cát, nguồn nước là tài sản chung của đồng bằng sông Cửu Long. Chiến lược khoa học cho khai thác cát ở một chừng mực phải xem xét trên quy mô tiểu vùng và cả đồng bằng. Việc đấu thầu khai thác cát cần phải có ý kiến tham vấn với các nhà khoa học môi trường và ý kiến của người dân ở các tỉnh khác.
Giải quyết sự thiếu hụt cát xây dựng và san lấp phải mang tính tổng hợp như giảm chọn gạch xây tường vách không tô trét, khung sườn nhà bằng vật liệu thép, nhôm, kính, khuyến khích kiến trúc nhà trên trụ, để trống tầng dưới nhằm giảm khối lượng san lấp.
Sử dụng tro xỉ, vật liệu tái chế, gạch đá tháo dỡ công trình làm vật liệu san lấp. Không phê duyệt các dự án sân golf vì phải dùng rất nhiều cát để san lấp và tạo địa hình. Như sân golf ở cồn Ấu, dưới chân cầu Cần Thơ phải cần khoảng 1 triệu m3 cát để san lấp và xây dựng.
Xa hơn phải nghĩ đến dùng cát nhân tạo hoặc nhập cát từ các nơi khác cho vùng đồng bằng. Các chọn lựa khai thác cát quá mức gây sạt lở hoàn toàn là sự chọn lựa "gây hối tiếc cao", trái với tinh thần "thuận thiên" của Nghị quyết 120 của Chính phủ.
Theo Tuổi trẻ