Doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng tốc sau đại dịch

Kinh tế - Ngày đăng : 06:35, 13/04/2021

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tỉnh đang nỗ lực khắc phục khó khăn, mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, tăng tốc sản xuất để bảo đảm mục tiêu đề ra.


Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát phấn đấu sản xuất hơn 8.000 sản phẩm máy nông nghiệp các loại trong tháng này

Thời gian này, các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong tỉnh đang khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, dồn lực cho các đơn hàng mới, chờ cơ hội để tăng tốc, phát triển.

Tín hiệu vui

Là DN 100% vốn đầu tư của Hồng Kông (Trung Quốc), Công ty TNHH Cherry Bright ở xã Cộng Hòa (Kim Thành) chuyên sản xuất, gia công các đồ trang trí xuất khẩu. DN hoạt động trở lại từ giữa tháng 3 vừa qua sau khoảng 1 tháng tạm dừng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Những ngày đầu tháng 4, công ty đã liên tiếp nhận được 5 đơn hàng của đối tác Mỹ và một số nước châu Âu. Hơn 80 lao động của công ty đang tập trung làm các đơn hàng để kịp xuất khẩu vào cuối tháng4 và đầu tháng 5 tới.

Ông Cao Văn Tuấn, Quản lý sản xuất của Công ty TNHH Cherry Bright phấn khởi nói: “Trong tháng 2.2021, chúng tôi buộc phải xuất khẩu một số đơn hàng bằng đường hàng không để kịp giao hàng theo hợp đồng đã ký làm chi phí vận chuyển tăng rất nhiều. Tình hình hiện nay đã khả quan hơn, hoạt động xuất khẩu không còn khó khăn như trước. Trong10 ngày đầu tháng 4, công ty đã xuất khẩu được 2 container hàng đi nước ngoài bằng đường biển. Chúng tôi đang tập trung tìm kiếm đơn hàng mới và đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành các đơn hàng vừa nhận”.

Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đồ nội thất, hơn một năm qua Công ty TNHH Hoài Giang ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) thường xuyên phải bù lỗ. Nhiều khách hàng hủy hợp đồng, chấp nhận mất tiền cọc. Hàng tồn đọng trong kho ngày càng tăng, lên tới gần 60 tỷ đồng. Công ty liên tục phải cắt giảm lao động, giảm từ 120 người năm 2019 xuống còn 62 người năm 2020 và đến nay chỉ còn gần 50 lao động.

Nhìn lại những gian nan đã qua, bà Phạm Mỹ Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Hoài Giang càng thấy trân trọng những hợp đồng mới hiện nay. Đầu tháng 4, công ty đã ký hợp đồng với một số khách hàng ngoài tỉnh. Bà Hoài nói: “Do tác động của dịch nên chúng tôi tăng cường chào hàng, phát triển khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Kết quả đạt được thời điểm này ngoài mong đợi. Với các hợp đồng mới được ký tại Móng Cái (Quảng Ninh), Hà Nội giúp chúng tôi bảo đảm  việc làm thường xuyên cho người lao động, đồng thời có thêm những hy vọng để khai thác thị trường mới”.


Trong 10 ngày đầu tháng 4, Công ty TNHH Cherry Bright đã xuất khẩu được 2container sản phẩm trang trí bằng đường biển

Phấn đấu đạt kế hoạch   

Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát ở xã Vĩnh Hưng (Bình Giang) chuyên sản xuất, kinh doanh máy nông nghiệp, động cơ điện một pha, ba pha các loại. Mặc dù không phải tạm dừng hoạt động nhưng do tác động tiêu cực của dịch bệnh, DN cũng bị ảnh hưởng lớn. Trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3, công ty chỉ có khoảng 40% số công nhân đến làm việc dẫn đến nhiều vị trí trong dây chuyền sản xuất bị trống. Cùng với đó, tình hình tiêu thụ sản phẩm đi các tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 3 đến nay, 100% số công nhân đã đi làm nên khó khăn về nhân lực được giải quyết. Theo ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát, kết quả sản xuất của DN trong tháng 2 và tháng 3 giảm hơn 30% so với tháng 1. Trong tháng4, công ty đặt mục tiêu sản xuất hơn 8.000 sản phẩm máy nông nghiệp các loại, tăng 33% so với tháng 1 và tăng hơn 70% so với tháng 3. Hơn 100 lao động của công ty đang nỗ lực sản xuất để đạt mục tiêu đề ra.

Công ty TNHH ATSK Vina của Hàn Quốc ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đã khôi phục sản xuất được 70-80% so với sau Tết Nguyên đán. Sau Tết, do thiếu hụt lao động, nguyên liệu đầu vào nên hoạt động của công ty bị đảo lộn. Từ tháng 3, công ty đã tuyển dụng thêm hơn 20 lao động để bổ sung vào các vị trí thiếu hụt. Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên kế hoạch sản xuất trong năm 2021 của DN đề ra thấp hơn so với năm ngoái.

Ông Phạm Văn An, Trưởng Phòng Sản xuất Công ty TNHH ATSK Vina chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, công ty đã sản xuất được hơn 2 triệu sản phẩm. Chúng tôi đang tập trung nhân lực, khắc phục các khó khăn trong những tháng đầu năm, phấn đấu đạt từ 8-9 triệu sản phẩm dây dẫn điện ô tô xuất khẩu trong năm nay”.

Thời gian này, cùng với tập trung phục hồi sản xuất, các DN vẫn thực hiện nghiêm các khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan chức năng về phòng chống dịch tại DN. Thường xuyên đánh giá rủi ro, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại các xưởng sản xuất. Nhiều DN mong muốn được tạo điều kiện, hỗ trợ trong tuyển dụng lao động để hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh.  

PHAN ANH