Sự kiện nổi bật ngày 16.4
Sự kiện qua ảnh - Ngày đăng : 18:56, 16/04/2021
TRONG NƯỚC
Chiều 16.4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J.Kritenbrink đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Trước đó, tại trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J.Kritenbrink đến chào từ biệt. Sáng cùng ngày, Bộ Ngoại giao tổ chức Lễ trao Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước cho Đại sứ Daniel J.Kritenbrink. Trong ảnh: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Daniel J.Kritenbrink. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN
Ngày 16.4 tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Tại hội nghị, 100% đại biểu tham dự đã biểu quyết thông qua danh sách 205 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trình Hội nghị hiệp thương về danh sách 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong đó: tái cử 100 người (48,78%); nữ 46 người (22,44%); ngoài Đảng 4 người (1,95%); dân tộc thiểu số 22 người (10,73%); tuổi trẻ (dưới 40 tuổi) 5 người (2.43%). Trong ảnh: Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Minh Đức - TTXVN
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới và Việt Nam, ngày 16.4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và tiêm chủng vắc xin COVID-19 với ngành y tế của 63 tỉnh, thành phố. Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định việc kiểm soát tình hình dịch COVID-19 năm 2021 là hết sức khó khăn với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là thách thức rất lớn với ngành y tế của nước ta. Trong bối cảnh dịch COVID-19 ở các nước láng giềng và trên thế giới còn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định nguy cơ dịch bùng phát là rất lớn, vì vậy không thể chủ quan, lơ là. Trong ảnh: Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. Ảnh: Cương Quyết - TTXVN
Ngày16.4, tại Hà Nội, Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức khai mạc Ngày hội sách 2021 với chuỗi các hoạt động khuyến đọc và phát triển văn hóa đọc. Đây là hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21.4, Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23.4. Ngày hội sách 2021 với chủ đề “Sách - Sứ mệnh phát triển văn hóa đọc" được tổ chức nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc trong sự nghiệp phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục… của đất nước. Trong ảnh: Học sinh háo hức tham giam ngày hội, tìm hiểu và đọc những cuốn sách được trưng bày, giới thiệu. Ảnh: Thanh Tùng – TTXVN
Ngày 16.4, trong phần tranh luận tại phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), nhiều luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát đánh giá hành vi phạm tội và xem xét đổi tội danh đối với các bị cáo từ tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong ảnh: Các bị cáo tại phiên tòa ngày 14.4. Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN
Ngày 16.4, Trung tâm y tế huyện Hòa Vang đã tiếp nhận 34 học sinh Trường Tiểu học Hòa Khương nghi ngộ độc do chơi đất nặn, slam. Hiện cơ quan chức năng đã đến hiện trường và thu thập mẫu đất nặn slam để đưa đi kiểm tra, xét nghiệm. Trung tâm đã phân loại, chuyển 6 trường hợp có bệnh nền về Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng để theo dõi, chữa trị. Số còn lại được điều trị tại Khoa Nhi của trung tâm. Hiện tại sức khỏe các em chưa có diễn biến nặng, trong đó có 9 trường hợp đã ra viện vào trưa nay. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn xảy ra sự việc học sinh dùng đất nặn, slam và bị buồn nôn, khó thở... Trong ảnh: Học sinh bị ngộ độc được theo dõi tại bệnh viện. Ảnh: Văn Dũng – TTXVN
TRONG TỈNH
Sáng 16.4, đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị lần thứ 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt từ nay đến cuối năm của tỉnh là phải tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép: chủ động, cảnh giác phòng dịch Covid-19 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khôi phục, đẩy mạnh sản xuất, trong đó có khó khăn thiếu lao động. Tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục hành chính, trình tự đầu tư, nhất là thủ tục cho thuê, giao đất để đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư các dự án, ưu tiên các dự án sản xuất. Về dự thảo Nghị quyết chuyên đề “Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025", đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ chỉ đạo cần đánh giá công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian qua, cập nhật chỉ số PCI, các chỉ số vừa được công bố, thống kê 5 năm gần đây, cập nhật chấm điểm cải cách hành chính các cấp trong tỉnh. Trên cơ sở số liệu có phân tích, chỉ cụ thể những hạn chế hiện nay, nhất là những chỉ số yếu kém kéo dài để có biện pháp khắc phục... Trong ảnh: Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị lần thứ 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: PV
Ngày 16.4, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tổ chức triển khai kế hoạch công tác dân số trọng tâm giai đoạn 2021-2025 và Chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/KHHGĐ năm 2021. Mục tiêu công tác dân số trọng tâm giai đoạn 2021-2025 của Hải Dương là tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hải Dương phấn đấu đến năm 2025, tỷ số giới tính khi sinh ở mức dưới 113 bé trai/100 bé gái. Trong ảnh: Cán bộ Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh phổ biến kế hoạch công tác dân số trọng tâm giai đoạn 2021-2025 cho cán bộ dân số cấp huyện. Ảnh: Thanh Nga
Sáng 16.4, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương, bệnh nhân (BN) Covid-19 cuối cùng của tỉnh ta trong đợt dịch này điều trị tại Hải Dương đã được xuất viện. Đó là BN P.T.C., nữ, sinh năm 1959, ở phố Mai Hắc Đế, phường Bình Hàn (TP Hải Dương). BN C. đã có 3 lần xét nghiệm liên tiếp âm tính vào các ngày 11, 14 và 16.4, sức khỏe ổn định, không ho, sốt, khó thở. Như vậy, đến ngày 16.4, có 723 BN Covid-19 ghi nhận trong đợt dịch này tại Hải Dương đã được xuất viện, hiện chỉ còn 3 BN đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Trong ảnh: Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương Nguyễn Văn Hải trao quyết định ra viện cho bệnh nhân P.T.C. Ảnh: PV
QUỐC TẾ
Ngày 16.4, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông Kim Boo-kyum, cựu Bộ trưởng Nội vụ và cũng từng là nghị sĩ trong 4 khóa, đã được Tổng thống Moon Jae-in đề cử làm Thủ tướng mới của nước này. Nếu được Quốc hội thông qua, ông Kim Boo-kyum sẽ thay người tiền nhiệm Chung Sye-kyun vừa quyết định từ chức sau 15 tháng tại vị. Ông Chung Sye-kyun được cho là sẽ tham gia tranh cử Tổng thống Hàn Quốc trong năm tới. Trong ảnh: Thủ tướng mới được đề cử Kim Boo-kyum trả lời phỏng vấn báo giới tại Seoul, Hàn Quốc ngày 16.4.2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Truyền thông Mỹ đưa tin ngày 15.4 (giờ địa phương), một vụ xả súng nghiêm trọng vừa xảy ra tại TP Indianapolis, làm ít nhất 8 người thiệt mạng, nhiều người được cho là bị thương. Nhật báo Indianapolis Star dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết nhiều nạn nhân được tìm thấy tại văn phòng của Hãng vận chuyển quốc tế Fedex, gần sân bay TP Indianapolis. Cũng theo cảnh sát, nghi can vụ xả súng đã tự sát. Trong ảnh: Cảnh sát phong tỏa hiện trường vụ xả súng tại văn phòng của Hãng vận chuyển quốc tế Fedex ở TP Indianapolis, Mỹ để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: CNN/TTXVN
Trong tuyên bố ngày 16.4, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã tái khẳng định nước thải từ nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukushima đã qua xử lý hoàn toàn an toàn, và đáp ứng tiêu chuẩn về nước uống được theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Tuyên bố của ông Aso được đưa ra trong bối cảnh nhiều nước láng giềng lo ngại việc xả thải có thể gây hại cho môi trường biển, an toàn thực phẩm và sức khỏe con người. Trong ảnh (tư liệu): Các bể chứa nước thải tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 3.2.2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá dầu thế giới ngày 15.4 đã lên ngưỡng cao mới trong 4 tuần qua, do tác động từ số liệu kinh tế tích cực của Mỹ cùng với dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các Nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về nhu cầu tăng trong bối cảnh các nước bắt đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 36 cent (0,5%) lên 66,94 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 31 cent (0,5%) lên 63,46 USD/thùng. Trong ảnh: Giàn khoan dầu của Nga trên Biển Caspi. Ảnh: AFP/TTXVN