Luật chồng chéo, trường cao đẳng vừa dạy vừa... run
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 10:29, 17/04/2021
Học sinh tìm hiểu về công tác tuyển sinh của Trường cao đẳng Y tế Hà Đông tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021
Từ khi "chuyển nhà" về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), các trường cao đẳng đào tạo ngành nghề đặc thù như y dược sống dở chết dở... Họ không chỉ bị "đứt gánh giữa đường" về tuyển sinh mà còn loay hoay trong mớ bòng bong các loại luật, không biết làm thế nào cho đúng.
Luật giáo dục nghề nghiệp chính thức có hiệu lực ngày 1.7.2015, quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng. Kể từ đó, hệ thống trường cao đẳng chính thức chuyển từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) về cho Bộ LĐTBXH quản lý.
Ba năm sau, Luật Giáo dục đại học (ĐH) sửa đổi, bổ sung năm 2018 được ban hành (có hiệu lực từ ngày 1.7.2019) quy định các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH bao gồm trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ, hoàn toàn không có bậc cao đẳng.
"Không quan trọng là hệ cao đẳng thuộc bộ nào quản lý, mà chỉ cần thống nhất cách quản lý nhà nước, cần một khung pháp lý thôi thì câu chuyện sẽ đơn giản hơn", TS Lê Đông Phương nói.
Chuẩn khác nhau
Trường cao đẳng Y tế Hà Đông và Trường cao đẳng Y tế Hà Nam sau khi về Bộ LĐ-TB&XH, theo quy định không còn mã ngành trong hệ thống giáo dục của Bộ GD-ĐT và không được xuất hiện trong quyển những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, nên công tác tuyển sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong vòng hai năm trở lại đây, Trường cao đẳng Y tế Hà Nam chỉ tuyển được 50 - 60%, Trường cao đẳng Y tế Hà Đông chỉ còn tuyển được 70 - 75% so với chỉ tiêu.
"Khi còn trực thuộc Bộ GD-ĐT, một mã ngành của chúng tôi được thiết kế khoảng 4.000 giờ. Còn về Bộ LĐ-TB&XH thì chúng tôi phải đồng bộ lại chương trình, chỉ còn 2.500 giờ. Đào tạo y dược rất khắt khe, vậy mà phải giảm cả thời gian dạy lý thuyết và thời gian thực hành, thật sự ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo" - một cán bộ phòng đào tạo Trường cao đẳng Y tế Hà Đông cho hay.
Một cán bộ ở Trường cao đẳng Y tế Hà Nam chia sẻ chuẩn của Bộ GDĐT và chuẩn của Bộ LĐTBXH quá khác nhau, nên khi đồng bộ chương trình gặp rất nhiều trở ngại.
"Chúng tôi rất khổ sở vì làm bài tập trên lớp, thảo luận trên lớp đối với đào tạo y khoa được coi là thực hành, thì với giáo dục nghề nghiệp lại không được coi là thực hành. Ví dụ chẩn đoán điều dưỡng, đưa ra được cách thức chăm sóc người bệnh (về mặt lý thuyết) cũng là sản phẩm đấy, nhưng đối với đào tạo nghề lại không coi là sản phẩm.
Giáo dục nghề đòi hỏi phải ra được sản phẩm rõ ràng như cái áo, cái máy. Chưa bao giờ chất lượng đào tạo y khoa lại kém thế này, chúng tôi phải vừa dạy vừa dỗ các cháu. Nghĩ đến khi các cháu ra trường, kê đơn thuốc cho mình mà run" - vị này chia sẻ.
Rối vì... luật
TS Lê Đông Phương, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục ĐH (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), cho biết câu chuyện quản phân khúc nào trong hệ thống giáo dục không phải là câu chuyện chỉ có ở Việt Nam.
Có nước dùng ba bộ để quản lý lần lượt hệ thống giáo dục phổ thông; hệ thống trung cấp, cao đẳng; hệ thống ĐH. Tuy nhiên, họ có một luật thống nhất nên dễ quản lý. Còn Việt Nam đang bối rối vì có quá nhiều luật chồng chéo.
Ông Lê Đông Phương cho biết khi đưa hệ cao đẳng về Bộ LĐTBXH quản lý, bộ này đã áp dụng cách quản lý giống hệt cách quản lý cơ sở dạy nghề hồi xưa, hệ cao đẳng đã được đồng bộ hóa theo hướng nặng về đào tạo lao động có kỹ năng. Trong khi về bản chất hệ cao đẳng gần với đào tạo trình độ ĐH, có hàm lượng học vấn và lý thuyết khá nhiều, đào tạo người học theo hướng đánh giá năng lực tư duy khác hẳn với đào tạo nghề.
"Cá nhân tôi cho rằng không quan trọng là hệ cao đẳng thuộc bộ nào quản lý, mà chỉ cần thống nhất cách quản lý nhà nước, cần một khung pháp lý thôi thì câu chuyện sẽ đơn giản hơn. Còn duy trì như hiện nay thì bản thân các đối tượng liên quan không thể nắm vững mình đang chịu sự quy định của khung pháp lý nào. Quy định hiện hành thậm chí còn làm vướng cho những ai có ý định cải cách tiếp theo" - TS Lê Đông Phương nói.
Kiến nghị đưa trở lại Bộ GDĐT Trong kiến nghị gửi tới Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3.2021, Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam đã dẫn tiêu chuẩn của UNESCO để khẳng định việc tách hệ cao đẳng ra khỏi bậc giáo dục ĐH để quy về một bậc học (bậc giáo dục nghề nghiệp) là trái ngược với thông lệ quốc tế. Hiệp hội cho rằng đã có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa cao đẳng nghề với cao đẳng chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo. Do đó, hiệp hội kiến nghị Quốc hội sớm điều chỉnh các luật về giáo dục (Luật giáo dục, Luật Giáo dục ĐH, Luật giáo dục nghề nghiệp) theo các định hướng để đưa trình độ cao đẳng về trở lại bậc giáo dục ĐH; đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục ĐH, tức là về lại Bộ GDĐT. |
Đại học, học viện cũng vướng Như Tuổi Trẻ đã phản ánh, dù Luật giáo dục ĐH 2018 không cho phép nhưng năm 2021 Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội và Học viện Hàng không Việt Nam vẫn tiếp tục tuyển sinh hệ cao đẳng. Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, sau khi bị Bộ LĐTBXH "tuýt còi" vì đào tạo trung cấp, năm nay tiếp tục xin được đào tạo hệ trung cấp trong khi chờ các bộ ngành tháo gỡ cơ chế. Trường ĐH Sư phạm nghệ thuật trung ương vừa mở thêm ngành piano, thanh nhạc cũng kiến nghị để được đào tạo trung cấp vì đặc thù của ngành nghệ thuật là phải tuyển các em từ lớp 6 vào học hệ trung cấp rồi đào tạo thẳng một lèo lên cao đẳng, ĐH. |
Theo Tuổi trẻ