Tiếp sức cho người khuyết tật

Xã hội - Ngày đăng : 18:03, 17/04/2021

Nhiều cơ sở sản xuất, HTX trong tỉnh đang tạo việc làm cho người khuyết tật (NKT). Qua đó giúp họ hòa nhập với cộng đồng, có thu nhập và vươn lên trong cuộc sống.


Nhiều người khuyết tật mong muốn có việc làm, cải thiện thu nhập

Tạo việc làm

Là NKT từng được học nghề và làm việc ở một số cơ sở sản xuất may mặc, chị Hoàng Thị Hương ở phường Hiệp An (Kinh Môn) thấu hiểu những khó khăn mà người cùng cảnh ngộ gặp phải. Đó là khó tiếp cận với cơ hội việc làm phù hợp để có thu nhập trang trải cuộc sống. Năm 2014, chị quyết định thành lập Cơ sở sản xuất may nhân ái Hoàng Thị Hương, chuyên sản xuất các mặt hàng may mặc như đồng phục học sinh, làm con thú nhồi bông... tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20-40 lao động, chủ yếu là NKT. Chị Hương còn phối hợp với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh dạy nghề cho các học sinh khuyết tật. Nhờ có việc làm, thu nhập đều đặn từ 2-3 triệu đồng/tháng, cuộc sống của NKT tại cơ sở dần ổn định.

Giống như chị Hương, nhiều NKT khác trong tỉnh đã chủ động mở cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và những người cùng hoàn cảnh. Điển hình như ông Lê Văn Đoan ở xã Tân Quang (Ninh Giang). Năm 2020, thấy xã có nhiều NKT không thể làm việc ở những nơi khác và trở về địa phương, ông Đoan cùng một số NKT khác đã bàn bạc và thành lập HTX Nữ khuyết tật Ninh Giang, chuyên sản xuất chậu hoa cảnh, thu hút gần 40 thành viên tham gia. Hoạt động từ đầu năm 2021, HTX đang tạo việc làm cho 17 NKT với mức thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/tháng. Ông Lê Văn Đoan, Giám đốc HTX cho biết: "Mục đích của chúng tôi không chỉ tạo việc làm mà quan trọng nhất là có môi trường làm việc phù hợp, tạo đòn bẩy để NKT tự tin, chủ động vượt lên hoàn cảnh". 

Bị khuyết tật từ nhỏ, chị Trần Thị Nhâm ở xã Tân Quang (Ninh Giang) đã từng học nghề may ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và làm tại một số công ty ở TP Hải Dương. Cuối năm 2020, vì sức khỏe yếu nên chị phải về quê. "Thời gian nghỉ ở nhà tôi buồn lắm. Nhưng từ khi được làm cùng mọi người ở HTX, tôi thấy rất vui. Ở đây chúng tôi được giao lưu, trò chuyện với nhau, lại có thu nhập, giúp chúng tôi lạc quan hơn trong cuộc sống", chị Nhâm chia sẻ. 

Ngoài ông Đoan và chị Hương, trong tỉnh còn nhiều cá nhân khác cũng tạo việc làm cho NKT. Cơ sở sản xuất hàng mã của gia đình anh Phạm Văn Thẹ ở xã Thống Nhất (Gia Lộc) đang tạo việc làm cho 10 NKT với thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Cơ sở sản xuất bao bì của bà Vũ Thị Quê ở huyện Bình Giang cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho 20 NKT, thu nhập từ 1-2 triệu đồng/người/tháng...

Tăng cường dạy nghề

Tiếp sức cho NKT vươn lên, ngoài bảo đảm chế độ chính sách, hằng năm các cấp, ngành, đoàn thể còn quan tâm, chăm lo bằng nhiều hình thức như tặng quà, hỗ trợ vay vốn... và quan trọng hơn cả là tăng cường đào tạo nghề, giúp NKT có việc làm phù hợp.  

Theo Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, tuỳ thuộc vào dạng khuyết tật, nhu cầu của NKT và ngành nghề kinh tế của địa phương, từ năm 2015-2020 hội đã hỗ trợ xây dựng những mô hình dạy nghề như thêu, may, sửa xe máy... cho 2.200 lượt NKT. Số người học nghề xong có việc làm đạt từ 70-80%. Theo thống kê của Hội NKT tỉnh, toàn tỉnh có trên 37.000 NKT, trong đó tỷ lệ NKT có nhu cầu học nghề và việc làm chiếm 60%. Nhưng NKT có khả năng lao động chiếm không quá 25%. Mỗi năm hội giới thiệu, tạo việc làm cho từ 10-15 NKT. 

Theo đánh giá của ông Trương Văn Phước, Chủ tịch Hội NKT tỉnh, số người lao động được dạy nghề, tạo việc làm vẫn thấp do nhiều NKT và gia đình họ còn mặc cảm. Kinh phí hỗ trợ cho các dự án đào tạo nghề, tạo việc làm còn hạn chế. Nhiều nghề không còn phù hợp với thị trường lao động khiến nhiều NKT không mặn mà học nghề. Đại diện một số chủ cơ sở sản xuất, HTX đang tạo việc làm cho NKT cũng cho biết họ đang gặp khó khăn về kinh phí để duy trì và mở rộng sản xuất. Vì vậy, họ rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân... để giúp NKT có việc làm, thúc đẩy tinh thần, ý chí vượt khó của NKT.

THẾ ANH