Chuyện Tuấn "dị" dưới dãy núi Kỳ Lân

Xã hội - Ngày đăng : 06:32, 18/04/2021

Thân thể không còn lành lặn sau vụ tai nạn khủng khiếp nhưng Tuấn “dị” đã vượt lên tất cả, biến đồi rừng cằn cỗi thành vườn cây xanh tít tắp. Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi, anh đã kiếm tìm được hạnh phúc cho mình.


Những lúc vợ vắng nhà, mọi công việc đều một mình anh lo liệu

Một vụ nổ khủng khiếp cách đây 31 năm làm cho anh Trần Đình Tuấn ở khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh) chỉ còn chân phải. Họ gọi anh là Tuấn "dị" không phải do ngoại hình kỳ dị, mà vì người đàn ông này làm được những việc thật dị thường, đến người lành lặn cũng phải ngạc nhiên.

Biến cố từ hơn 30 năm trước

Hôm nay, vợ có việc ra khỏi rừng nên anh Tuấn được giao nhiệm vụ cõng mấy chục bao thức ăn gia súc lên tập kết ở một trại nuôi gà nhỡ vừa xây dựng giữa lưng chừng dốc. Mang vác ngần ấy bao cám lên đồi với một người khỏe mạnh đã không hề đơn giản, chứ nói gì đến một người chỉ còn chân phải. Nhưng anh thuần thục lắm, một chiếc móc sắt kẹp sẵn vào nách bổ phập xuống, cùng một cái nhún người là bao cám đã được nhấc bổng lên vai.  

Mùa này, dưới chân dãy Kỳ Lân thi thoảng vẫn còn những cơn mưa rả rích. Con đường lên trại gà nhớp nháp và trơn trượt, người lành đi khó một thì người chỉ còn một chân như anh Tuấn đi khó gấp mười. Thế nhưng, lúc lên đồi hay khi lội rừng, dù anh đi người không hay vác bao cám thì những người không quen leo dốc cũng khó mà theo kịp. Mỗi lần lên núi, ngón chân cái xù xì còn lại của anh cong khoằm như chiếc móc câu bấm chặt xuống nền đất sỏi. Dấu chân, dấu nạng gỗ chi chít rải suốt những con đường ngoằn ngoèo, giống như vết của một đàn thú lớn vừa phi nước đại. Không chỉ quen thuộc từng ngả đường, mà Tuấn "dị" còn quen từng hốc cây, từng khe núi. Hơn 4 ha đồi rừng, chuồng trại ở đây là nguồn sống, là chỗ trú thân, là cả cuộc đời của anh sau một biến cố từ hơn 30 năm trước.

Những khi vợ vắng nhà, con trai đi học, không chỉ mang vác vật nặng mà chặt cây, đốn củi hay chăm sóc lợn gà, một mình anh kham hết. Duyên tình của anh và chị Thủy đến thật muộn màng, khi cả 2 người đều đã một lần lỡ dở. Thế mà cô vợ người Mường quê Hòa Bình này giống như một mảnh ghép, dù không hoàn hảo, nhưng cũng để cuộc đời của anh Tuấn khỏa lấp đi những thiếu trước, hụt sau.

Sinh năm 1978, thuở nhỏ anh Tuấn vốn lành lặn và nhanh nhẹn. Rồi một chiều hè năm 1990, tai nạn kinh hoàng ập đến, cùng lúc cướp đi 2 người bạn và người hàng xóm của anh sau tiếng nổ chát chúa từ một quả bom bi còn sót lại. Đó là ngày 6.5 âm lịch, lúc 1 giờ chiều. Sở dĩ anh nhớ kỹ, vì đây không chỉ là biến cố làm cho cuộc đời anh rẽ sang ngả khác, mà đó còn là ngày giỗ của 2 người bạn lúc thiếu thời, một người 11 tuổi, người còn lại vừa lên 8.

Tuấn nằm viện, người ở nhà đã chuẩn bị sẵn cho anh cỗ quan tài nhỏ. Nhưng sức sống mãnh liệt của cậu bé 12 tuổi đã vượt qua. Biến cố ập đến còn làm cho việc học hành của anh dừng lại ở hè lớp 6. Trở về thực tại, Tuấn tự dưng biến thành gánh nặng cho cả gia đình vốn cũng đang khốn khó. Sau những ngày bò lê bò càng trên đất, Tuấn dùng cánh tay phải đã cụt lủn gần đến khuỷu để làm quen với cây nạng gỗ. Cả người chi chít vết thương do hễ đứng lên là ngã xuống như bổ củi. Sẹo trên đầu chưa kịp lành, lại mọc thêm vết khác.  

Khi đó, bố mẹ anh nhận khoán 4 ha rừng, chủ yếu trồng khoai sắn để lấy lương thực cho cả gia đình. Nghỉ học giữa chừng, năm 1994, Tuấn khó nhọc băng qua quốc lộ 37, đi tầm 2 km men theo chân dãy Kỳ Lân vào rừng để trông nom cây cối. Trong đó có một ngôi nhà nhỏ xếp lên bằng đá để làm nơi trú mưa, trú nắng. Những chiều muộn quá không về, ngôi nhà ấy thành nơi tá túc qua đêm. Có những buổi chiều, mưa rừng sầm sập đổ, dòng suối ngầu đục trước nhà cuồn cuộn chảy, Tuấn chỉ đành chịu ướt, ngồi ủ rũ ở bờ bên này chờ nước rút rồi mới có thể bò về. Một năm ở rừng, anh bình tâm trở lại, đã quen với hình hài mới và xác định cánh rừng này, dòng suối này sẽ là nơi dung dưỡng. Đến năm sau, Tuấn vào ở hẳn trong rừng. Vốn có người chăm sóc, nhưng khi vào rừng, từ nấu nướng, giặt giũ chỉ có một mình lo liệu. Biết bao lần miếng ăn đến miệng lại rơi, lúc thì nồi canh đổ ụp xuống bếp tro, khi thì không thể mở nắp lọ dù tương cà ngay trước mặt...

Tuấn lầm lũi, cả năm không bước ra khỏi cánh rừng. Nhiều lúc thèm cả tiếng người. Đấy là khoảng thời gian nhọc nhằn, khổ ải nhất mà đến giờ và mãi mãi sau này anh không thể nào quên. Cuộc sống cô độc rồi cũng chấm dứt, khi Tuấn đến với một cô gái cùng quê. Năm 2003, cậu con trai cả ra đời thắp lại nguồn hy vọng tưởng như đã tan biến cùng tiếng bom nổ năm nào. Những tưởng vợ con đã đề huề êm ấm, thì khi con vừa 2 tuổi, người vợ bỏ đi lặng lẽ như bóng chim, tăm cá. Cuộc sống tàn tật vốn khốn khổ, giờ lại thêm vất vả biết bao khi Tuấn vừa phải gà trống nuôi con, vừa phải trồng rừng kiếm sống. Có lúc anh đã quên mọi thứ bằng hơi rượu, muốn quên đi những tai ương liên tiếp đổ ập xuống đầu mình. Nhưng rồi tự nhủ, mình từng sống sót trong tai nạn kinh hoàng trước kia, thì không có khó khăn nào ngăn cản được.

Đất cằn nở hoa

Tiếng khóc ngằn ngặt của đứa con côi cút, tiếng gió hú liên hồi trên dãy Kỳ Lân làm Tuấn như bừng tỉnh. Anh bắt đầu lao vào làm việc quên tháng, quên ngày.

Từ những cánh rừng thưa cằn cỗi, anh bắt đầu vay mượn trồng keo và cây ăn quả. Ven suối, những hàng tre Bát Độ chống xói mòn dần lên xanh tua tủa. Để có những vạt rừng trồng đến 2 vạn cây keo đối với một người lành lặn đã là chuyện hiếm, thì với một người tàn tật như Tuấn quả là kỳ tích. Không có tiền thuê nhân công nên việc trồng cây gần như anh tự lực. Hằng ngày, từ lúc tinh mơ cho đến khi mặt trời khuất bóng, anh hì hục trong rừng đào hố đặt cây. Khúc tay phải cụt lủn được anh sử dụng thành thạo chẳng khác nào một bàn tay năm ngón...

Từ năm này sang năm khác, hơn 4 ha đồi rừng dần được bao phủ bằng màu xanh tít tắp. Đấy cũng là lúc, anh nghĩ đến việc chăn thả lợn, gà để lấy ngắn nuôi dài. Đến bây giờ, 8 trại gà đã mọc lên rải rác khắp các cánh rừng. Vì sao không xây dựng tập trung để tiện bề đi lại? Theo lý giải của anh Tuấn là để phòng ngừa bệnh dịch. Nếu trại này phát bệnh thì dễ dàng cách ly để chữa trị. Đàn gà đã trải qua nhiều lần mắc bệnh nhưng chưa khi nào chịu nhiều thiệt hại. Từ vài chục, vài trăm con ban đầu, giờ mỗi trại của anh Tuấn đang có hàng nghìn con gà nhỡ.

Mở rộng chuồng trại chăn nuôi đồng nghĩa việc phải biết về cả thú y. Ban đầu, với một người chỉ học dở chừng lớp 6 lại không còn lành lặn, thì chữa bệnh cho cả vạn con gà giống như người đứng giữa mê cung. Nhưng rồi ý nghĩ, nếu không chữa được, gà chết thì mình cũng "chết" nên anh đã ngày đêm mày mò học hỏi, để bây giờ, từ E.coli, hen, cho đến cầu trùng trên gà đều được anh chữa trị. Trong căn nhà khang trang, đầy đủ internet và vật dụng, Tuấn "dị" khoe chỉ chừng 2 tháng nữa, đàn gà thịt sẽ xuất chuồng. Con đường từ quốc lộ 37 vào rừng vẫn ngoằn ngoèo như thế, nhưng đã cải tạo lại để xe tải nhỏ của thương lái vào được tận nơi chuyên chở. Mỗi năm một vạn con gà Hồ thịt được xuất bán đi sẽ mang về cho gia đình anh khoảng 100 triệu đồng tiền lãi. Nếu không có bệnh dịch, chăn thả thuận lợi thì mỗi năm sẽ xuất được 3 lứa gà thịt.            

Trước dịch Covid-19 ở TP Chí Linh, hàng nghìn cây keo cũng được anh thu cuốn chiếu, xuất bán lãi vài chục triệu đồng. Những chân keo ấy sẽ được trồng dặm, số keo còn lại đã cao từ 5-7 m. "Mèo nhỏ bắt chuột con", với anh Tuấn, chuồng trại, đồi rừng như thế là tạm đủ. Giờ là lúc tập trung nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập. Những việc nặng nhọc trước kia như mang vác, phát quang rừng tạp, cưa cành đốn củi được anh thuê những người khỏe mạnh đến làm. Một niềm vui lớn nữa là cậu con trai của anh giờ đang cuối cấp, ngoan ngoãn và khỏe mạnh. Hết cấp 3, chàng trai ấy sẽ đi bộ đội. Khi đó, anh đã tính sẽ có thêm con với người vợ mới. Tiếng trẻ con ríu rít dưới mái rừng này sẽ khỏa lấp đi bao u buồn, mệt nhọc anh từng chịu đựng suốt mấy chục năm qua.

Nay bố mẹ anh Tuấn đã già. Người anh trai cả và 3 cô em gái đều có cuộc sống riêng nhưng vất vả. Đi qua bao khổ ải nhưng anh vẫn thầm cảm ơn hoàn cảnh. Anh bảo, nếu gia đình giàu có, được bố mẹ, anh chị em đỡ đần, có lẽ anh sẽ trở thành lệ thuộc và bám víu như cây tầm gửi. Từng là gánh nặng, giờ anh lại là chỗ dựa cho cha mẹ lúc về già. Nay gia đình có công to việc lớn hay bố mẹ ốm đau, anh lại là người đứng ra lo liệu.

Cơn gió giao mùa mát rượi tràn xuống từ trên dãy Kỳ Lân làm lao xao những tán cây rừng xanh thẫm quanh nhà. Dưới những tán lá ấy là câu chuyện kể về Tuấn "dị" - người bắt hoàn cảnh phải làm theo ý của mình.

TIẾN HUY