Hoàng Nhuận Cầm – ''cây đàn vàng'' đã ngừng tiếng thơ
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 11:20, 21/04/2021
Một nhà thơ lớn về tài năng và tuyệt vời về nhân cách đã lặng lẽ rời xa trần thế, thật nhẹ nhàng như thơ ông từng viết: “Một mai chết hết ăn năn/ Tôi nằm xuống đất không cần thở than”.
Hoàng Nhuận Cầm – “viên xúc xắc” của mùa thu Hà Nội
Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7.2.1952, tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Cái tên Hoàng Nhuận Cầm là do ông nội ông đặt cho, có nghĩa là “cây đàn vàng”, với mong ước đứa cháu sẽ trở thành nhạc sĩ giống cha - nhạc sĩ Hoàng Giác.
Tuy vậy, Hoàng Nhuận Cầm lại không theo con đường âm nhạc, bao nhiêu sự lãng mạn, mơ mộng của chàng trai Hà Nội đều dành cho thơ. Tốt nghiệp cấp III, ông thi đỗ vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khoá 16). Cánh cửa cuộc đời như đã mở rộng với chàng thanh niên Hà thành tài hoa và nhiều mơ mộng.
Nhưng năm 1971, Hoàng Nhuận Cầm cùng đông đảo bạn bè đồng khoá trong Khoa Ngữ văn đã tình nguyện nhập ngũ, “xếp bút nghiên” khoác ba lô ra trận. Ông đã sống và chiến đấu ở những mặt trận ác liệt nhất, đặc biệt là mặt trận Trị Thiên - Huế. Những tháng ngày bom đạn, máu lửa ấy đã in dấu đậm nét trong cả sự nghiệp thơ ông.
Chính giờ ra mặt trận Quảng Trị mùa hè 1971, chàng sinh viên Hoàng Nhuận Cầm đã có câu thơ dang dở: “Em thấy không - tất cả đã qua rồi/Trong hơi thở, và thời gian rất khẽ/Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế/Hoa súng tím vào trong mắt lắm say mê/Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay/Tiếng ve trong veo xé đôi bờ nước/Con ve tiên tri vô tâm báo thức/Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”.
Hàng trăm nữ sinh khi chép đoạn thơ này đã khóc khi tiễn bạn lên đường ra trận, còn những sinh viên mặc áo lính như Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Trọng Văn đều ghi sổ tay. Cùng với Hoàng Nhuận Cầm, câu thơ đó ra trận. Thật may mắn khi người lính lãng mạn đó được trở về. Sau chiến tranh, ông về học lại Khoa Ngữ văn rồi về công tác trong ngành điện ảnh truyền hình. Mặc dù vậy, cuộc sống của ông vẫn dành trọn vẹn cho thơ.
Nhiều bài thơ của Hoàng Nhuận Cầm mà phần lớn là thơ tình được các bạn đọc trẻ tuổi, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm của tuổi trẻ, tình yêu với một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi như: Chiếc lá đầu tiên, Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến, Viên xúc xắc mùa thu...
Hoàng Nhuận Cầm đoạt giải nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ 1972-1973, Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993 với tập thơ Xúc xắc mùa thu.
Tuổi trẻ của Hoàng Nhuận Cầm bị ẩn khuất giữa mất mát và chia lìa. Ông nhận ra “câu thơ cũ có gì không thực nữa, chớp qua hồn như pháo sáng mà thôi”, để lặng lẽ day dứt cho những người ngả xuống: “Anh biết vì sao anh đã khóc/ Lá rừng sốt rét xuống trang thơ/ Đâu những căn hầm, đâu nấm mộ/ Nhắc tên lên đã thấy bơ phờ”. Chính vì thế, nếu thơ Hoàng Nhuận Cầm mềm mại, trữ tình, êm dịu thì khi đứng ở vai trò biên kịch điện ảnh, các kịch bản của ông lại dữ dội và “rực lửa”, như Hà Nội mùa Đông năm 46, Mùi cỏ cháy, Đêm hội Long Trì, mà Mùi cỏ cháy là một ví dụ tiêu biểu.
Lấy cảm hứng từ nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, nhưng Hoàng Nhuận Cầm không hề làm công việc chuyển thể một cách đơn giản, mà ông viết Mùi cỏ cháy như viết về chính thế hệ của ông, thế hệ nhiệt thành "sáng nay - tuổi hai mươi, bùng lên như viên đạn": “Lửa đã đốt đi những điều anh chưa thành thật/ Công sự khét mùi khói đạn mồ hôi/ Thuốc súng phủ lên môi, giờ tấn công đã gọi/ Anh ném nửa lá thư còn lại xuống chân đồi". Đó là bức tranh về thế hệ vàng, là cuốn nhật ký bằng hình ảnh với 4 nhân vật chính từ nguyên mẫu có thật là Hoàng Nhuận Cầm, Vũ Đình Văn, Nguyễn Văn Thạc và Hoàng Thượng Lân. Với Mùi cỏ cháy, Hoàng Nhuận Cầm muốn gửi thông điệp, rằng tuổi trẻ mỗi thời mỗi khác, nhưng Tổ quốc chỉ có một thôi, như mong ước của liệt sĩ Vũ Xuân gửi đến thế hệ trẻ hôm nay: “Tôi chỉ mong một câu nói được vang lên bên tai thế hệ sau này, là đừng bao giờ làm hoen ố máu của những người đi trước!”.
Hoàng Nhuận Cầm có thể coi là một tài năng thiên phú. Ông là nhà thơ với giọng thơ đẹp, vang như tiếng hót của một loài chim quý, vẫn luôn hút hồn nhiều người yêu thơ. Trong vai trò biên kịch, Hoàng Nhuận Cầm cũng cho ra đời những tác phẩm xuất sắc. Ông đã giành giải thưởng Biên kịch xuất sắc nhất, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 (năm 2011) và Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2012 cùng với kịch bản phim điện ảnh Mùi cỏ cháy.
Theo TTXVN