Độc đáo rượu Hoàng Tửu

Ẩm thực - Ngày đăng : 16:04, 21/04/2021

Một năm được nấu một lần duy nhất vào dịp lễ hội 10.3 (âm lịch), quy trình nấu khắt khe, rượu Hoàng Tửu dâng Đại vương Vũ Hựu tại Lễ hội đền - đình Sượt, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) có những nét độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được. 


Chuẩn bị bình để đựng rượu Hoàng Tửu trong ngày lễ

Rượu thiêng   

Đền - đình Sượt thờ Đại vương Vũ Hựu (1472-1520), một công thần thời Lê, người có nhiều công lao gìn giữ và bảo vệ đất nước. Khi Vũ Hựu mang quân chiến thắng trở về, vua Lê mở yến tiệc lớn, phong cho ông làm Đại vương và thưởng nhiều vàng bạc, châu báu. Nhưng ông chỉ xin vua cho về quê nghỉ ngơi, vui thú điền viên. Khi về đến núi Vân Đài, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa ngày nay), ông lên núi ngắm cảnh non sông, đất nước. Trời bỗng tối sầm, sấm chớp nổi lên và ông hóa ở đó. Ghi nhớ công lao của ông, nhiều địa phương trong cả nước đã lập đền thờ ông. Vua sắc chỉ cho quê nội (tỉnh Thanh Hóa ngày nay) và quê ngoại (ở làng Thanh Cương, nay là khu dân cư (KDC) số 2, phường Thanh Bình) thờ cúng muôn đời. Từ đó, cứ đến ngày 10.3 là ngày ông sinh ra, người dân KDC số 2 lại mở hội, dâng hương tưởng nhớ công lao của Đại vương.

Tương truyền khi Đại vương Vũ Hựu đánh giặc ở châu Hoan, nơi rừng rậm, không có rượu làm nghi lễ tế đất trời, ngài bèn sai quân lính lấy lá rừng ủ với cơm làm rượu, khi chưng cất được một thứ nước màu vàng sậm, mùi thơm dịu và đặt tên là Hoàng Tửu. Khi Đại vương mất, người dân đã nấu loại rượu này dâng ngài. Trải qua thời gian, người dân KDC số 2 vẫn giữ nguyên vẹn quy trình nấu rượu Hoàng Tửu đến ngày nay.

Để nấu được rượu Hoàng Tửu, vào ngày rằm tháng 2 hoặc dịp tế lễ đầu năm, các cụ cao niên trong làng làm lễ xin nấu rượu và bốc thẻ. Nếu bốc vào thẻ được nấu thì năm đó người dân mới nấu rượu dâng lên Đại vương Vũ Hựu. Còn bốc vào thẻ không được thì tại lễ hội năm đó không được nấu rượu và nếu người làng có cố tình nấu thì rượu sẽ không thành. Ngày 24.2 âm lịch, trước khi bắc bếp, các cụ cao niên trong làng tiếp tục làm lễ xin nấu rượu. Lễ được tổ chức vào sáng sớm và chỉ có tổ trưởng và tổ phó tổ tuần tế thực hiện nghi lễ. Để nấu được rượu Hoàng Tửu, ngoài các nghi lễ trên, người nấu rượu cũng được tuyển chọn kỹ càng. Đó phải là người gốc ở làng, từ 40tuổi trở lên. Đây là người có uy tín trong làng, gia đình đầm ấm, hòa thuận, đặc biệt gia đình không có tang. Sau khi nấu xong, tổ tuần tế tiếp tục làm lễ tạ ơn. Rượu nấu xong được cất vào trong cung, khóa cửa cẩn thận và đến chính hội ngày 10.3 mới được mang ra làm lễ. Sau khi làm lễ xong, rượu dùng để mời các cụ cao niên trong làng. Từ khi nấu đến khi hoàn thành, việc nấu rượu được giữ kín, rất ít người tham dự. 

Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, cách đây khoảng 25 năm, khi làm lễ xin nấu rượu, ngài không đồng ý nhưng người trong làng vẫn cố tình nấu, rượu không có nước. Hay 10 năm trước đây, người được chọn nấu rượu đã dùng đồ không sạch sẽ ủ rượu. Năm đó, rượu bị chua, không dùng được.


Lễ hội đền - đình Sượt 

Tự hào người nấu rượu

Ông Nguyễn Văn Tuyển ở KDC số 2 là người nhiều lần được chọn nấu rượu Hoàng Tửu. Ông cho biết gia đình ông vốn có nghề nấu rượu truyền thống, bản thân ông cũng có những hoạt động phục vụ tại đình - đền Sượt. "Do quy trình nấu nghiêm ngặt, không phải ai thực hiện cũng thành công nên khi được chọn là người nấu rượu dâng Đại vương, tôi cảm thấy rất vinh dự. Mỗi lần như vậy, tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc tốt nhất để không phụ lòng tin tưởng của các cụ cao niên và người dân", ông Tuyển cho biết.

So với rượu thường, các bước nấu rượu Hoàng Tửu có những yêu cầu, đòi hỏi khắt khe hơn. Hiện nay, rượu Hoàng Tửu được nấu bằng nếp cái hoa vàng Kinh Môn. Gạo nấu rượu được lựa chọn cẩn thận, đó là những hạt bóng, mẩy, căng tròn và phải vo sạch, đãi kỹ. Ngâm 15 tiếng thì vớt ra đãi lại, để ráo nước, sau đó cho vào chõ sành đồ xôi. Nước đồ xôi phải là nước mưa. Đồ xong, đổ xôi ra nia để nguội, rồi ủ thành rượu. Men rượu được làm bằng bột nếp và thuốc bắc. Mỗi lượt xôi rải một lượt men. Sau đó đem vào ủ bằng rơm nếp, khi rượu dậy mùi, xuống nước là được. Bình thường cứ 15 kg gạo sẽ cho từ 9 - 10 lít rượu hồ, màu trắng đục. Nước rượu hồ để trong, lọc 1-2 lần bằng vải thưa. Đến ngày 9.3, lọc bằng giấy bản lần cuối rồi đem chưng lên, lúc đó rượu thu được mới dùng làm lễ dâng Đại vương. Rượu Hoàng Tửu có màu vàng sẫm và đặc sánh, có mùi thơm cay. Rượu được đóng kín vào chóe gốm, cất kín trong cung đến ngày 10.3 mang ra làm lễ dâng ngài. Củi cất rượu phải là gốc tre ngâm phơi khô, đun nhỏ lửa. Trong quá trình nấu rượu, phải dùng rổ, rá sạch để đựng gạo, không được nếm, chỉ nhìn bằng mắt để đánh giá chất lượng của rượu. Trong quá trình nấu, người nấu rượu phải ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề.  

Năm nay, ông Nguyễn Văn Thám ở KDC số 2 đảm nhận việc nấu rượu Hoàng Tửu. "Lễ dâng Đại vương để cầu mong cho người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mưa thuận, gió hòa nên mọi đồ vật dâng đều phải sạch sẽ. Nếu không tuân thủ quy trình, rượu nấu không thành sẽ mất uy tín với làng. Do đó, chúng tôi đều toàn tâm, toàn ý cho việc này".

Cùng với những nghi lễ khác, rượu Hoàng Tửu được coi là một nét độc đáo trong lễ hội đình - đền Sượt, được người dân KDC số 2 và Ban Quản lý di tích đền - đình Sượt luôn chú trọng giữ gìn.

THANH HÀ