Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất: Hành động thực tế để bảo vệ hành tinh xanh
Môi trường - Ngày đăng : 11:07, 22/04/2021
Thanh niên Quảng Trị hưởng ứng Tết trồng cây. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Kể từ năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lựa chọn ngày 22.4 hằng năm để kỷ niệm Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất (International Mother Earth Day) nhằm nâng cao nhận thức và giá trị của môi trường tự nhiên, bảo vệ ngôi nhà chung của con người.
Trong những năm qua, ý thức bảo vệ môi trường của người dân Việt Nam đã được nâng cao, nhiều địa phương trở thành điểm sáng trong phong trào bảo vệ môi trường, đặc biệt là nhận thức của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường sống của mỗi gia đình, mỗi cá nhân, góp phần bảo vệ “ngôi nhà chung Trái Đất” trước những tác hại ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường.
Những điểm sáng “xanh-sạch-đẹp” tại Việt Nam
Năm 2009, ngay sau khi được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cù Lao Chàm là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng mô hình điểm “Giảm thiểu sử dụng túi nylon.”
Đến nay Cù Lao Chàm là hình mẫu điển hình của cả nước về bảo vệ môi trường xanh-sạch-đẹp, đặc biệt là phong trào “Nói không với túi nylon,” “Nói không với ống hút nhựa.”
Xã đảo Tân Hiệp (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm-Hội An. Đến nay, mọi người dân sinh sống trên xã đảo đã nhận thức và hưởng lợi từ giá trị, ý nghĩa của môi trường xanh-sạch-đẹp, khách du lịch tới đông hơn, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, không tạo ra các sản phẩm không có khả năng tái chế, khó phân hủy.
Người dân sinh sống trên xã đảo sử dụng hoàn toàn các vật liệu thân thiện với môi trường như túi giấy, túi lưới, rổ rá đan bằng tre để đi chợ; dùng các loại lá như lá chuối, lá môn, lá bàng, các loại lá có trên đảo để gói hàng hóa thay túi nylon.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết để vận động người dân triệt để không sử dụng túi nylon và các sản phẩm nhựa dùng một lần, chính quyền đã thường xuyên đến từng nhà, gõ từng cửa để tuyên truyền.
Xã đã thành lập đội kiểm tra liên ngành chuyên giám sát việc sử dụng túi nylon. Du khách khi ra đảo sẽ được các thành viên của đội liên ngành kiểm tra, nhắc nhở là không được mang túi nylon lên đảo, ai lỡ mang theo thì sẽ được thay bằng túi lưới.
Các túi nylon sau khi thu gom sẽ được tập kết ở bãi rác và vận chuyển vào đất liền để xử lý. Mỗi năm, chính quyền xã phát cho mỗi hộ gia đình 2 giỏ xách, màu đỏ để đựng thịt, còn giỏ màu xanh để chứa rau, củ. Điều này giúp người dân thuận tiện để mang đi chợ, hạn chế túi nylon. Nhờ thế, việc không sử dụng túi nylon đã trở thành thói quen của toàn bộ người dân xã đảo.
Còn tại vùng núi Tây Bắc, những năm gần đây, bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) nổi tiếng là bản du lịch cộng đồng hấp dẫn bậc nhất vùng Tây Bắc. Bản sở hữu những kiến trúc mang nét đặc trưng của người Mông, đặc biệt là lối sống lành mạnh, sạch đẹp của dân bản…
Bản Sin Suối Hồ có 123 hộ dân, 658 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông. Từ chỗ là một bản nghèo với nhiều đàn ông, thanh niên trai tráng sa vào nghiện ngập, sau 15 năm đổi mới bản đã nổi tiếng là "xanh, sạch, đẹp" nhất tỉnh Lai Châu và vùng Tây Bắc, là điểm đến du lịch cộng đồng yêu thích của du khách trong và ngoài nước với gần 100 nghìn lượt khách trung bình mỗi năm.
Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết người dân trong bản thực hiện “5 không”: không hút thuốc phiện, không hút thuốc lào hay thuốc lá, không đàn đúm rượu chè, không cờ bạc, không xả rác bừa bãi.
Để thực hiện được việc này, những người có uy tín trong bản trong nhiều năm đã kiên trì vận động bà con trong bản trước hết phải giữ cho môi trường sống quanh nhà thật sạch, đẹp, là “tổ ấm” yêu thích của chính bản thân mình.
Người dân trong bản cùng nhau sửa lại đường đi, dựng cổng chào, chỉnh trang khuôn viên mỗi nhà cho thật sạch, lên rừng tìm hoa lan về trồng quanh nhà…
Qua từng năm, mỗi nhà sửa sang một chút, dần dần bản Sin Suối Hồ “thay da đổi thịt” nhưng vẫn giữ nguyên vẹn những nếp nhà truyền thống của người Mông.
Tại vùng đồng bằng ven biển thuộc tỉnh Thanh Hóa, người dân huyện Hoằng Hóa không chỉ tự hào về lịch sử lâu đời, là chốn địa linh nhân kiệt mà tiêu biểu là Trạng Quỳnh, mà còn vì đây là nơi “đáng sống” của tỉnh.
Hoằng Hóa đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019, trong đó có 2 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao, 1 thôn đạt tiêu chí thôn kiểu mẫu. Trong năm 2020 và quý 1/2021, huyện đã xây dựng được 295,7km đường điện ánh sáng; lát 33.120m2 vỉa hè; làm 94,05km rãnh thoát nước qua khu dân cư có nắp đậy; xây dựng 130 cổng trào thôn, phố, 40 cổng trào xã, tthij trấn; trồng 121,54km đường hoa, viền cây; 57.778 cây bóng mát; xây 585 bể chứa rác thải ngoài đồng ruộng; mua hơn 6.000 thùng đựng rác thải.
Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa Bùi Quang Sáng cho biết xã nằm ở trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Đông Nam của huyện. Phát huy truyền thống của địa phương trong nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân xã Hoằng Lộc đã có nhiều cố gắng và giành được nhiều thành tích trong việc phát triển kinh tế-xã hội. Đời sống nhân dân được cải thiện, diện mạo quê hương ngày càng đổi mới, hạ tầng nông thôn phát triển theo hướng đồng bộ và hiện đại.
Môi trường sinh thái nông thôn đã có bước chuyển biến rõ nét, ý thức của người dân về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường được nâng lên, cảnh quan nông thôn mới - “sáng, xanh, sạch, đẹp”, trở thành “nơi đáng sống,” tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đạt 92% các thôn và 3 nhà trường được công nhận là đơn vị, cơ quan văn hóa.
Để làm được những điều này, Đảng ủy, UBND xã đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm với quyết tâm chính trị cao; có lộ trình, kế hoạch từng thời gian cho từng tiêu chí với phương châm: tiêu chí dễ, cần ít tiền làm trước, tiêu chí khó, cần nhiều tiền làm sau. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, lấy dân làm gốc, với phương châm ‘’Lấy sức dân để lo cho dân.”
Bảo vệ “ngôi nhà chung”
Nhân Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất 22.4, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã gửi thông điệp kêu gọi mỗi người dân thực hiện những hành động thiết thực bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ ngôi nhà chung Trái đất.
(Nguồn: TTXVN)
Theo đó, năm 2012, văn kiện của Hội nghị Liên hợp quốc về Phát triển bền vững mang tên "Tương lai mà chúng ta mong muốn" đã khẳng định: "Trái đất và các hệ sinh thái của nó là ngôi nhà của chúng ta và "Mẹ Trái đất" là một khái niệm phổ biến ở một số quốc gia và khu vực".
Các quốc gia thành viên thừa nhận rằng Trái đất và các hệ sinh thái của nó là ngôi nhà chung và bày tỏ niềm tin cần phải thúc đẩy sự hài hòa của con người với thiên nhiên để đạt được sự cân bằng, công bằng giữa các nhu cầu kinh tế, xã hội và môi trường của hiện tại và các thế hệ tương lai.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thừa nhận rộng rãi rằng sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy thoái môi trường nhanh chóng của thế giới là kết quả của các mô hình sản xuất và tiêu dùng không bền vững đã dẫn đến những hậu quả bất lợi cho cả Trái Đất, sức khỏe cũng như hạnh phúc chung của nhân loại.
Theo Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), lối sống hiện tại, đặc biệt là cách tiêu dùng và sản xuất của con người đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tiếp nhận của Trái đất.
Sự coi thường thiên nhiên và tính toàn vẹn của các hệ sinh thái và các quá trình hỗ trợ sự sống của nó đã dẫn đến những hậu quả như: mất đa dạng sinh học, sa mạc hóa, biến đổi khí hậu và sự gián đoạn của một số chu kỳ tự nhiên.
Trong khi dân số thế giới ngày càng tăng, nhu cầu của con người ngày càng lớn thì nguồn tài nguyên của Trái đất chỉ có hạn và ngày càng giảm. Do đó, cần phải đưa ra một mô hình bền vững hơn cho sản xuất, tiêu dùng và nền kinh tế nói chung.
Nhân Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất, bài viết “Khi Mẹ Trái đất gửi thông điệp cho chúng ta” đăng trên trang chủ của Liên hợp quốc (un.org) đã dẫn lời Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres: “Chúng ta phải hành động dứt khoát để bảo vệ hành tinh của chúng ta khỏi mối đe doạ hiện hữu của gián đoạn khí hậu và cả coronavirus.”
Bài viết cũng chỉ ra rằng “Mẹ Trái đất rõ ràng đang thúc giục một lời kêu gọi hành động.” Bằng chứng là những thông điệp từ thiên nhiên như: rác thải nhựa đang xâm chiếm các đại dương, nắng nóng khắc nghiệt, cháy rừng và lũ lụt, mưa bão kỷ lục.
Biến đổi khí hậu, những thay đổi do con người tạo ra đối với thiên nhiên cũng như các tội phạm phá vỡ đa dạng sinh học, chẳng hạn như phá rừng, thay đổi mục đích sử dụng đất, tăng cường sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi hoặc buôn bán trái phép động vật hoang dã ngày càng tăng, có thể làm tăng tiếp xúc và lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người như COVID-19.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, từ một bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện ở người cứ 4 tháng, 75% các bệnh mới nổi này đến từ động vật. Điều này cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người, động vật và môi trường, hệ sinh thái càng khỏe mạnh thì hành tinh và con người càng khỏe mạnh. Việc phục hồi các hệ sinh thái sẽ giúp xóa đói giảm nghèo, chống lại biển đổi khí hậu và ngăn chặn sự tuyệt chủng hàng loạt.
Vào Ngày Môi trường Thế giới năm 2021 (5.6) sắp tới, Liên hợp quốc sẽ chính thức khởi động Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên mọi lục địa và mọi đại dương. Liên hợp quốc kêu gọi: “Chúng ta sẽ chỉ thành công nếu tất cả mọi người đều đóng góp một phần công sức của mình. Trong Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất này, hơn bao giờ hết, chúng ta cần chuyển sang một nền kinh tế bền vững hơn, có lợi cho cả con người và hành tinh. Hãy thúc đẩy sự hòa hợp với thiên nhiên và Trái Đất. Hãy tham gia phong trào toàn cầu để khôi phục thế giới của chúng ta”.
Theo TTXVN