"Giật đơn" ảo nhưng mất tiền thật: Người chơi "vỡ trận" với ứng dụng Pchome
Kinh tế - Ngày đăng : 15:37, 24/04/2021
Với mong muốn làm giàu nhanh, nhiều nhà đầu tư hiện ôm trái đắng khi Pchome, một ứng dụng (app) được quảng cáo là chỉ cần nạp tiền, ngồi "giật đơn" hàng mỗi ngày là có thể thu lãi khủng.
Tuy nhiên, lãi chưa thì thấy đâu mà nhiều người đã mất cả chục triệu đồng, thậm chí là vài trăm triệu đồng khi lỡ dại, rót tiền vào app.
Những chiếc "bánh vẽ" được giới thiệu cho nhà đầu tư
Chị L.A (Hà Nội), một người chơi Pchome cho biết, chị được một người quen giới thiệu ứng dụng. Theo quảng cáo, đây là app đặt hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử như Amazon, Tiki, Shopee, Lazada... để nhận hoa hồng. Thế nên, nhiều nhà đầu tư mới tin tưởng rót vốn mà không hề nghi ngờ. Chỉ khi app sập, mọi người mới tả hỏa, biết mình bị lừa.
"Khi mới bắt đầu chơi, tôi cũng rút tiền 2 lần nhưng đến ngày 12.4 thì không thể rút được nữa, xong đến ngày 16.4 thì app sập. Tôi đã đầu tư 200 triệu đồng, nhưng rút ra mới được 70 triệu đồng" - chị nói.
6 gói tiền nạp theo quy định
Công việc hàng ngày của chị L.A là truy cập vào ứng dụng, "giật" đơn hàng. Mỗi ngày được "giật" tối đa 40 đơn, hưởng hoa hồng 0,35% trên tổng số tiền đầu tư, với điều kiện, người chơi phải bỏ tiền thật để mua các gói theo quy định.
"Theo phổ biến, cứ sau 1 ngày chơi, nhà đầu tư có thể đặt lệnh rút tiền. Nhưng chỉ được thời gian đầu, sau đó, việc rút tiền trở nên khó khăn hơn. Phía Pchome thường đưa ra các lý do kiểu nghẽn mạng, tắc mạng để trì hoãn việc rút tiền" - chị kể lại.
Nhưng cay đắng nhất là khi sàn sập, chị L.A và nhiều người chơi khác còn nhận được tin nhắn thách thức "Tao lừa đảo rồi, tao không cho rút tiền đâu".
Phần trăm hoa hồng cho người giới thiệu
Tương tự, anh H.H, một nạn nhân bị Pchome lừa đảo cho biết, anh có 2 tài khoản truy cập vào ứng dụng với tổng số tiền bị mất lên tới 70 triệu đồng. Một tài khoản là của anh, một tài khoản anh đăng ký cho người khác. Theo đó, anh sẽ nhận được hoa hồng khi giới thiệu người chơi mới với phần trăm hấp dẫn.
"Giả sử, nhà đầu tư mời A (bạn bè) tham gia bằng mã mời của mình, khi đó A sẽ là thành viên cấp dưới (cấp 1). Khi A giật đơn hàng mỗi ngày, nhà đầu tư sẽ nhận được 8% hoa hồng từ số hoa hồng của A.
Khi A mời B (bạn của A) tham gia bằng mã mời của A, khi đó B sẽ là thành viên cấp dưới của A và của nhà đầu tư (cấp 2). Từ đó, người chơi sẽ nhận được 5% hoa hồng từ B. Khi B mời C (bạn của B) tham gia, nhà đầu tư sẽ nhận được 3% hoa hồng từ C" - anh H cung cấp thông tin.
Nhiều nạn nhân bị Pchome lừa đảo đang kể lại sự việc cho phóng viên
Theo cách tính đơn giản, nếu hoa hồng của A hôm đó là 1 triệu đồng thì nhà đầu tư sẽ nhận được 80.000 đồng vào tài khoản PChome mỗi ngày.
"Tôi thậm chí còn chưa rút được đồng lãi nào mà ứng dụng đã sập. Tôi nhớ, vào ngày 12/4, tôi thử đặt lệnh rút tiền thì không truy cập được. Tôi có hỏi thì bên đó giải thích rằng là phía công ty sắp có sự kiện, nên sẽ giam tiền tạm thời của các nhà đầu tư. Nếu trong thời gian đó, ai nạp thêm tiền thì sẽ được nhân đôi tài khoản" - anh cho hay.
Ngoài ra, anh H còn cho biết, gần ngày app sập, Pchome còn dụ dỗ các nhà đầu tư nạp thêm tiền vào tài khoản để hưởng những ưu đãi "khủng" từ sự kiện. Thế nên, rất nhiều người chơi đã dốc hết vốn liếng vào cuộc chơi để thử vận may.
"Rất nhiều người, ngay cả tôi khi đó cũng bị cuốn theo những lời mời chào mật ngọt, dụ dỗ. Khi mọi người nhận ra thì đã quá muộn, đến lúc đó, Pchome đã ngửa bài thực sự, khi thông báo với các nhà đầu tư là ai muốn rút vốn, thì phải nạp thêm 30% số tiền trên tổng tài khoản. Nhưng có nạp thêm bao nhiêu thì cuối cùng cũng chỉ nhận về cái kết đắng là không có bất kỳ lời hứa nào được thực hiện" - anh H cay đắng nói.
Đơn tố cáo Pchome của các nhà đầu tư
Đáng chú ý, Pchome còn tạo ra những cái "bánh vẽ" khổng lồ khiến người chơi sập bẫy. Bằng cách quảng cáo về lợi nhuận khổng lồ mà nhà đầu tư sẽ có được khi tham gia vào app.
"Chỉ cần có mã người giới thiệu là tôi có thể truy cập vào app dễ dàng. Như tôi nạp 350.000 đồng thì sẽ kiếm được 13.000 đồng/ngày. Thế nên, trong đầu tôi mới lóe lên suy nghĩ, nếu chơi 10 ngày liên tục sẽ kiếm được 130.000 đồng, 20 ngày là 260.000 đồng. Đấy là kiểu tự chơi, đam mê rồi cuốn hút, cũng chẳng phải là ai lôi kéo hay bắt mình chơi đâu" - một người chơi Pchome ở Hà Nội kể lại.
Đồng thời, anh này cũng tiết lộ, trong các hội nhóm người chơi Pchome đều có một hệ thống "chim mồi", chuyên dụ dỗ khách nạp tiền, xoa dịu tâm lý người chơi.
Những quy định đến khó hiểu của Pchome
"Sau khi app sập, những "chim mồi" trong nhóm đã liên hệ với chúng tôi vì họ sợ sẽ bị ảnh hưởng, liên đới. Họ có khai là đã nhận tiền của đội Pchome để hàng ngày vào thúc giục, hô hào mọi người nạp tiền" - anh kể lại.
Ngoài ra, anh còn cho biết, không những ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiều người chơi ở các tỉnh thành như Ninh Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Hưng Yên, Bắc Giang, Vũng Tàu.. cũng tham gia và đang lâm vào tình cảnh tương tự.
Hàng loạt người chơi Pchome đang cùng nhau làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.
Theo Dân trí