Chạy theo ngành "hot" có lo bão hòa, thất nghiệp trong tương lai?
Khoa học - Giáo dục - Ngày đăng : 13:02, 26/04/2021
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 27.4, các thí sinh trên cả nước sẽ làm hồ sơ dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển cao đẳng đại học năm 2021. Thời điểm này, chọn ngành, nghề phù hợp là băn khoăn của không ít thí sinh và phụ huynh.
Dự báo về nhu cầu nhân lực trong thời gian tới để làm cơ sở cho các thí sinh cân nhắc chọn ngành, chọn nghề, Thạc sĩ Vũ Chí Thành, Giám đốc Khối đào tạo Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho rằng, có thể thấy, lĩnh vực công nghệ thông tin là hạ tầng của mọi hạ tầng, theo đó các khối ngành nghề kinh tế- xã hội khác đều phát triển dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Khối ngành này cũng đang rất khát nhân lực, mỗi năm thiếu khoảng 400.000 nhân lực chất lượng cao. Với sức đào tạo của các trường như hiện nay chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường lao động.
Nhiều thí sinh vẫn băn khoăn về chọn ngành, nghề
Theo Ths Vũ Chí Thành, cụ thể, trong công nghệ thông tin đang nổi lên các ngành liên quan đến thiết kế website. Hiện, mỗi doanh nghiệp muốn ổn định đều cần có một website để quảng bá cho hình ảnh của mình. Nhóm ngành thứ hai là ngành thiết kế đồ họa, trong nhóm ngành này kết hợp giữa mỹ thuật với đồ họa, đòi hỏi sinh viên khi ra trường phải lành nghề.
Trong khối ngành liên quan đến kinh tế kinh doanh, đang nổi lên ngành lớn là maketing số. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp đều phải hiểu về kinh doanh số, sự xuất hiện trên các nền tảng về mạng xã hội, google, trên internet, và sự xuất hiện của bản thân doanh nghiệp phải làm sao giới thiệu được sản phẩm tới khách hàng.
Thạc sĩ Vũ Chí Thành, Giám đốc Khối đào tạo Trường Cao đẳng FPT Polytechnic
Cũng theo Ths Thành, nhóm ngành thứ ba hứa hẹn sẽ bùng nổ trong thời gian tới phải kể đến là du lịch, khách sạn. Việt Nam đang là điểm đến an toàn, và có nhiều nét văn hóa đặc sắc, du lịch phát triển mạnh, do đó cần nguồn nhân lực dồi dào. Những thí sinh muốn theo đuổi ngành này cần xác định ngoại ngữ rất quan trọng.
Đặc biệt, các ngành công nghiệp cơ bản như cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa... là nhóm ngành cơ bản, xương sống của nền kinh tế.
Ngoài ra, khi xã hội phát triển, nhu cầu làm đẹp là rất lớn. Theo đó, các nhóm ngành nghề như chăm sóc da, móng, tóc, nhuộm tóc, trang điểm, các ngành chăm sóc sức khỏe... cũng sẽ rất phát triển.
Đưa ra lời khuyên cho các thí sinh khi chọn ngành, GS.TS Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi lại cho rằng, bài toán chọn ngành chọn nghề không hề dễ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bởi nhu cầu xã hội hay còn gọi là thị trường lao động là yếu tố luôn biến đổi không ngừng và ảnh hưởng trực tiếp đến việc lựa chọn nghề nghiệp.
“Trong một giai đoạn nhất định, sẽ có một số ngành cần nhiều nguồn năng lực, nhưng sau một vài năm, khi nguồn cung nhân lực quá lớn, sẽ dẫn đến tình trạng bão hòa và tăng nguy cơ thất nghiệp.
Không thể phủ nhận, xu thế của một số ngành liên quan đến thương mại điện tử, kinh doanh kỹ thuật số, sáng tạo nội dung trên nền tảng số... sẽ là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh chuyển đổi số, càng ngày nhiều ngành nghề có xu hướng cắt giảm nhân sự. Tuy nhiên, với cá nhân tôi, các ngành khoa học cơ bản, đặc biệt là khoa học kỹ thuật sẽ luôn luôn chiếm vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của đất nước”, GS.TS Nguyễn Trung Việt nói.
Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy Lợi cũng cho rằng, đặc biệt, trong bối cảnh Covid-19 cho thấy sự bất ổn về kinh tế - xã hội, lại càng đòi hỏi sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, thay đổi cơ cấu sản xuất, phân công lao động... Do đó, dù quan tâm đến các ngành "hot" thì vẫn nên có các chính sách để thu hút học sinh chọn các ngành khoa học cơ bản, tạo ra nền tảng cho sự phát triển của đất nước.
Cần thêm dự báo về nhu cầu nhân lực
Còn theo ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Long Biên (Hà Nội), nghề nghiệp trong xã hội luôn có sự thay đổi, có nghề mất đi, có nghề mới xuất hiện. Nhiều nghề truyền thống biến mất, nhiều nghề mới phát triển, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số, thế giới “ảo” phát triển. Chính vì vậy, nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh là vô cùng quan trọng.
Ông Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi, Long Biên (Hà Nội)
Qua công tác tư vấn hướng nghiệp, ông Nguyễn Quý Xuân nhận thấy, ngày nay, học sinh thường có xu hướng lựa chọn các nghề năng suất lao động cao, tiện ích cao, công việc ít phải lao động chân tay hơn.
Tại Trường THPT Phúc Lợi, công tác tư vấn hướng nghiệp của nhà trường được triển khai thường xuyên. Thực tế, công tác hướng nghiệp này hướng tới rất nhiều đối tượng mà không chỉ riêng các em học sinh lớp 12. Nhà trường cũng phối hợp với doanh nghiệp để học sinh có cơ hội tham gia, trải nghiệm vào các hoạt động trực tiếp tại công ty nhằm giúp các em có cái nhìn thực tế từ đó dễ dàng hơn trong chọn lựa ngành nghề.
“Có rất nhiều ngành nghề để cho các em lựa chọn, làm thế nào để các em lựa chọn được công việc phù hợp bản thân, phù hợp với sự phát triển của xã hội thì vô cùng quan trọng. Chúng tôi nghĩ nhiệm vụ này không chỉ có sự tham gia của các trường phổ thông mà còn cần sự chung tay của các trường đại học và đặc biệt, kiến nghị tới Bộ LĐ-TB-XH nên có những thống kê chi tiết về các ngành nghề ở Việt Nam, những ngành nghề này cần nhân lực lao động là bao nhiêu để các trường đại học có xu hướng đào tạo, học sinh sắp tốt nghiệp THPT, chuẩn bị bước vào việc học nghề có thể lựa chọn nghề nghiệp phù hợp để theo học”, ông Xuân kiến nghị.
Ông Xuân cũng cho rằng, những ngành nghề mà sinh viên theo học, không có ngành nghề nào là vĩnh viễn không thay đổi, do đó người học cần có tâm lý sẵn sàng thích nghi. Xu hướng thay đổi ngành nghề hiện nay cũng rất phổ biến, việc học nghề chỉ là giai đoạn ban đầu, trong quá trình phát triển của con người sẽ liên tục nâng cao năng lực bản thân vì vậy việc đổi nghề cũng là liên tục.
Theo VOV