Doanh nghiệp sản xuất vật liệu tiết kiệm năng lượng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 29/04/2021
Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương tự chủ được 90% lượng điện năng tiêu thụ
Giảm chi phí
Là DN sản xuất thép nên chi phí tiêu thụ điện của Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tiết kiệm điện trong quá trình sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh là giải pháp quan trọng hàng đầu được lãnh đạo công ty hết sức chú trọng. Ông Đỗ Đức Đôn, Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương cho biết sử dụng khí nóng lò luyện than cốc để chạy tua bin máy phát điện là giải pháp đã được công ty áp dụng và cho hiệu quả cao. Đầu tháng 4 vừa qua, công ty đã đưa vào vận hành tua bin máy phát điện số 5 với công suất 50 MW, nâng tổng công suất phát điện toàn công ty lên tới 114 MW. "Tổ máy số 5 đi vào hoạt động, chúng tôi đã tự chủ được khoảng 90% nhu cầu điện năng cho sản xuất, giúp công ty tiết kiệm được vài trăm tỷ đồng mỗi năm", ông Đôn chia sẻ. Theo ông Đôn, tổ máy phát điện số 5 dùng nồi hơi nhiệt dư siêu cao áp của lò luyện than cốc và nồi hơi khí than dư của lò cao. Các nồi hơi sử dụng công nghệ cao nhiệt siêu cao áp mới nhất hiện nay, tạo ra hiệu suất phát điện cao hơn nhiều so với công nghệ cũ. Quan trọng hơn, giải pháp này giúp giải quyết khá triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.
Đối với Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch, tiết kiệm điện năng cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu bởi lượng điện tiêu hao trong sản xuất rất lớn. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc tiết kiệm điện năng giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh những giải pháp quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng điện, DN thường xuyên thay thế, dùng các thiết bị hiện đại, tiết kiệm năng lượng. Từ năm 2016 đến nay, công ty đã thay đổi phương án cấp liệu của lò I, thay đổi cách vận hành của 2 trạm khí nén, mua sắm máy móc cải tạo khoang 1 của ghi 2 trong hệ thống lò 2 để chuyển từ hoạt động theo cơ chế động sang cơ chế tĩnh... giúp tiết kiệm hàng chục nghìn kWh điện mỗi ngày.
Ông Vũ Văn Hạt, Giám đốc Công ty TNHH Đồng Tâm (Tứ Kỳ) cho biết DN chuyên sản xuất gạch nên tiêu thụ một lượng điện, than rất lớn. Ngay từ năm 2016, khi sửa chữa, nâng cấp nhà máy, công ty đã áp dụng mô hình sản xuất tiết kiệm do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Với mô hình này, công nghệ ép bán dẻo được thay bằng công nghệ ép khô nên lượng nước trong viên gạch gần như bằng không. Nhiệt dư, khí thải được thu hồi triệt để sau đó đưa trở lại buồng sấy giúp viên gạch khô nhanh hơn, rút ngắn thời gian nung đốt, hạn chế tối đa lượng khói độc hại thải ra môi trường. Trong quá trình tạo hình, do than được trộn lẫn với đất nên lượng than sử dụng trong mỗi viên gạch cũng giảm tới 32%. "Nhờ giảm lượng điện, than trong sản xuất, mỗi năm chúng tôi đã tiết kiệm được vài tỷ đồng. Quan trọng hơn, tình trạng ô nhiễm môi trường phát sinh trong quá trình sản xuất đã được hạn chế rất nhiều", ông Hạt nói.
Công ty TNHH Đồng Tâm ứng dụng công nghệ mới giúp giảm lượng than tiêu thụ, tiết kiệm chi phí, hạn chế ô nhiễm môi trường
Để tiết kiệm phải đầu tư
Tiết kiệm năng lượng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng đòi hỏi một quá trình bài bản, dài hơi. Không phải DN nào cũng đủ khả năng tài chính, công nghệ để thực hiện ngay mục tiêu này dù hiệu quả rất rõ ràng. Lãnh đạo một DN chuyên sản xuất xi măng ở thị xã Kinh Môn cho biết là DN tư nhân nên tiềm lực tài chính có hạn, tiếp cận vốn vay cũng không thuận lợi. Thời gian gần đây, sự cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ xi măng rất khốc liệt nên nhiều DN gặp khó khăn. Vì thế, kinh phí sử dụng cho việc thay thế dây chuyền, công nghệ hiện đại rất hạn chế. "Dù biết tiết kiệm năng lượng sẽ giảm chi phí sản xuất, tạo hiệu quả cao trong sản xuất nhưng DN tư nhân gặp khó trong bố trí kinh phí sửa chữa, thay thế, lắp nhiều hạng mục, dây chuyền. Để làm được điều này, DN cần sự trợ giúp từ chính quyền và các cơ quan chuyên môn trong tiếp cận nguồn vốn vay và công nghệ hiện đại", vị lãnh đạo này đề xuất.
Lãnh đạo Công ty TNHH Phú Tân (Kinh Môn) cho rằng Nhà nước cần xây dựng một cơ chế đơn giản, thông thoáng, minh bạch để DN dễ dàng tiếp cận với các gói tín dụng giá rẻ. Khi đó, DN mới có thể thay thế dây chuyền cũ bằng dây chuyền mới hiện đại, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường hơn. Ngoài kinh phí, quyết tâm của DN cũng là yếu tố quan trọng để thay đổi. Ông Hạt cho biết thêm nếu như không quyết tâm, chắc chắn DN vẫn sử dụng dây chuyền cũ, lạc hậu vì thay thế, sửa chữa toàn bộ dây chuyền sản xuất, công ty phải bỏ hàng chục tỷ đồng. Đây là số tiền lớn đối với một DN tư nhân. Thế nhưng chính có quyết tâm đó, DN mới thu được quả ngọt như hiện nay.
Kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 - 2030 do UBND tỉnh vừa ban hành đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2020- 2025 ngành công nghiệp thép giảm 6,9%, xi măng giảm 5% và công nghiệp vật liệu xây dựng giảm 5,6% lượng điện tiêu thụ. Đến năm 2030, các ngành này giảm lần lượt là 8,7%, 6,2% và 7,4% lượng tiêu thụ điện năng. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, đòi hỏi sự thay đổi một cách đồng bộ từ DN đến chính quyền và các cơ quan chuyên môn.
VỊ THỦY