Hiến tạng con để cứu mạng nhiều người

Việc tử tế - Ngày đăng : 14:59, 29/04/2021

Dù đau xót trước sự ra đi đột ngột của con trai nhưng bà Nhường đã quyết định hiến tạng của con cho 6 người không quen biết. 


Cháu bé nhận tay con trai bà Nhường về thăm và ôm bà

“Bàn tay, nhịp thở của con vẫn còn quanh đây, chỉ là thiếu đi hình hài nguyên vẹn, hơi ấm và tiếng cười mà thôi”, bà Trương Thị Nhường (xã Thanh Tùng, Thanh Miện) nói sau nửa năm con trai ra đi mãi mãi. Tạng của anh N.T.T. (sinh năm 1989), con bà đã được hiến để cứu mạng hoặc góp phần hoàn thiện cơ thể cho 6 người xa lạ.

Bà Nhường gặp nhiều sóng gió trong cuộc đời. Chồng mất sớm sau nhiều năm chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. 6 năm sau, con gái thứ hai qua đời do tai nạn giao thông, một mình bà nuôi hai con còn lại ăn học với bao nỗi nhọc nhằn. Những tưởng cuộc sống của bà đã được yên vui khi hai con giỏi giang, ngoan ngoãn thì anh T., con trai duy nhất của bà cũng ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông.

Anh T. mất ngày 16.9.2020 sau khi được chuyển lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108). Các bác sĩ cho biết anh bị chết não và không qua khỏi. Dù đau xót trước sự ra đi đột ngột của con trai, nhưng bà Nhường đã đưa ra một quyết định chưa từng có ở vùng quê này, đó là hiến tạng của con cho y học để cứu người. Cùng ngày hôm ấy, Bệnh viện 108 đã thực hiện ca ghép đa mô tạng từ cơ thể anh T. để cứu sống, góp phần hoàn chỉnh cơ thể cho 6 bệnh nhân khác. Trong đó, ghép 2 lá phổi cho một bệnh nhân xơ phổi nguyên phát; ghép gan cho một bệnh nhân suy gan cấp trên nền xơ gan do nhiễm virus viêm gan B. Hai quả thận được ghép cho 2 bệnh nhân bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Hai cẳng bàn tay được ghép cho 1 bệnh nhân bị cụt cẳng tay cả 2 bên do tai nạn chất nổ.

Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã chuyển quả tim đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức để ghép cho bệnh nhân bị giãn cơ tim giai đoạn cuối. Gia đình 5 người nhận tạng đã liên hệ gặp bà Nhường ngay sau đó và vẫn giữ liên lạc thường xuyên.

Người phụ nữ ấy đã đứng vững sau quyết định hiến tạng con để cứu sống những bệnh nhân khác, bất chấp sự gièm pha của dư luận. “Tôi chưa bao giờ hối hận vì quyết định lúc ấy. T. thông minh, sống tình cảm, nó chắc hẳn rất vui vì được giúp đỡ người khác như vậy. Ngay cả khi người ngoài đồn thổi tôi bán tim con lấy 2 tỷ, tôi buồn lắm nhưng cũng gạt đi vì đến một ngày mọi người sẽ hiểu. Đổi lại, tôi đã có thêm nhiều người thân, nhận tôi làm mẹ, bà nội, hiếu thuận với tôi như em T. Nếu tôi không cho đi, sao có thể nhận lại được những tình cảm thiêng liêng ấy”, bà Nhường chia sẻ.

Là người phụ nữ kiên định đã chèo chống cả gia đình mấy chục năm qua, bà Nhường dù thương nhớ con khôn nguôi vẫn luôn lạc quan và sáng suốt. “Ngày đôi bàn tay T. được ghép cho cháu bé ở Thái Nguyên, cháu ôm tôi mà tôi ngỡ như con mình ở đó. Cũng bởi vậy những ngày qua, cả nhà chỉ mong tìm thấy người nhận tim T. để được nghe từng nhịp thở, biết được người ấy hiện giờ có ổn không”, bà Nhường nói.

Đến nay, bà Nhường vẫn chưa được gặp người nhận trái tim con trai mình mà chỉ nói chuyện với người nhà qua điện thoại. Tên tuổi người nhận cũng chưa được tiết lộ. Trong danh bạ điện thoại bà vẫn lưu “Nhận tim con”, chỉ cần nghe giọng nói, hỏi thăm tình hình qua điện thoại bà cũng mãn nguyện rồi.

Nói về nguyện vọng lớn nhất lúc này, bà Nhường chẳng mong được ai mang ơn, đền đáp mà chỉ mong ngày sinh 7.8 tới đây của con trai, cả 6 người nhận tạng sẽ đến đông đủ ở nhà bà, quây quần như anh T. vẫn còn sống, cho anh bớt tủi thân lạnh lẽo. 

Gia đình người nhận tạng vì yêu mến mà nhận bà làm mẹ, làm bà nội. Cứ thứ bảy hằng tuần, bà lại đón xe lên Bệnh viện 108 thăm cháu bé nhận đôi bàn tay của T., có lần bà ở lại chăm sóc cả tuần liền. Những điều ấy đã giúp bà nguôi ngoai phần nào.

Từ ngày con mất, bà chẳng xem ti vi, cũng ít ra khỏi cái ngõ nhỏ ở ngã tư xóm Chùa hơn. Chiếc điện thoại thông minh trở thành người bạn thân nhất của bà. Ở tuổi 72, bà viết thơ rồi đăng lên Facebook, chụp ảnh, kết bạn với mọi người để bớt cô đơn. Từ ngày chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng, bà biết nhiều người cũng đồng cảnh ngộ với mình. Bà chủ động tìm hiểu, xuống tận nơi thăm và trò chuyện với những gia đình hiến tạng để họ nguôi ngoai. Với bà, đó là niềm động viên, an ủi lớn nhất vì họ đồng cảm với bà, thấu hiểu những gì bà đã trải qua khi vừa mất đi con trai, vừa bị mang tiếng xấu bán tim con lấy tiền. Bà còn cảm thấy may mắn vì chí ít bà biết được danh tính 5 người nhận tạng con.

Mong ước lớn nhất của người mẹ có duy nhất một đứa con trai ra đi giữa lúc tuổi trẻ là có người sẽ sử dụng tinh trùng của con đã được bảo quản để sinh ra những đứa cháu. “Con trai ra đi khi chưa kịp lấy vợ sinh con thì người mẹ nào chẳng xót xa. Chỉ mong gặp được người có nhu cầu sẽ sử dụng tinh trùng của con, để tôi có cháu nội. Tôi cũng chẳng dám đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần biết sự tồn tại của cháu trên đời, nhìn trộm cháu lớn lên thôi cũng thật hạnh phúc biết bao”, bà Nhường mong mỏi.

PHẠM TUYẾT